Đà Nẵng phát triển truy xuất thực phẩm thông minh

Đà Nẵng đang triển khai giai đoạn 1 của Dự án truy xuất nguồn gốc thực phẩm trên cơ sở số hóa bằng hệ thống điện tử.

Ứng dụng hệ thống thông tin điện tử - sử dụng mã QR truy xuất sản phẩm bằng smartphone. Ảnh: Minh Quyết/TTXVN

Ứng dụng hệ thống thông tin điện tử - sử dụng mã QR truy xuất sản phẩm bằng smartphone. Ảnh: Minh Quyết/TTXVN

Với mục tiêu xây dựng thành phố Đà Nẵng trở thành điểm đến thực phẩm an toàn, Đà Nẵng đang triển khai giai đoạn 1 của Dự án truy xuất nguồn gốc thực phẩm trên cơ sở số hóa bằng hệ thống điện tử. Dự án giúp người dân có thể dễ dàng truy xuất nguồn gốc sản phẩm và đánh giá các thực phẩm thông qua ứng dụng, đảm bảo quyền lợi cho người dân.

Theo Ban Quản lý An toàn vệ sinh thực phẩm thành phố Đà Nẵng, trong giai đoạn 1, thành phố sẽ xây dựng cơ sở dữ liệu và website, phần mềm truy xuất nguồn gốc theo chiều sâu cho chuỗi sản phẩm thịt – trứng và triển khai thực tế cho sản phẩm thịt lợn.

Dự án gồm có 3 module chính: Cơ quan nhà nước (cập nhật thông tin giám sát, kiểm tra, tiếp nhận phản ánh các bên...); đơn vị sản xuất, chế biến, kinh doanh sản phẩm (khai báo thông tin cơ sở, nhân sự; cập nhật thông tin sản phẩm); người tiêu dùng (tra cứu thông tin truy xuất, đánh giá thông tin, dịch vụ; cung cấp thông tin về nguy cơ mất an toàn thực phẩm).

Ông Nguyễn Tấn Hải, Trưởng ban Ban Quản lý An toàn thực phẩm thành phố Đà Nẵng cho hay, việc xây dựng và phát triển mô hình truy xuất nguồn gốc sản phẩm trên cơ sở an toàn thực phẩm được vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của nhà nước, với ba mục tiêu chính. Trong đó, bất kỳ sản phẩm thực phẩm nào được bán trên địa bàn đều có người chịu trách nhiệm.

Thông tin về sản phẩm từ giống đến quá trình phát triển và kinh doanh phân phối ra thị trường cho đến người tiêu dùng cuối cùng được ghi nhận. Các thông tin này có thể truy lại ai là người đã đưa thông tin lên hệ thống và người này phải đảm bảo tính chính xác, đồng thời chịu trách nhiệm với thông tin.

Theo ông Hải, với việc triển khai dự án này, mọi người dân đều có quyền tham gia vào đánh giá sản phẩm/dịch vụ thực phẩm.

Bên cạnh đó, dự án sẽ phát triển hệ thống thông tin hỗ trợ kiểm soát chất lượng, an toàn trên cơ sở ngăn ngừa mối nguy về việc không đảm bảo an toàn thực phẩm. Tất cả các thông tin về đường đi của sản phẩm trong chuỗi cung ứng sẽ được lưu trữ để quản lý về an toàn thực phẩm, đồng thời có thể truy xuất nguồn gốc khi cần thiết.

Hệ thống dữ liệu sẽ phân tích mối nguy, phối hợp với cơ quan chức năng kiểm tra, giám sát khi có nghi ngờ, trên cơ sở đó có biện pháp phòng tránh kịp thời các trường hợp mất vệ sinh an toàn thực phẩm.

“Dự án có định hướng lâu dài là xây dựng Đà Nẵng trở thành điểm đến thực phẩm an toàn. Để làm được như vậy thì Đà Nẵng sẽ xây dựng quy trình kiểm soát an toàn thực phẩm kết hợp với truy xuất nguồn gốc trên cơ sở số hóa bằng hệ thống điện tử. Đồng thời, cần có chiến lược phát triển cả về chiều sâu và chiều rộng”, ông Nguyễn Tấn Hải nói.

Về chiều sâu, ông Hải nêu ví dụ, như việc sử dụng các sản phẩm phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc tăng trọng, kháng sinh, hóa chất không an toàn, không đúng quy định trong các lĩnh vực chăn nuôi, trồng trọt, thủy sản ảnh hưởng rất lớn đến vấn đề an toàn nhưng chưa được quản lý chặt chẽ.

Vì vậy, việc quản lý an toàn thực phẩm không chỉ quản lý chặt chẽ tại các nhà máy chế biến mà cần quản lý sâu hơn từng mắt xích. Quy trình tiêu chuẩn, thông tin được ghi nhận và liên kết giữa các mắt xích theo chiều sâu là điều cần làm trước tiên để có thể truy xuất nguồn gốc theo đúng nguyên tắc một bước trước – một bước sau, ngăn ngừa mối nguy và thu hồi khi cần thiết.

Chiến lược chiều sâu không chỉ thực hiện khi thực phẩm lưu thông trong thành phố, mà còn có thể thực hiện sâu hơn trong việc hợp tác với tỉnh khác và xuất khẩu ra nước ngoài.

Với chiều rộng cần hướng tới nhiều nhất số lượng sản phẩm/dịch vụ có người chịu trách nhiệm.

Trưởng ban Ban Quản lý An toàn thực phẩm thành phố Đà Nẵng nhấn mạnh, trong giai đoạn hiện nay, người tiêu dùng phải là những “người tiêu dùng thông thái”. Bởi còn có một số nhà sản xuất, kinh doanh thực phẩm sẵn sàng bỏ qua các quy định, quy trình trong sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm, đưa những thực phẩm kém chất lượng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ đến tay người tiêu dùng.

Cùng với đó, người tiêu dùng cũng là một kênh phản hồi thông tin, thường xuyên cung cấp thông tin, phản ánh, tố cáo những sản phẩm không đảm bảo an toàn thực phẩm với các cơ quan chức năng. Đồng thời, người tiêu dùng phối hợp, hỗ trợ các cơ quan nhà nước phát hiện các cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm không đạt yêu cầu để có biện pháp chấn chỉnh, xử lý phù hợp.

Việc này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong nền kinh tế thị trường ở Việt Nam hiện nay, góp phần đưa những mặt hàng thực phẩm chất lượng, an toàn phát triển mạnh mẽ, phục vụ nhu cầu của người dân, cũng như tẩy chay, loại bỏ thực phẩm bẩn, kém chất lượng ra khỏi thị trường tiêu dùng thực phẩm./.

Võ Văn Dũng/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/da-nang-phat-trien-truy-xuat-thuc-pham-thong-minh/216987.html