Đà Nẵng phố... (Kỳ 2: Cuộc 'trở mình' ngoạn mục)

Năm 1997, khi được chia tách từ tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng để trở thành đô thị trực thuộc Trung ương, Đà Nẵng đã có những bước phát triển vô cùng nhanh chóng, dần trở thành trung tâm chính trị, kinh tế, xã hội của khu vực miền Trung - Tây Nguyên, là một trong những đô thị hàng đầu của cả nước. Điều gì đã khiến Đà Nẵng có một cuộc 'trở mình' ngoạn mục đến như vậy?

Năm 1997, khi được chia tách từ tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng để trở thành đô thị trực thuộc Trung ương, Đà Nẵng đã có những bước phát triển vô cùng nhanh chóng, dần trở thành trung tâm chính trị, kinh tế, xã hội của khu vực miền Trung - Tây Nguyên, là một trong những đô thị hàng đầu của cả nước. Điều gì đã khiến Đà Nẵng có một cuộc “trở mình” ngoạn mục đến như vậy?

Khu vực cảng ven sông Hàn trước đây chỉ có ít tàu thuyền ra vào, những công trình tạm bợ (ảnh tư liệu)

Khu vực cảng ven sông Hàn trước đây chỉ có ít tàu thuyền ra vào, những công trình tạm bợ (ảnh tư liệu)

Một cuộc đại cách mạng đô thị, cả thành phố như một
đại công trường... là những gì mà các cấp chính quyền, người dân, doanh nghiệp, các nhà đầu tư, bạn bè trong và ngoài nước nhắc tới khi Đà Nẵng bước vào giai đoạn phát triển mới. Ngoài Đồ án Quy hoạch chung xây dựng thành phố được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào năm 1993, thì sự kiện Đà Nẵng “ra riêng” vào năm 1997 được xem là bước ngoặt lịch sử để Đà Nẵng bứt tốc, khẳng định vị thế của mình.

Ông Trần Ngọc Chính - nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng vẫn còn nhớ như in quãng thời gian hơn 5 tháng trời lưu lại Đà Nẵng để tiếp cận thực tế, khai thác tài liệu, phác thảo ý tưởng, lên phương án và trình bày Đồ án quy hoạch với lãnh đạo tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng lúc bấy giờ. “Ngày ấy, trong quá trình nghiên cứu Đồ án, chúng tôi đã đề xuất tách TP Đà Nẵng ra khỏi tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng để trực thuộc T.Ư. Ngoài phương án ranh giới hành chính thành phố như hiện nay thì còn có phương án TP Đà Nẵng có cả H. Hòa Vang, TP Hội An và lấy đến sông Thu Bồn trở ra”, ông Trần Ngọc Chính cho biết. Đến năm 1997, khi chính thức trở thành đô thị trực thuộc T.Ư, Đà Nẵng bắt đầu bứt phá với các công trình hạ tầng đô thị mà cầu quay Sông Hàn là công trình ấn tượng nhất, ghi dấu thời kỳ đầu thành phố trực thuộc T.Ư.

“Bước sang thế kỷ XXI, Đà Nẵng phát triển nhanh chóng và trở thành hiện tượng nổi bật trong quản lý, phát triển đô thị, nhiều dự án để lại dấu ấn, được đầu tư khá bài bản và tuân thủ quy hoạch trên cơ sở những điều chỉnh cần thiết và hợp lý”, ông Chính khẳng định. Minh chứng là ngoài hệ thống giao thông đô thị được xây dựng hiện đại, bộ khung đô thị kết nối Bắc - Nam thành phố và hệ thống cầu qua sông Hàn, sông Cẩm Lệ được nghiên cứu, lựa chọn, thiết kế và đầu tư có giá trị cao về thẩm mỹ, về kiến trúc, đạt được dấu ấn cho từng cây cầu qua sông Hàn, thực sự là những tác phẩm của kỹ thuật và mỹ thuật, kết nối với vùng đất còn nhiều tiềm năng phát triển. “Cảm nhận về Đà Nẵng ấn tượng nhất có lẽ là về cảnh quan sông Hàn bởi sự sáng tạo giàu chất thơ, hiện đại, bản sắc nhưng lại rất thân thiện với con người. Vào ban đêm, sông Hàn lung linh và huyền ảo, và điều cảm nhận đặc biệt nhất là những đêm lễ hội pháo hoa quốc tế được tổ chức đã làm cho sông Hàn và Đà Nẵng đẹp rạng rỡ, vì thế mà tên tuổi dòng sông và Đà Nẵng cũng được ghi nhận trên bản đồ đô thị thế giới”, ông Chính nhìn nhận.

Ông Bùi Huy Trí cho rằng, đô thị Đà Nẵng chỉ thực sự phát triển bùng nổ ở thời điểm đầu những năm 2000, khi mà thành phố có thêm những nền tảng pháp lý và khoa học mang tính chiến lược. Theo ông Trí, ngoài Quyết định 465 ngày 17-6-2002 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, thì Nghị quyết 33 ngày 16-10-2003 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước được xem là nền tảng vững chắc để tạo đà cho một giai đoạn chuyển mình của đô thị Đà Nẵng.

“Dựa trên những cơ sở mang tính chiến lược đó, Đà Nẵng đã triển khai hàng loạt dự án cùng lúc khiến cả đô thị như một đại công trường. Hầu như tất cả các khu vực có đất trống trong đô thị đều được triển khai dự án. Toàn bộ hai dải ven biển phía Đông và vịnh Đà Nẵng được phủ kín các dự án mới, hình thành các tuyến đường ven biển, các khu đô thị mới, các khu du lịch, nghỉ dưỡng. Các xóm nhà chồ trên sông Hàn với hàng ngàn hộ dân được giải tỏa toàn bộ để hình thành tuyến đường ven sông cùng các khu phố mới”, ông Trí liệt kê những thành quả mà Đà Nẵng đạt được.

