Đà Nẵng phân loại dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do nCoV theo 4 cấp độ

Mặc dù tại TP Đà Nẵng chưa ghi nhận trường hợp nào dương tính với nCoV nhưng trước diễn biến phức tạp, khó lường của dịch bệnh, ngày 3-2, Chủ tịch UBND TP đã ban hành kế hoạch về phòng chống bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (nCoV). Trong đó có việc phân loại cấp độ dịch bệnh…

Mặc dù tại TP Đà Nẵng chưa ghi nhận trường hợp nào dương tính với nCoV nhưng trước diễn biến phức tạp, khó lường của dịch bệnh, ngày 3-2, Chủ tịch UBND TP đã ban hành kế hoạch về phòng chống bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (nCoV). Trong đó có việc phân loại cấp độ dịch bệnh…

Theo đó, TP Đà Nẵng phân loại dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do nCoV theo 4 cấp độ gồm: phát hiện trường hợp mắc bệnh đầu tiên tại TP Đà Nẵng (cấp độ 1); phát hiện dưới 10 trường hợp mắc bệnh tại TP Đà Nẵng (cấp độ 2); phát hiện trên 10 trường hợp mắc bệnh tại TP Đà Nẵng (cấp 3); dịch bệnh lây lan rộng trong địa bàn TP Đà Nẵng với trên 150 trường hợp mắc (cấp 4).

TP Đà Nẵng đang tích cực phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do nCoV.

TP Đà Nẵng đang tích cực phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do nCoV.

Sẵn sàng thực hiện phương châm 4 tại chỗ

Khi phát hiện trường hợp mắc bệnh đầu tiên tại Đà Nẵng (cấp độ 1), Đội cơ động phản ứng nhanh sẵn sàng hỗ trợ, điều tra, xử lý triệt để ổ dịch, không để lan rộng; hỗ trợ công tác cách ly, điều trị bệnh nhân… Cách ly ngay những trường hợp mắc bệnh/ nghi ngờ mắc bệnh và lấy mẫu xét nghiệm. Tiếp tục thực hiện giám sát chặt chẽ hành khách tại cửa khẩu, tiếp tục duy trì kiểm tra sàng lọc nhằm phát hiện các trường hợp nghi ngờ tại cửa khẩu thông qua sử dụng máy đo thân nhiệt từ xa.

Các cơ sở khám, chữa bệnh (KCB) căn cứ chức năng, nhiệm vụ, phương án, thành lập khu vực cách ly riêng biệt để khám và điều trị các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp do nCoV; bố trí đủ giường bệnh, chuẩn bị sẵn sàng cơ số thuốc, trang thiết bị phòng hộ cho cán bộ y tế; sẵn sàng tổ chức tốt việc thu dung, cách ly, điều trị bệnh nhân theo phương châm 4 tại chỗ.

Các ca bệnh nghi ngờ sau khi cách ly, điều trị và chăm sóc tạm thời, được Trung tâm Cấp cứu vận chuyển bằng xe đến các đơn vị điều trị theo phương án thu dung, điều trị đã có, tiếp tục cách ly, theo dõi, điều trị. BV Phổi tiếp nhận cách ly bệnh nhân nghi ngờ (khả năng tiếp nhận trong giai đoạn đầu khoảng 40 bệnh nhân được cách ly theo đúng quy định); BV Đà Nẵng tiếp nhận điều trị bệnh nhân được chẩn đoán xác định bằng xét nghiệm, hoặc biến chứng nặng; BV Phụ sản Nhi Đà Nẵng tiếp nhận, cách ly, điều trị bệnh nhân trẻ em dưới 16 tuổi.

Các cơ sở y tế thực hiện nghiêm ngặt việc kiểm soát nhiễm khuẩn, phòng chống lây nhiễm chéo tại các cơ sở KCB theo quy định; đồng thời, thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng hộ cá nhân phòng lây nhiễm cho các cán bộ y tế trực tiếp tham gia điều tra dịch tễ, lấy mẫu và vận chuyển bệnh phẩm, xét nghiệm, khám, điều trị, chăm sóc bệnh nhân và những người liên quan khác không để lây nhiễm bệnh cho cán bộ y tế. Thực hiện lấy mẫu bệnh phẩm các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh, bệnh nhân nặng, tử vong nghi do viêm đường hô hấp cấp nặng chưa rõ nguyên nhân, gửi mẫu bệnh phẩm về Viện Pasteur Nha Trang để xét nghiệm xác định…

Đối với cấp độ 2, ngoài việc thực hiện các công tác như cấp độ 1, tất cả các sở, ban, ngành, đoàn thể, đặt biệt là Sở Y tế và các cơ quan liên quan, các cơ quan trực thuộc Bộ, ngành đóng trên địa bàn, lực lượng Quân đội, Công an luôn luôn chuẩn bị tất cả các nguồn lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị, máy móc, phương tiện bảo hộ, sẵn sàng đáp ứng với các diễn biến của dịch bệnh. Chỉ đạo các Đội Cơ động phản ứng nhanh sẵn sàng phục vụ kịp thời, hỗ trợ chuyên môn cho các bệnh viện, kiểm soát lây nhiễm…

Các đơn vị điều trị chuẩn bị khu vực cách ly được chia thành ba đơn nguyên: bệnh nhân nghi ngờ, bệnh nhân đã được chẩn đoán xác định và khu lưu giữ bệnh nhân trước khi xuất viện để sẵn sàng thực hiện phương châm 4 tại chỗ, kịp thời ứng phó với các tình huống, diễn biến của dịch… Sẵn sàng phương án mở rộng khoa điều trị, bổ sung kế hoạch thu dung điều trị của các bệnh viện thu dung bệnh nhân, huy động, lập danh sách các bệnh viện sẵn sàng thu dung, cách ly bệnh nhân; phương án xây dựng và triển khai hoạt động bệnh viện dã chiến.

