Đà Nẵng: Lộ bằng chứng làm hồ sơ dự thầu không trung thực của Công ty Thăng Long
Theo hồ sơ mà Chi Cục thuế quận Cầu Giấy quản lý thì doanh thu cả năm 2016 của Công ty Thăng Long chỉ đạt con số hơn 62 tỷ. Thế nhưng, trong hồ sơ dự thầu, riêng mảng xây lắp đã được đơn vị này khai doanh thu lên đến hơn 68,8 tỷ đồng. Vậy, doanh nghiệp này đã trốn thuế hay khê khống doanh thu?
Như Báo Pháp luật Việt Nam đã phản ánh, Công ty cổ phần xây dựng và phát triển hạ tầng Thăng Long (Công ty Thăng Long) là nhà thầu được lựa chọn để thực hiện dự án xây dựng Trường tiểu học Lý Tự Trọng, quận Hải Châu. Tuy nhiên, có nhiều bằng chứng cho thấy, đơn vị trúng thầu đã không đáp ứng được yêu cầu về năng lực tài chính được chủ đầu tư đặt ra trong hồ sơ mời thầu.
Cụ thể, hồ sơ mời thầu quy định cụ thể doanh thu bình quân hàng năm của hoạt động xây dựng của nhà thầu trong vòng 3 năm liền kề (2016, 2017 và 2018) tối thiểu là 100,211 tỷ đồng. Theo quy định này, các doanh nghiệp đa ngành nghề phải bóc tách doanh thu để đảm bảo doanh thu từ hoạt động xây dựng phải đạt mức bình quân 3 năm liên tục từ 100 tỷ trở lên.
Tuy nhiên, theo nguồn tin của Báo Pháp luật Việt Nam thì trong báo cáo tài chính của Công ty Thăng Long lập và nộp tại Chi Cục thuế quận Cầu Giấy, doanh thu của Công ty này trong các năng 2016, 2017 và 2018 lần lượt là 61,8 tỷ đồng; 84,5 tỷ đồng và năm 2018 đạt hơn 132,4 tỷ đồng.
Vậy bằng cách nào mà đơn vị này lại trúng thầu dự án có yêu cầu về năng lực tài chính vượt quá doanh thu đã kê khai nộp thuế? Câu trả lời có trong hồ sơ dự thầu, dĩ nhiên con số doanh thu của Công ty Thăng Long sẽ phải lớn hơn yêu cầu của hồ sơ mời thầu.
Theo báo cáo của Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp TP Đà Nẵng gửi Thành ủy TP Đà Nẵng về vụ việc này, hồ sơ dự thầu của Công ty Thăng Long đã liệt kê con số doanh thu lớn hơn rất nhiều so với doanh thu thể hiện trong báo cáo tài chính lưu nộp cho cơ quan thuế.
Cụ thể, theo Công ty Thăng Long kê khai thì doanh thu năm 2016 đến năm 2018 của doanh nghiệp này rất lớn. Cụ thể, doanh thu năm 2016 là hơn 230 tỷ đồng (trong đó doanh thu mảng xây dựng là hơn 68,8 tỷ đồng; doanh thu năm 2017 là hơn 271 tỷ đồng (trong đó doanh thu mảng xây dựng là hơn 90,5 tỷ đồng.
Đặc biệt, doanh thu năm 2018 được doanh nghiệp này kê ra là hơn 269 tỷ đồng, riêng mảng xây dựng có doanh thu hơn 145 tỷ đồng. Từ đó, mức doanh thu bình quân trong lĩnh vực xây dựng của đơn vị này là trên 100 tỷ đồng. Đó là lý do mà doanh nghiệp này trúng thầu.
Vậy, trong hai con số mà doanh nghiệp kê khai trong hồ sơ dự thầu và con số trong báo cáo tài chính sử dụng để nộp thuế thì số nào là thật? Dù số nào là thật đi nữa thì Công ty Thăng Long cũng phạm luật. Bởi lẽ, nếu doanh thu lớn mà làm báo cáo ít đi, như thể hiện ở hồ sơ kê khai thuế thì doanh nghiệp này rõ ràng đây là đã trốn thuế của doanh nghiệp này.
Ngược lại, việc kê khai nộp thuế là đúng doanh thu thật thì hồ sơ dự thầu sẽ là con số "ảo". Nếu hành vi kê khai khống doanh thu này được làm rõ thì doanh nghiệp này có thể bị cấm đấu thầu toàn quốc trong thời gian 3 năm.
Từ những thông tin mà phóng viên tìm thấy trên website của Công ty Thăng Long thì công ty này không phải là doanh nghiệp có hoạt động xây dựng là chính, mà chủ yếu là kinh doanh sản phẩm, dịch vụ liên quan đến nội thất; cho thuê thiết bị.
Gần đây doanh nghiệp này trúng thầu một dự án xây dựng ở Quảng Ninh (gói thầu số 5, dự án trung tâm phục vụ hành chính công Quảng Ninh). Theo thông tin công bố thì dự án này mới hoàn thành vào tháng 8/2019. Sau khi những thông tin về ngành nghề chính là làm nội thất được Báo Pháp luật Việt Nam công bố, trên trang web của Công ty Thăng Long đã vội vàng sửa thông tin.
Theo một số luật sư chuyên phân tích về các vụ việc liên quan đến đấu thầu thì tình trạng doanh nghiệp tham gia dự thầu “mông má” hồ sơ dự thầu là khá phổ biến.
Để làm rõ hồ sơ dự thầu có trung thực hay không, cơ quan chức năng chỉ cần kiểm tra một số hợp đồng có trong hồ sơ; kiểm tra danh sách nhân sự theo hồ sơ bảo hiểm xã hội sẽ rõ. Thậm chí, một số đơn vị “mông má hồ sơ” bằng cả hóa đơn không hợp lệ, nếu điều tra kỹ sẽ lộ diện sai phạm.
Được biết, Công an TP Đà Nẵng đã bắt tay vào kiểm tra dấu hiệu không trung thực của nhà thầu này. Với những số liệu “vênh” nhau giữa hồ sơ dự thầu và báo cáo tài chính thì sẽ sớm lộ ra sự thật.
Với hồ sơ đầy ghi vấn của nhà thầu như trên nhưng không hiểu tại sao Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp TP Đà Nẵng vẫn tự tin giao mặt bằng cho nhà thầu này thi công.
Có vẻ như đại diện chủ đầu tư rất tự tin vào sự trung thực của nhà thầu này hay còn có lý do khác?
Báo Pháp luật Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin.