Đà Nẵng nêu lộ trình xây dựng Trung tâm tài chính quốc tế
Lộ trình xây dựng Đà Nẵng trở thành Trung tâm tài chính quốc tế được chia thành 4 giai đoạn; giai đoạn 2023-2024 sẽ lựa chọn nhà đầu tư chiến lược phát triển trung tâm tài chính quốc tế Đà Nẵng.
Thành phố Đà Nẵng vừa có báo cáo Đề án xây dựng thành phố Đà Nẵng trở thành Trung tâm tài chính quy mô khu vực.
Theo UBND TP.Đà Nẵng, lộ trình xây dựng Đà Nẵng trở thành Trung tâm tài chính quy mô khu vực được chia làm 4 giai đoạn.
Cụ thể, giai đoạn 2022-2023, hoàn thiện Đề án trình Chính phủ phê duyệt Đề án “Xây dựng thành phố Đà Nẵng trở thành trung tâm tài chính quy mô khu vực”...
Giai đoạn 2023-2024 sẽ lựa chọn nhà đầu tư chiến lược phát triển trung tâm tài chính quốc tế Đà Nẵng; bao gồm lựa chọn nhà đầu tư, quy hoạch phân khu trung tâm tài chính, quy hoạch chi tiết.... Đề xuất cơ chế thành lập Hội đồng phát triển trung tâm tài chính quốc tế Việt Nam.
Giai đoạn 2024-2030, Tập trung hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng trung tâm tài chính quốc tế Đà Nẵng bao gồm hạ tầng cứng như văn phòng, khu phức hợp... và hạ tầng mềm như hạ tầng tài chính, công nghệ thông tin.
Đồng thời, thu hút các định chế tài chính quốc tế và các nhà đầu tư có tầm ảnh hưởng trên thế giới triển khai các hoạt động của một trung tâm tài chính offshore; phát triển các cơ sở hạ tầng kỹ thuật và không gian hoạt động cho Fintech, cấp phép Fintech theo cơ chế quản lý nhà nước thí điểm, thúc đẩy các hoạt động starups về Fintech…
Giai đoạn sau 2030 sẽ chuyển đổi mô hình Trung tâm tài chính để cung cấp các dịch vụ tài chính trong nước và một số quốc gia trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, hướng đến trở thành Trung tâm tài chính quy mô khu vực và trung tâm fintech của quốc gia khu vực vào năm 2045.
Theo UBND TP.Đà Nẵng, địa phương có nhiều thuận lợi để hình thành Trung tâm tài chính quốc tế, khi sở hữu vị trí địa lý và khả năng kết nối; nhiều điều kiện tốt về hạ tầng đô thị, chất lượng môi trường sống và các nhu cầu phát triển cơ bản, xét về nhiều mặt vượt trội so với các đô thị lớn khác trong cả nước.
Ngoài ra, Đà Nẵng được định hướng trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia, có nền tảng và lợi thế về hạ tầng để hình thành một trung tâm Fintech. Có quỹ đất sạch khá lớn (diện tích 6,17 ha) được quy hoạch phục vụ cho việc thiết lập khu phức hợp trung tâm tài chính với điều kiện vị trí kết nối, hạ tầng tốt.
Mục tiêu là phát triển thành phố Đà Nẵng trở thành trung tâm tài chính quốc tế và gia nhập mạng lưới các trung tâm tài chính khu vực sau năm 2045. Khai thác tiềm năng, lợi thế về địa - kinh tế của thành phố Đà Nẵng đối với khu vực và thế giới nhằm đón đầu xu hướng dịch chuyển các dòng vốn đầu tư của các thị trường tài chính truyền thống.
Đồng thời, thu hút các định chế tài chính và nhà đầu tư lớn có sự gắn kết với các trung tâm tài chính và giải trí thế giới có tầm ảnh hưởng, dẫn dắt dòng vốn quốc tế vào Trung tâm tài chính quốc tế Đà Nẵng.
Thành phố Đà Nẵng xác định đặc điểm, mô hình Trung tâm tài chính là phát triển Trung tâm tài chính quốc tế nhằm hình thành một TTTC offshore; gắn liền với tiến trình phát triển kinh tế số của quốc gia, phát triển Đà Nẵng trở thành trung tâm công nghệ tài chính, đổi mới sáng tạo, thúc đẩy cơ chế thử nghiệm trong lĩnh vực tài chính.
Đồng thời, tạo sự gắn kết giữa Trung tâm tài chính với các hoạt động và dịch vụ tiện ích cao cấp để tạo thành điểm đến hấp dẫn cho du khách và nhà đầu tư quốc tế.
Về mô hình Trung tâm tài chính thành phố Đà Nẵng sẽ gồm 3 cấu phần.
Đó là Trung tâm tài chính offshore, tập trung thu hút các nhà đầu tư quốc tế để thành lập các định chế tài chính và tổ chức thị trường cung cấp các dịch vụ offshore tài chính mang tính tích hợp dịch vụ trên thị trường tiền tệ và thị trường vốn trong nước và khu vực.
Trung tâm Fintech sẽ ứng dụng công nghệ trong cung cấp dịch vụ tài chính theo cơ chế cấp phép đặc thù của trung tâm tài chính, kết nối dịch vụ Fintech và tài trợ các startups trong các lĩnh vực kinh doanh khác.
Các hoạt động phụ trợ phục vụ cho hoạt động tài chính trong Trung tâm tài chính và các dịch vụ tiện ích khác.