Đồng thời cho biết, qua việc triển khai hàng loạt các dự án, thành phố phải thực hiện giải tỏa và bố trí tái định cư cho hơn 100 ngàn hộ dân. Đến nay, diện tích đô thị đã lên tới 20 ngàn ha, gấp gần 4 lần diện tích cũ. “Công cuộc tái thiết và mở rộng đô thị diễn ra với một quy mô và tốc độ chưa từng có trong lịch sử phát triển đô thị Đà Nẵng. Đây có thể coi là giai đoạn khai phá, định hình và tạo nền tảng cho các giai đoạn tiếp theo. Sự thay đổi nhanh chóng đó đã biến Đà Nẵng từ vị thế một thành phố trực thuộc tỉnh trở thành một đô thị lớn của miền Trung có nội lực đáng kể. Sự kiện tổ chức thành công Hội nghị Cấp cao APEC 2017 là minh chứng về một đô thị có sự phát triển khá toàn diện về kết cấu hạ tầng”, ông Trí nhấn mạnh.

Ông Phạm Phú Bình - TGĐ Cty CP Tư vấn - Thiết kế - Xây dựng Đà Nẵng nhìn nhận, 20 năm trước, là đô thị được xếp thứ 4 sau Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng, song thực chất hình ảnh đô thị Đà Nẵng còn khiêm tốn, nhiều mặt còn thua ngay cả các đô thị biển miền Trung như Huế, Nha Trang... “Vậy mà chỉ gần 20 năm sau, công cuộc phát triển đô thị đã làm thay đổi hoàn toàn hình ảnh, diện mạo của một đô thị phát triển, thu hút sự chú ý của cả nước và quốc tế”, ông Bình nhìn nhận.

 Đến nay, khu vực bến cảng là Trung tâm hành chính TP và tuyến đường Bạch Đằng ven sông Hàn được xem là một trong những tuyến phố đẹp nhất của Đà Nẵng. Ảnh: Đoàn Nguyên

Đến nay, khu vực bến cảng là Trung tâm hành chính TP và tuyến đường Bạch Đằng ven sông Hàn được xem là một trong những tuyến phố đẹp nhất của Đà Nẵng. Ảnh: Đoàn Nguyên

Nói về cuộc “đại cách mạng đô thị” tại Đà Nẵng, chúng tôi muốn nhắc lại lời của cố Bí thư Thành ủy Nguyễn Bá Thanh tại lễ kỷ niệm 35 năm giải phóng thành phố, cũng là thời điểm sau 13 năm chia tách. Ông khẳng định rằng, nhờ đoàn kết nội bộ, đồng thuận trong xã hội, kế thừa những thành quả của các thời kỳ trước, Đảng bộ và nhân dân thành phố đã nỗ lực không ngừng, đạt được những thành tựu to lớn và tương đối toàn diện. “Trong những thành tựu đạt được, tốc độ đô thị hóa, xây dựng cơ sở hạ tầng, chỉnh trang đô thị được xem là nổi bật nhất. Từ chỗ quay lưng với biển, chúng ta đã kiến thiết để Đà Nẵng có hai mặt tiền là biển và làm cho sông Hàn ngày càng đẹp hơn. Vận hành cùng nhịp thời gian hối hả, cả thành phố như một đại công trường, ở đó mỗi người dân, mỗi cán bộ, đảng viên đều hăng hái xây dựng, làm cho thành phố ngày càng thay da, đổi thịt, ngày càng xanh, sạch đẹp; diện mạo đô thị ngày càng đổi thay rõ nét... Lịch sử thành phố rồi sẽ ghi nhận đây là một thời kỳ phát triển đầy ấn tượng trên chặng đường đã qua”, cố Bí thư Thành ủy Nguyễn Bá Thanh nói.

Còn tại buổi làm việc giữa Bộ Chính trị với tập thể Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng vào ngày 13-12-2018 liên quan đến Đề án tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 33 về “Xây dựng và phát triển TP Đà Nẵng trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cho rằng, việc Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 33 đã tạo cú hích cho Đà Nẵng cất cánh đi lên. Sau 15 năm thực hiện, Đà Nẵng có bước phát triển nhanh, mạnh, đúng hướng; hạ tầng kinh tế, đô thị có nhiều thay đổi. Chỉ số cạnh tranh, chỉ số phát triển con người có nhiều tiến bộ. Đà Nẵng là điển hình cho một thành phố năng động, sáng tạo, biết khai thác các tiềm năng thế mạnh tại chỗ và tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ của Trung ương để phát triển. Chưa bao giờ Đà Nẵng có bộ mặt, cơ đồ như hiện nay.

Cũng theo Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, trong quá trình đó, Đà Nẵng đã biết kết hợp hài hòa giữa phát triển kinh tế với quản lý, phát triển đô thị, giữa kinh tế với văn hóa xã hội, tăng cường quốc phòng, an ninh... Diện mạo đô thị thay đổi nhanh chóng, không gian phát triển đô thị được mở rộng gấp bốn lần so năm 2003, tạo nhiều điểm nhấn về kiến trúc, cảnh quan; kết cấu hạ tầng phát triển mạnh mẽ và tương đối hiện đại, đạt nhiều thành quả vượt bậc trong tiến trình xây dựng thành phố cảng biển lớn, đô thị văn minh...

(còn nữa)

DOÃN HÙNG

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/99_210842_da-nang-pho-ky-2-cuoc-tro-minh-ngoan-muc-.aspx