Hà Nội thông qua Đề án Giao thông thông minh Thủ đô
Đề án là định hướng phương án hình thành hệ thống giao thông thông minh cho Hà Nội theo giai đoạn; trong đó có việc hình thành Trung tâm Quản lý điều hành giao thông chung của Thủ đô vào năm 2025.
Ngày 19/11, tại Kỳ họp thứ 19, Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội khóa XVI nhiệm kỳ 2021-2026, Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội thông qua Đề án "Giao thông thông minh trên địa bàn thành phố Hà Nội."
Theo Đề án, mục tiêu và yêu cầu của đề án là định hướng phương án hình thành hệ thống giao thông thông minh cho thành phố Hà Nội theo từng giai đoạn; trong đó có việc hình thành Trung tâm Quản lý điều hành giao thông chung của thành phố vào năm 2025; xác định được khung kiến trúc chung cho hệ thống giao thông thông minh và các chức năng chính cơ bản của hệ thống giao thông thông minh; định hướng các cơ chế chính sách trong quản lý, đầu tư, khai thác, vận hành hệ thống...
Về định hướng phát triển theo các giai đoạn, trên cơ sở đánh giá thực tiễn của thành phố Hà Nội kết hợp với ý kiến tham gia góp ý của 3 tập đoàn (VNPT; Viettel; FPT) đề xuất lộ trình phát triển cho hệ thống giao thông thông minh của thành phố theo 3 giai đoạn.
Cụ thể, giai đoạn 1 (2025-2027) với mục tiêu hình thành và đưa vào khai thác vận hành Trung tâm Quản lý và điều hành giao thông thành phố Hà Nội; trong đó, có bộ phận quản lý điều hành giao thông thông minh với giai đoạn đầu khai thác 9/12 chức năng bao gồm: giám sát giao thông; cung cấp thông tin giao thông; điều khiển giao thông; hỗ trợ xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông; quản lý giao thông công cộng; quản lý đỗ xe; quản lý sự cố; quản lý kết cấu hạ tầng giao thông; quản lý thanh toán vé điện tử giao thông công cộng.
Giai đoạn 2 (2028-2030) với mục tiêu mở rộng phạm vi, vùng hoạt động đối với 9 chức năng hiện hữu đã hình thành trong giai đoạn 1. Hoàn thiện, đưa vào khai thác vận hành đủ 12/12 chức năng theo yêu cầu của hệ thống giao thông thông minh (bổ sung 3 chức năng còn lại: quản lý vận tải; quản lý nhu cầu thu phí nội đô; mô phỏng giao thông). Đồng thời, tích hợp toàn bộ các hoạt động liên quan đến quản lý, điều hành giao thông thành phố tại trung tâm.
Giai đoạn 3 (từ sau 2030) với mục tiêu nâng cao hiệu quả hoạt động hệ thống giao thông thông minh thành phố, kết hợp đồng bộ cùng sự phát triển của hạ tầng giao thông, tạo nên di chuyển thông minh trong thành phố thông minh. Đưa Hà Nội trở thành có hệ thống quản lý, điều hành giao thông tiên tiến ngang tầm khu vực.
Về nguồn lực đầu tư và phương thức đầu tư, kinh nghiệm trên thế giới cho thấy để hình thành và phát triển hệ thống giao thông thông minh cần huy động nguồn lực rất lớn và thường xuyên.
Hiện nay, theo kinh nghiệm trên thế giới thực hiện theo phương án đầu tư là đầu tư bằng ngân sách Nhà nước và xã hội hóa, kết hợp thuê dịch vụ công nghệ thông tin. Trên cơ sở phân tích ưu nhược điểm của các phương án, đề án đề xuất giai đoạn 1 thực hiện theo hình thức thuê dịch vụ công nghệ thông tin, các giai đoạn tiếp theo khi hệ thống đã quen thuộc, công nghệ đã ổn định đề xuất phương án kết hợp đầu tư hạ tầng phần cứng kết hợp thuê hệ thống phần mềm và dịch vụ bảo hành, bảo trì hệ thống.
Trước đó, trình bày tờ trình, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội Nguyễn Phi Thường cho biết theo quy hoạch định hướng phát triển Thủ đô trong thời gian tới, đến năm 2030, Hà Nội có quy mô dân số 12 triệu người, diện tích đất xây dựng đô thị 90.000ha; đến năm 2045 dân số 14,6 triệu người, diện tích đất xây dựng đô thị 120.000ha.
Trong nhiều năm qua, với sự quan tâm của Chính phủ cũng như những nỗ lực vượt bậc của nhân dân, các cấp chính quyền thành phố, Hà Nội bước đầu đã xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông vận tải theo quy hoạch ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành giao thông. Tuy nhiên, việc đầu tư xây dựng và quản lý hệ thống giao thông vận tải hiện chưa đáp ứng được nhu cầu ngày càng lớn của người dân.
Tình trạng ùn tắc giao thông, mất an toàn giao thông, ô nhiễm môi trường là những thách thức lớn với các cơ quan quản lý giao thông thành phố. Giải pháp hiệu quả cho những bài toán đó là ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ vào công tác quản lý, điều hành giao thông.
Qua kinh nghiệm thực tiễn triển khai trên thế giới cho thấy việc hình thành phát triển hệ thống giao thông thông minh (ITS) giữ vai trò quan trọng, có tính nền tảng và là một trong các trụ cột chính của thành phố thông minh. Vì vậy, việc triển khai đề án sẽ giải quyết các tồn tại, hạn chế hiện nay; hình thành hệ thống giao thông thông minh của thành phố theo các giai đoạn, thực hiện mục tiêu đến năm 2030, Hà Nội sẽ cơ bản trở thành thành phố thông minh, hiện đại, từng bước kết nối với mạng lưới đô thị thông minh trong khu vực và thế giới; là công cụ quan trọng của cơ quan quản lý Nhà nước trong quản lý, điều hành giao thông.
Do vậy, việc ban hành Nghị quyết thông qua Đề án "Giao thông thông minh trên địa bàn thành phố Hà Nội" là hết sức cần thiết. Chiều cùng ngày, trong khuôn khổ kỳ họp, Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội đã thông qua Quy định trình tự, thủ tục điều chỉnh việc xác định phân vùng môi trường trong Quy hoạch Thủ đô và điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung đô thị, quy hoạch chung xây dựng khu chức năng, quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trên địa bàn thành phố.
Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội cũng đã thông qua Nhiệm vụ Quy hoạch phân khu xây dựng, tỷ lệ 1/2000 Khu công nghiệp Bắc Thường Tín, huyện Thường Tín (địa điểm các xã: Văn Bình, Liên Phương, Ninh Sở, huyện Thường Tín). Quy mô diện tích đất lập quy hoạch khoảng 137ha.
Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội đã thông qua Nhiệm vụ Quy hoạch phân khu xây dựng, tỷ lệ 1/2000 Khu công nghiệp Phụng Hiệp (địa điểm tại các xã: Tô Hiệu, Nghiêm Xuyên, Thắng Lợi, Dũng Tiến, huyện Thường Tín). Quy mô diện tích đất lập quy hoạch khoảng 174,8ha.
Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội cũng đã thông qua nhiệm vụ Quy hoạch phân khu xây dựng, tỷ lệ 1/2000 Khu công nghiệp sạch Sóc Sơn (địa điểm các xã: Tân Dân và Minh Trí, huyện Sóc Sơn). Diện tích đất lập quy hoạch khoảng 323,9 ha./.