Đà Nẵng sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu quả

Thời gian qua, Đảng ủy Khối các cơ quan TP Đà Nẵng đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Lực lượng vũ trang tỉnh Tiền Giang vận chuyển, cung cấp nước ngọt cho người dân xã Mỹ Long, huyện Cai Lậy. Ảnh: HỒNG ĐĂNG

Lực lượng vũ trang tỉnh Tiền Giang vận chuyển, cung cấp nước ngọt cho người dân xã Mỹ Long, huyện Cai Lậy. Ảnh: HỒNG ĐĂNG

Thời gian qua, Đảng ủy Khối các cơ quan TP Đà Nẵng đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Các cấp ủy, tổ chức đảng tập trung làm tốt công tác giáo dục tư tưởng chính trị, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, tạo sự thống nhất về tư tưởng và hành động trong Đảng, trong hệ thống chính trị. Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, nhất là nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền. Đồng thời thành phố có giải pháp bảo đảm quyền lợi, chế độ, chính sách cho cán bộ nơi thực hiện sáp nhập và thực hiện theo đúng quy định.

Nhờ đó, thành phố đã giảm được 47 phòng chuyên môn trực thuộc các cơ quan tham mưu, giúp việc Thành ủy, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội, các đảng ủy trực thuộc Thành ủy và các sở, ngành trực thuộc UBND thành phố. Giảm 269 vị trí chức vụ lãnh đạo các cấp trong cơ quan hành chính. Hiện thành phố đã thực hiện thí điểm 4/7 trưởng ban dân vận đồng thời là chủ tịch ủy ban MTTQ cấp quận, huyện; sáp nhập bảy trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp quận, huyện vào ban tuyên giáo quận ủy, huyện ủy; 2/7 chức danh bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch HĐND cấp quận, huyện và 36/56 chức danh bí thư đảng ủy đồng thời là chủ tịch HĐND phường, xã… Bộ máy hệ thống chính trị trên địa bàn thành phố bước đầu tinh gọn, hoạt động hiệu quả.

* Nhằm giảm nhẹ thiệt hại do hạn hán và xâm nhập mặn gây ra đối với người dân, nhất là các địa bàn ven sông, ven biển, ngoài đê bao, tỉnh Tiền Giang quyết định đầu tư hơn 175,8 tỷ đồng để thi công các công trình cấp nước sinh hoạt cho người dân tại các huyện, thị xã ven biển phía đông: Gò Công Đông, Gò Công Tây, Tân Phú Đông, Chợ Gạo và Gò Công. Theo đó, kinh phí tập trung đầu tư hoàn thiện mạng lưới đường ống cấp nước đưa nguồn nước ngọt phục vụ sinh hoạt từ Nhà máy nước Đồng Tâm (TP Mỹ Tho) về các địa bàn đang thiếu hoặc chưa có, cần nâng cấp khẩn cấp đường ống để bảo đảm phục vụ tốt cho người dân. Tỉnh đầu tư phát triển các tuyến đường ống mới đưa nước ngọt đến các cụm dân cư ở các huyện phía đông lâu nay chưa có đường ống dẫn nước, chưa được hưởng lợi từ hệ thống cấp nước tập trung. Ngoài ra, ngay đầu mùa khô năm 2020 tỉnh đã mở hàng trăm vòi cấp nước miễn phí, đáp ứng nhu cầu trước mắt cho những hộ dân sinh sống ven đê, ven biển, xa nguồn cấp nước tập trung, trực tiếp đối mặt và chịu ảnh hưởng nặng do hạn, mặn; đặt các bồn chứa nước tại những địa bàn trọng điểm để bà con đến lấy nước dùng. Trước đó, tỉnh đã tiến hành đắp đập trên kênh Nguyễn Tấn Thành cùng các đập phụ để ngăn mặn, trữ ngọt, bảo đảm nguồn cấp nước ổn định cho Nhà máy nước Đồng Tâm xử lý, cấp nước phục vụ 800 nghìn dân của thành phố và các huyện, thị xã nói trên.

PV và TTXVN

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/chinhtri/dang-va-cuoc-song/item/44141302-da-nang-sap-xep-to-chuc-bo-may-tinh-gon-hoat-dong-hieu-qua.html