Đà Nẵng lập trung tâm nghiên cứu, đào tạo thiết kế vi mạch và trí tuệ nhân tạo
Sáng ngày 26/1, UBND TP Đà Nẵng đã công bố Quyết định số 2941 thành lập Trung tâm nghiên cứu, đào tạo thiết kế vi mạch và trí tuệ nhân tạo Đà Nẵng (DSAC, trực thuộc Sở TT&TT Đà Nẵng).
Theo đó, Trung tâm DSAC được thành lập trên cơ sở chuyển giao, tiếp nhận và tổ chức lạo Trung tâm Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao TP Đà Nẵng. Ông Lê Hoàng Phúc – Phó Giám đốc Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư Đà Nẵng (IPA) được điều động, bổ nhiệm làm Giám đốc Trung tâm DSAC.
Trung tâm này có 3 chức năng chính, gồm: Đào tạo, bồi dưỡng lĩnh vực thiết kế vi mạch, bán dẫn và trí tuệ nhân tạo (AI); hỗ trợ thu hút đầu tư trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn và AI; liên kết, hợp tác với các đối tác trong và ngoài nước hỗ trợ, thúc đẩy hoạt động nghiên cứu, ươm tạo các doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực thiết kế vi mạch, bán dẫn và AI.
Theo kế hoạch, cùng với tiếp tục kiện toàn bộ máy nhân sự, trong năm 2024, TP Đà Nẵng sẽ đầu tư thiết lập hạ tầng công nghệ cho Trung tâm DSAC phục vụ công tác đào tạo, bồi dưỡng và đưa vào hoạt động chính thức tại Khu Công viên phần mềm số 2; đầu tư hạ tầng phần cứng HAPS, Zebu Synopsys cho đào tạo và nghiên cứu thiết kế vi mạch bán đẫn.
Phát biểu tại lễ công bố, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lê Trung Chinh nhấn mạnh, từ tháng 9/2023, Việt Nam và Hoa Kỳ chính thức nâng cấp quan hệ song phương thành “Đối tác chiến lược toàn diện”. Theo đó, lãnh đạo hai nước ghi nhận tiềm năng to lớn của Việt Nam trở thành quốc gia chủ chốt trong ngành công nghiệp bán dẫn, ủng hộ sự phát triển nhanh chóng của hệ sinh thái bán dẫn tại Việt Nam và tích cực phối hợp nhằm nâng cao vị trí của Việt Nam trong chuỗi cung bán dẫn toàn cầu.
Theo ông Lê Trung Chinh, đây là cơ hội mà Việt Nam nói chung và TP Đà Nẵng cần nắm bắt và triển khai một cách cụ thể trong tình hình mới. Do đó, việc khẩn trương hình thành hệ thống các chính sách đi cùng và bộ máy chuyên trách để tận dụng được các cơ hội lớn trong phát triển lĩnh vực vi mạch, bán dẫn, trí tuệ nhân tạo mở ra trong bối cảnh hiện nay được lãnh đạo Đà Nẵng xác định là một nhiệm vụ vừa cấp bách, vừa có tính chiến lược, lâu dài đối với TP.
“Trung tâm DSAC được xác định là đầu mối chuyên trách tham mưu Giám đốc Sở TT&TT tham mưu lãnh đạo TP xây dựng và triển khai đề án phát triển chip bán dẫn và vi mạch trên địa bàn trong thời gian tới. Đồng thời, TP kỳ vọng Trung tâm DSAC sẽ trở thành đầu mối tiếp nhận và mở ra các cơ hội hợp tác trong lĩnh vực vi mạch, bán dẫn và trí tuệ nhân tạo giữa Đà Nẵng và các đối tác trong và ngoài nước”, ông Lê Trung Chinh cho biết.
Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng ghi nhận TP Đà Nẵng đã tiên phong thành lập trung tâm nghiên cứu, đào tạo thiết kế vi mạch và trí tuệ nhân tạo: “Có thể nói Đà Nẵng là địa phương đầu tiên trên cả nước có những bước đi rất mạnh mẽ, quyết liệt cho lĩnh vực này”.
Ông Nguyễn Anh Tuấn – Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp Công nghệ Thông tin & Truyền thông, Bộ TT&TT cho biết, theo định hướng dự thảo chiến lược phát triển công nghiệp vi mạch bán dẫn của Việt Nam sẽ hình thành 3 trung tâm đào tạo, thiết kế, thử nghiệm và sản xuất.
Qua phối hợp làm việc và khảo sát kinh nghiệm của các nước thì hầu hết các trung tâm thành công đều phải có sự đầu tư của nhà nước. 100% vốn đầu tư ban đầu cho các trung tâm này là của nhà nước; và trong quá trình vận hành, thực hiện các trung tâm này thì nhà nước cũng cung cấp đến 80% vốn đầu tư, còn lại 20% chi phí hoạt động là đến từ việc các trung tâm cung cấp dịch vụ.
“Do vậy chúng tôi thấy việc TP Đà Nẵng mạnh dạn thành lập Trung tâm DSAC và có cam kết đầu tư về hạ tầng, cơ sở vật chất và thiết bị máy móc là rất phù hợp với định hướng dự thảo chiến lược phát triển công nghiệp vi mạch bán dẫn của Việt Nam cũng như xu hướng của quốc tế”, ông Nguyễn Anh Tuấn nói.