Đà Nẵng lập chốt chặn, ngăn phá rừng để thu hoạch quả ươi

Những cánh rừng ở Đà Nẵng đang vào mùa ươi sai quả, một mùa 'lộc rừng' được người dân ví như món quà thiên nhiên ban tặng. Do giá trị kinh tế cao, nhiều người đã vào rừng thu nhặt quả ươi, khiến lực lượng chức năng phải tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, bảo vệ rừng và ngăn chặn tình trạng chặt phá cây lấy quả.

Nhặt “lộc trời” kiếm tiền triệu

Mùa ươi bay bắt đầu chín và rụng, thu hút nhiều người dân vào rừng thu nhặt quả. Trước tình trạng này, lực lượng Quản lý bảo vệ rừng và Kiểm lâm TP Đà Nẵng đã tăng cường tuần tra, giám sát nhằm ngăn chặn hành vi xâm hại rừng, chặt phá cây ươi để lấy quả và đảm bảo an toàn trong quá trình khai thác.

 Ươi là loại dược liệu có nhiều công dụng, được thương lái thu mua với giá cao.

Ươi là loại dược liệu có nhiều công dụng, được thương lái thu mua với giá cao.

Cây ươi mọc tự nhiên trong rừng, mỗi chu kỳ 4 năm mới cho quả một lần. Cây cao trung bình từ 25-30 mét, thân thẳng, quả thường mọc ở đầu ngọn, đầu cành nên rất khó hái; người dân thường chờ quả chín, già và tự rụng xuống đất để thu nhặt. Quả ươi có công dụng thanh nhiệt, tiêu độc, trị táo bón... nên được thương lái thu mua với giá khá cao, từ 400-500 ngàn đồng/kg.

Nhiều người dân khai thác ươi cho biết, mùa ươi năm nay đến sớm và được mùa, nhiều cây trổ lá đỏ, vàng nổi bật giữa cánh rừng xanh. Nhờ sản lượng dồi dào và giá thu mua cao, mỗi ngày người dân có thể thu nhập từ vài trăm nghìn đến vài triệu đồng nếu nhặt được nhiều quả.

 Giá ươi dao động từ 400-500 ngàn đồng/kg.

Giá ươi dao động từ 400-500 ngàn đồng/kg.

Anh Nguyễn Văn Hòa, trú tại xã Bà Nà cho biết: “Chúng tôi đi theo nhóm, thường vào khu vực rừng sâu để nhặt từng quả ươi rụng. Công việc vất vả, phải đi từ sáng sớm đến chiều tối may ra mới được vài ký, nhưng với giá hiện tại thì cũng đáng công, có ngày kiếm được cả triệu đồng.”

Theo anh Hòa, dù ươi mang lại nguồn thu đáng kể, nhưng việc người dân ồ ạt vào rừng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro, nhất là khi có người trèo cây hái quả hoặc tự ý chặt cành. Lực lượng chức năng đã nhiều lần khuyến cáo bà con chỉ nên thu nhặt quả rụng tự nhiên, không xâm hại cây để đảm bảo sinh kế lâu dài và giữ gìn rừng bền vững.

Lập chốt chặn, ngăn phá rừng mùa thu hoạch ươi

Trước nguy cơ người dân xâm nhập rừng, trèo cây hái quả và chặt phá cây, Ban Quản lý rừng đặc dụng Bà Nà-Núi Chúa và Chi cục Kiểm lâm TP Đà Nẵng đã tăng cường lực lượng tuần tra, chốt chặn tại các điểm nóng. Đồng thời, treo băng rôn tuyên truyền và vận động người dân không xâm hại cây ươi.

Ông Nguyễn Định, Trưởng nhóm 7, Đội bảo vệ rừng thôn Nam Sơn, xã Bà Nà cho biết: “Hiện đang vào cao điểm mùa ươi, nên chúng tôi thường xuyên tổ chức tuần tra, kiểm soát khu vực rừng nhằm ngăn chặn tình trạng người dân vào chặt phá cây để lấy quả. Lực lượng phải túc trực liên tục để bảo vệ rừng và giữ gìn cây ươi cho những mùa sau”.

Ông Nguyễn Thành Tân, Giám đốc Ban Quản lý rừng đặc dụng Bà Nà-Núi Chúa cho biết: Hiện Ban Quản lý rừng đặc dụng đã thành lập 10 điểm chốt, huy động cán bộ kiểm lâm phối hợp với các hộ nhận khoán bảo vệ rừng túc trực mỗi ngày.

“Chúng tôi bố trí lực lượng giám sát ngay từ bìa rừng. Mùa ươi đến, thương lái thu mua giá cao khiến người dân đổ vào rừng ngày càng nhiều, buộc lực lượng phải tuần tra liên tục để ngăn chặn hành vi chặt phá, khai thác trái phép”, ông Tân nói.

 Nhiều điểm chốt chặn được Ban Quản lý rừng đặc dụng Bà Nà-Núi Chúa lập để túc trực, bảo vệ cây ươi.

Nhiều điểm chốt chặn được Ban Quản lý rừng đặc dụng Bà Nà-Núi Chúa lập để túc trực, bảo vệ cây ươi.

Cùng với đó, Chi cục Kiểm lâm TP Đà Nẵng chỉ đạo các Hạt kiểm lâm địa phương tăng cường kiểm soát, tuyên truyền và vận động người dân ký cam kết không xâm hại rừng, đặc biệt tại các khu vực có nguy cơ cháy cao trong mùa nắng nóng.

Ông Quách Hữu Sơn, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm TP Đà Nẵng cho biết: “Ngay từ đầu mùa ươi, chúng tôi đã triển khai các chốt kiểm soát 24/24, đặc biệt tại 12 điểm có rừng ươi trên địa bàn. Còn tại các khu vực Quảng Nam cũ, tổ công tác của Chi cục cũng phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương để kiểm tra, vận động, ngăn chặn tình trạng chặt phá cây trong quá trình thu hái quả. Đồng thời, chúng tôi đẩy mạnh công tác tuyên truyền, yêu cầu người dân ký cam kết bảo vệ và quản lý nguồn tài nguyên ươi bền vững.”

Duy Quốc

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/da-nang-lap-chot-chan-ngan-pha-rung-de-thu-hoach-qua-uoi-post1763750.tpo