Đà Nẵng nỗ lực xóa nhà tạm, người nghèo không còn ám ảnh mùa mưa bão
Nhờ chính sách hỗ trợ và sự chung tay của cộng đồng, hàng trăm gia đình nghèo ở Đà Nẵng đã có mái ấm kiên cố, an toàn trước thiên tai.

Ông Trần Hữu Chối và căn nhà vừa được xây mới nhờ chương trình xóa nhà dột nát.
Bình yên những mái nhà
Cuối tháng 6, ngôi nhà nhỏ của bà Trần Thị Thập (61 tuổi, thôn Hương Lam, xã Hòa Khương) - nay là xã Hòa Tiến, TP Đà Nẵng được sửa chữa xong, khang trang sạch sẽ.
Căn nhà rộng khoảng 50m2 vẫn còn phảng phất mùi sơn mới. Bà Thập kể, ngôi nhà cũ được dựng cách đây hơn 20 năm, chỉ có 4 bức tường gạch mỏng và mái tôn che tạm. Nhiều mùa mưa bão, tường thấm nước loang lổ, mái tôn mục nát thủng lỗ chỗ, nước mưa đổ ào ào vào nhà, khiến bà phải chuyển giường chiếu chạy tránh khắp nơi.
“Mỗi lần mưa to là nước ngập lênh láng, nhà ẩm mốc quanh năm, rắn rết bò vào tận giường ngủ. Tôi lo lắm nhưng chẳng có tiền để sửa”, bà Thập chia sẻ.
Sống một mình, thu nhập từ làm ruộng bấp bênh, việc sửa lại nhà chỉ là ước mơ xa vời của bà Thập.
Khi xã triển khai chương trình xóa nhà dột nát, bà được hỗ trợ 40 triệu đồng. Có khoản trợ giúp, bà mạnh dạn vay mượn thêm để sửa toàn bộ tường, thay mái mới. Nay, căn nhà không còn dột nát, nền lát gạch sạch sẽ, mái tôn chắc chắn.
Bà Thập thấy phấn khởi khi mùa mưa tới có thể ngủ ngon giấc, không còn phải lo nhà sập bất chợt.
Không riêng gì bà Thập, ông Trần Hữu Chối (76 tuổi, thôn Phú Sơn 3, xã Hòa Tiến) cũng vừa dọn vào căn nhà mới xây giữa tháng 5.
Ngôi nhà cũ của ông Chối được dựng từ năm 1988, trải qua gần 4 thập kỷ, mái vỡ nát, cột gỗ mục ruỗng. “Đòn tay mái bị mối ăn gần đứt, mưa xuống thì giường chiếu ướt hết. Tôi già rồi, chỉ sợ một ngày nó đổ lên người”, ông Chối kể.
Không còn sức lao động, cuộc sống của ông Chối phụ thuộc vào trợ cấp ít ỏi. Nhờ chính quyền địa phương khảo sát, ông được hỗ trợ 120 triệu đồng để xây mới hoàn toàn. Căn nhà gạch vững chãi đã giúp ông có chỗ ở an toàn những năm cuối đời.
Theo đại diện UBND xã Hòa Khương (nay là xã Hòa Tiến), trong đợt này, 35 hộ gia đình thuộc diện khó khăn trên địa bàn được hỗ trợ xây mới, sửa chữa nhà ở. Đến nay, 35 căn đã hoàn thành. Tổng kinh phí giải ngân khoảng 1,5 tỷ đồng, phần lớn từ ngân sách, phần còn lại huy động từ xã hội hóa.
Chung tay từ nhiều nguồn lực
Không chỉ xã Hòa Tiến, tại các xã khác, chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát cũng được triển khai mạnh mẽ.
Theo thống kê, hiện còn hơn 240 căn nhà xuống cấp cần xây mới, sửa chữa với tổng kinh phí trên 11 tỷ đồng.
Để đẩy nhanh tiến độ, địa phương đã tích cực vận động các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân chung tay đóng góp tiền của, công sức.
Nhờ cách làm linh hoạt, hàng nghìn ngày công lao động được người dân đóng góp để hỗ trợ hộ khó khăn dựng nhà mới. Một số doanh nghiệp còn tài trợ trọn gói xây nhà, trao tận tay chìa khóa cho các gia đình. Nhiều căn nhà vững chắc đã mọc lên, thay thế những mái tôn cũ kỹ chờ sập.
Theo đại diện Sở Xây dựng TP Đà Nẵng, đến giữa tháng 5, toàn thành phố đã khởi công xây dựng 929 căn nhà trong chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát. Trong đó, 774 căn đã hoàn thiện, đạt hơn 70% kế hoạch năm 2025. Ngoài ngân sách, quận đã vận động thêm gần 1 tỷ đồng hỗ trợ các hộ dân khó khăn.
Những con số này phản ánh quyết tâm cao của chính quyền và sự đồng lòng của cộng đồng để không còn hộ nghèo phải sống trong cảnh tường nứt, mái dột. Đến nay, khoảng 1.000 căn nhà đã khởi công, 800 căn được hoàn thành, mang lại diện mạo mới cho nhiều xóm nghèo ở Đà Nẵng.

Bà Trần Thị Thập đang dọn dẹp tại căn nhà mới.
Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát không chỉ giúp người dân yên tâm an cư mà còn góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, phòng tránh rủi ro thiên tai. Đây cũng là bước tiến quan trọng trong công tác giảm nghèo bền vững, đảm bảo an sinh xã hội tại Đà Nẵng.
Giai đoạn 2024-2025, TP Đà Nẵng có 2.002 căn nhà tạm, dột nát cần hỗ trợ, gồm 367 căn xây mới và 1.635 căn sửa chữa. Năm 2024, TP Đà Nẵng đã hoàn thành 903 căn. Năm 2025, mục tiêu là hoàn thiện 1.099 căn còn lại để đảm bảo mọi người dân đều có nơi ở an toàn, kiên cố.