Đà Nẵng: Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thông qua đẩy mạnh hợp tác công tư
Đẩy mạnh hợp tác công - tư, cụ thể là đẩy mạnh liên kết chặt chẽ giữa Chính phủ, các cơ quan nhà nước với khu vực tư nhân, giữa doanh nghiệp với nhà trường và người lao động được cho là 'chìa khóa' để giải quyết bài toán đào tạo, sử dụng nguồn lực chất lượng cao phục vụ phát triển kinh tế - xã hội Đà Nẵng.
Chiều 18/9, tại TP. Đà Nẵng, Phòng Công nghiệp & Thương mại Việt Nam – Chi nhánh Đà Nẵng (VCCI Đà Nẵng) phối hợp với Sở Lao động, Thương binh & Xã hội Đà Nẵng, Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) tổ chức Diễn đàn “Thúc đẩy hợp tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực tại TP. Đà Nẵng”.
Phát biểu tại diễn đàn, ông Nguyễn Tiến Quang – Giám đốc VCCI Đà Nẵng cho rằng, nếu năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp là một trụ cột chính quyết định năng lực cạnh tranh quốc gia thì chất lượng nguồn nhân lực là trụ cột chính quyết định năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.
Tại TP. Đà Nẵng, trong 10 chỉ số thành phần cấu thành chỉ số PCI thì chỉ số thành phần về đào tạo lao động luôn được doanh nghiệp thành phố đánh giá cao và đứng thứ nhất cả nước qua xếp hạng PCI 2018. Tuy nhiên, các doanh nghiệp của Đà Nẵng vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong tuyển dụng lao động, lao động ở trình độ càng cao thì doanh nghiệp càng khó tuyển dụng và doanh nghiệp Đà Nẵng thì gặp khó hơn so với các tỉnh, thành trong cả nước trong tuyển dụng lao động ở trình độ cao; chi phí tuyển dụng và đào tạo lao động của doanh nghiệp có xu hướng tăng qua các năm gần đây. Bên cạnh đó, việc liên kết giữa khu vực công và khu vực tư trong đào tạo, phát triển nguồn nhân lực bước đầu được thiết lập nhưng thiếu cơ chế phù hợp, chương trình hành động cụ thể; liên kết giữa các doanh nghiệp và các trường học, cơ sở đào tạo còn hạn chế; trong thúc đẩy liên kết đào tạo giữa các trường, các cơ sở đào tạo và doanh nghiệp còn thiếu cơ chế thúc đẩy hợp tác hữu hiệu, thiếu những công cụ hữu ích để nắm bắt nhu cầu của các bên…
Ông Lê Trung Chinh – Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng cho biết Nghị quyết 43 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển TP. Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn 2045 xác định Đà Nẵng sẽ phát triển 5 lĩnh vực mũi nhọn gồm du lịch, dịch vụ chất lượng cao gắn với bất động sản nghỉ dưỡng; Cảng biển, hàng không gắn với dịch vụ logistics; Công nghiệp công nghệ cao gắn với xây dựng đô thị sáng tạo khởi nghiệp; Công nghiệp công nghệ thông tin, điện tử viễn thông gắn với kinh tế số; Sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao và ngư nghiệp. Để thực hiện thành công mục tiêu này, Đà Nẵng cần một đội ngũ lao động lành nghề, có kỹ năng, được đào tạo bài bản, có khả năng làm chủ phương tiện, máy, làm chủ công nghệ. Tuy nhiên, việc phối hợp giữa các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp đào tạo lao động vẫn chưa nhiều, và còn lỏng lẻo ở tất cả các khâu như học sinh sinh viên thực hành thực tập, nhà giáo tham gia thực tế tại doanh nghiệp, doanh nghiệp tham gia xây dựng chương trình đào tạo ….
Để giải quyết những thách thức và khó khăn hiện hữu của TP. Đà Nẵng về nguồn nhân lực, theo ông Chang Hee Lee – Giám đốc ILO tại Việt Nam cần phải có sự hợp tác chặt chẽ giữa Chính phủ và khu vực tư nhân, hay còn gọi là hợp tác công – tư. Đây là chìa khóa thành công trong việc tạo ra lực lượng lao động hiện đại cần thiết để thay đổi nhanh chóng yêu cầu kinh doanh của các doanh nghiệp hiện đại. “Chính phủ không thể làm điều đó, một mình doanh nghiệp không thể làm điều đó. Mà cần có sự liên kết, phối hợp chặt chẽ. Cách mạng công nghiệp 4.0 mang đến những cơ hội và thách thức. Tùy thuộc vào các tác nhân kinh tế gồm Chính phủ, người sử dụng lao động, người lao động để thúc đẩy CMCN 4.0 để định hình tương lai tốt hơn cho doanh nghiệp, người lao động, xã hội”, ông Chang Hee Lee nói.
Giám đốc ILO Việt Nam cũng cho rằng khó khăn trong việc tìm kiếm người lao động có trình độ là kết quả của việc nguồn cung không dồi dào và cả sự kết nối không khớp giữa người tìm việc và người tuyển dụng. Vì vậy, cần mở rộng năng lực của các cơ sở giáo dục và đào tạo đồng thời cải thiện và hiện đại hóa các nội dung của giáo dục và đào tạo nghề, và cần đẩy mạnh hợp tác công tư. Bên cạnh đó, chìa khóa để hạn chế tình trạng lao động nhảy việc chính là bản thân doanh nghiệp phải tạo môi trường làm việc hấp dẫn.
Ngoài ra, ông Chang Hee Lee cũng đề cập đến bộ Luật Lao động sửa đổi sắp được trình Quốc hội vào tháng 10/2019 tới đây. Trong đó, nhấn mạnh đến việc điều chỉnh quản lý nguồn nhân lực của doanh nghiệp đối với hệ thống quan hệ lao động mới, vì các tổ chức đại diện của người lao động ngoài hệ thống Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam sẽ xuất hiện. “Đây sẽ là thách thức và là cơ hội để các doanh nghiệp cải tiến phương thức quản lý nhân sự của mình để có năng suất tốt hơn, nơi làm việc hấp dẫn hơn và là chìa khóa cho khả năng cạnh tranh không chỉ của doanh nghiệp tư nhân mà của cả toàn nền kinh tế”, ông Chang Hee Lee nói.
Cũng tại diễn đàn, VCCI Đà Nẵng và Sở Lao động, Thương binh & Xã hội Đà Nẵng đã ký kết chương trình phối hợp công tác trong việc nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước và đẩy mạnh hoạt động giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, giai đoạn 2019-2021.