Mở rộng quy mô giường bệnh, phòng cách ly đúng quy định lên mức 100 – 140 giường tại BV Phổi Đà Nẵng; mở rộng khu vực cách ly, điều trị tại BV Đà Nẵng, BV Phụ sản Nhi. Đồng thời, huy động các cơ sở điều trị, các bệnh viện Bộ, ngành, tư nhân đóng trên địa bàn sẵn sàng thu dung điều trị bệnh nhân trong tình huống dịch bệnh lây lan, bùng phát. Xem xét, xây dựng và triển khai bệnh viện dã chiến có sự hỗ trợ, tham gia của lực lượng Quân đội. Tổ chức trực và giao ban hội chẩn trực tuyến 24/24h giữa các đơn vị điều trị, giữa đơn vị điều trị trên địa bàn và đơn vị điều trị Trung ương. Kích hoạt và tăng cường cử đội cấp cứu điều trị lưu động, sẵn sàng hỗ trợ các bệnh viện trên địa bàn thành phố…

Thiết lập BV dã chiến khi dịch bệnh lây lan trong cộng đồng

Nếu phát hiện trên 10 trường hợp mắc bệnh tại TP Đà Nẵng (cấp độ 3), ngoài việc thực hiện các công tác như cấp độ 1 và cấp độ 2, các Đội Cơ động phản ứng nhanh, sẵn sàng hỗ trợ chuyên môn cho các bệnh viện, kiểm soát lây nhiễm tại các bệnh viện, khu vực phát hiện bệnh nhân nhiễm bệnh… Tăng cường giám sát các chùm ca bệnh viêm đường hô hấp cấp có yếu tố dịch tễ liên quan tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và cộng đồng…

Đồng thời, huy động tối đa lực lượng nhân viên y tế, sinh viên y khoa tham gia chống dịch. Sẵn sàng phương án mở rộng khoa điều trị, bổ sung kế hoạch thu dung điều trị, chuẩn bị sẵn sàng phương án triển khai bệnh viện dã chiến như cấp độ 2. Thực hiện quyết liệt việc phân tuyến, triển khai bệnh viện vệ tinh để điều trị bệnh nhân theo quy định nhằm giảm tải các bệnh viện tuyến cuối. Trong trường hợp khi các ca bệnh tập trung tại một vài địa phương thì xem xét để thiết lập cở sở chuyên khoa điều trị bệnh viêm đường hô hấp cấp do nCoV tại khu vực xảy ra dịch bệnh. Xây dựng phương án, kế hoạch thiết lập cơ sở cách ly điều trị tại chỗ áp dụng đối với trường học, nhà máy, xí nghiệp, công sở, đơn vị quân đội… có các trường hợp nhiễm bệnh...

Trường hợp dịch bệnh lây lan rộng trong địa bàn TP Đà Nẵng với trên 150 ca mắc bệnh (cấp độ 4) thì ngoài việc thực hiện các công tác như các cấp độ trên, UBND TP, Ban Chỉ đạo thường xuyên họp và đánh giá tình hình dịch bệnh và thông báo mức cảnh báo cộng đồng cao nhất… Cũng như, tiếp tục rà soát, đánh giá khả năng đáp ứng để chủ động xây dựng phương án phòng chống dịch, điều trị. Trong trường hợp vượt quá khả năng, báo cáo Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch để có hỗ trợ kịp thời. Đồng thời, huy động, vận động toàn thể lực lượng xã hội tham gia các hoạt động đáp ứng dịch bệnh…

Và khi Chính phủ ban bố tình trạng khẩn cấp, ngoài việc triển khai các hoạt động trên, thành phố thực hiện các biện pháp phòng chống dịch khẩn cấp theo quy định của Pháp lệnh tình trạng khẩn cấp và các quy định pháp luật, hướng dẫn hiện hành của Trung ương… Thành phố cũng sẽ tham mưu để huy động lực lượng công an, quốc phòng và các lực lượng lượng khác tham gia các hoạt động phòng chống dịch và đảm bảo an ninh, an toàn tại các vùng có tình trạng khẩn cấp; đề xuất đóng cửa tất cả các chợ buôn bán động vật hoang dã, các cơ sở dịch vụ ăn uống công cộng phát hiện có tác nhân gây bệnh. Bên cạnh đó, thành phố tổ chức triển khai áp dụng các biện pháp ngăn ngừa lây lan dịch bệnh, xem xét đề xuất việc đóng cửa, thực hiện kiểm dịch và xử lý y tế đối với người, phương tiện ra, vào vùng có dịch bệnh tại địa bàn có tình trạng khẩn cấp…

Thiết lập bệnh viện dã chiến khi dịch bệnh lây lan trong cộng đồng theo kế hoạch và phương án đã xây dựng, một số cơ sở công cộng (trường học, nhà máy, xí nghiệp...) phải đóng cửa, các bệnh viện các tuyến trên địa bàn đã quá tải không có khả năng thu dung và điều trị thêm bệnh nhân nặng… Phối hợp với lực lượng Quân đội thiết lập các bệnh viện dã chiến truyền nhiễm quộc phòng để tiếp nhận và điều trị bệnh nhân tại các khu vực đông bệnh nhân tránh quá tải bệnh viện. Thành lập các đội cấp cứu lưu động được trang bị dụng cụ y tế, thuốc men, phương tiện để phát hiện và cấp cứu tại chỗ người bị nhiễm bệnh, sẵn sàng chuyển người bị nhiễm bệnh về các trạm chống dịch nơi gần nhất…

LÊ HÙNG

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/119_219610_da-nang-phan-loai-dich-benh-viem-duong-ho-hap-cap-.aspx