Đà Nẵng 'khát' vốn FDI lĩnh vực công nghệ thông tin
Đà Nẵng hiện có hơn 1.000 dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với tổng giá trị đầu tư 4,1 tỷ USD. Tuy nhiên, thu hút đầu tư FDI trong lĩnh vực công nghệ thông tin chỉ đạt khoảng 25 triệu USD, chiếm một tỷ lệ rất nhỏ, chưa tương xứng với tiềm năng của địa phương.
Chiều 11/9, Ban Xúc tiến đầu tư TP Đà Nẵng tổ chức Hội thảo quốc tế Xúc tiến đầu tư và phát triển lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI).
Hội thảo có sự tham gia của đại diện các sở, ban, ngành; doanh nghiệp công nghệ thông tin (CNTT); quỹ đầu tư; các trường đại học, viện trên địa bàn; các mạng lưới đổi mới sáng tạo (ĐMST) Việt Nam, hiệp hội doanh nghiệp, các doanh nghiệp, quỹ đầu tư, nhà đầu tư lĩnh vực AI đến từ một số quốc gia như: Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc,…
Theo ông Lê Hoàng Phúc - Phó Giám đốc Ban Xúc tiến đầu tư TP Đà Nẵng, CNTT, kinh tế số, chuyển đổi số được xác định là 1 trong 5 mũi nhọn để phát triển kinh tế Đà Nẵng đến 2030 và xa hơn.
Hiện, Đà Nẵng thu hút được hơn 1.000 dự án đến từ 45 quốc gia và vùng lãnh thổ với tổng giá trị đầu tư hơn 4,1 tỷ USD. Tuy nhiên, trong đó, thu hút FDI ở lĩnh vực CNTT mới chỉ đạt 25 triệu USD, chiếm một tỷ lệ rất nhỏ.
“Điều này chưa tương xứng với tiềm năng phát triển CNTT nói chung và lĩnh vực AI nói riêng của Đà Nẵng khi có đầy đủ mạng lưới các trường, viện đào tạo nguồn nhân lực; có mạng lưới khởi nghiệp ĐMST; có sự hiện diện của nhiều “ông lớn” trong lĩnh vực CNTT”, ông Phúc nói.
Theo lộ trình phát triển CNTT đến năm 2030, Đà Nẵng tập trung mở rộng các khu công viên phần mềm, khu CNTT tập trung, đưa vào sử dụng khu Công viên phần mềm số 2 với không gian ĐMST và không gian chuyển đổi số.
Thời gian qua, địa phương cũng tập trung phát triển hạ tầng tính toán hiệu năng cao, hạ tầng dữ liệu lớn; xây dựng chính sách hỗ trợ thành lập các nhóm nghiên cứu lớn AI; xây dựng kho dữ liệu AI và thành lập dây chuyền sản xuất và đánh nhãn AI.
Theo ông Nguyễn Văn Quốc - Giám đốc Trung tâm Giám sát điều hành thông minh Đà Nẵng (IOC) thuộc Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT), thành phố đã thí điểm nền tảng phân tích dữ liệu thông minh, phát triển dữ liệu số với kho dữ liệu dùng chung; xây dựng cổng dữ liệu mới với 1.000 tập dữ liệu trên các lĩnh vực; ứng dụng AI trong nhiều lĩnh vực như: hành chính công, giám sát an ninh trật tự, xử phạt vi phạm giao thông... và mang lại nhiều kết quả tích cực.
"Đơn cử trong lĩnh vực hành chính công, năm 2019, thành phố triển khai ứng dụng chatbot hướng dẫn dịch vụ công với trung bình 4.000 lượt hỏi đáp/tháng, tiết kiệm 40 ngày làm việc/tháng; năm 2022 thí điểm trợ lý ảo cho cán bộ công chức; năm 2023 ứng dụng AI dự báo số lượng hồ sơ cấp phép xây dựng/sổ đỏ, giúp cơ quan bố trí nguồn lực phù hợp", ông Quốc cho biết.
Theo ông Quốc, đây là cơ hội lớn cho các doanh nghiệp, nhóm khởi nghiệp ĐMST làm chủ công nghệ, phát triển các sản phẩm AI thương hiệu Việt Nam, đầu tư xây dựng các nền tảng AI trong các lĩnh vực, cung cấp các dịch vụ mới, sáng tạo cho người dân, doanh nghiệp thành phố. Đồng thời, hình thành mạng lưới kết nối, chia sẻ hợp tác, cùng giải quyết các bài toán AI của thành phố dựa trên dữ liệu và yêu cầu đặc thù của thành phố; thúc đẩy phát triển cộng đồng nguồn mở về AI.
Ông Nguyễn Công Tiến - Phó trưởng Ban quản lý Khu CNC và các KCN Đà Nẵng - cho rằng, đối với thu hút đầu tư trong lĩnh vực AI, thành phố có nhiều chính sách ưu đãi cho các nhà đầu tư “đổ tiền” vào phân khu R&D (nghiên cứu và phát triển) của khu CNC.
“Với quỹ đất lớn (khoảng 99 ha và mới chỉ có một vài doanh nghiệp), các nhà đầu tư sẽ nhận được nhiều ưu đãi về tiền thuê đất, về thuế… Chúng tôi mong muốn các doanh nghiệp CNTT với mạng lưới chuyên gia về AI rất mạnh sẽ quan tâm đến việc xây dựng các viện, trung tâm R&D trong lĩnh vực này. Bên cạnh việc mời gọi các doanh nghiệp, sắp tới, Ban cũng kết nối các trường ĐH, Viện đào tạo trên địa bàn để xây dựng và hình thành các viện nghiên cứu”, ông Công cho hay.