Đà Nẵng thành lập trung tâm nghiên cứu, đào tạo thiết kế vi mạch và trí tuệ nhân tạo
Trung tâm nghiên cứu, đào tạo thiết kế vi mạch và trí tuệ nhân tạo (DSAC) được kỳ vọng sẽ trở thành một đầu mối tiếp nhận và mở ra các cơ hội hợp tác trong lĩnh vực vi mạch, bán dẫn và trí tuệ nhân tạo giữa Đà Nẵng và các đối tác trong và ngoài nước...
Lễ công bố Quyết định số 2941/QĐ-UBND của UBND thành phố Đà Nẵng về việc thành lập Trung tâm nghiên cứu, đào tạo thiết kế vi mạch và trí tuệ nhân tạo, đã diễn ra vào sáng ngày 26/01.
Theo Quyết định 2941/QĐ-UBND, DSAC có bộ máy tinh gọn để thực hiện 3 chức năng chính là: Đào tạo, bồi dưỡng lĩnh vực thiết kế vi mạch, bán dẫn và trí tuệ nhân tạo; Hỗ trợ thu hút đầu tư trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn và trí tuệ nhân tạo và Liên kết, hợp tác với các đối tác trong và ngoài nước hỗ trợ, thúc đẩy hoạt động nghiên cứu, ươm tạo các doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực thiết kế vi mạch, bán dẫn và trí tuệ nhân tạo.
DSAC thực hiện 9 nhiệm vụ, quyền hạn bao gồm:
Một là, tham mưu, tư vấn Sở Thông tin và Truyền thông trình cấp có thẩm quyền ban hành và tổ chức triển khai Đề án “Phát triển chip bán dẫn và vi mạch của thành phố Đà Nẵng”;
Hai là, phối hợp xây dựng chương trình, tài liệu đào tạo, bồi dưỡng trên lĩnh vực bán dẫn, vi mạch và phát triển trí tuệ nhân tạo;
Ba là, chủ trì hoặc phối hợp trong và ngoài nước triển khai nghiên cứu khoa học, hội nghị, hội thảo khoa học, dự báo hoạt động, kết nối cung - cầu của thị trường nhân lực, giải pháp ứng dụng đối với lĩnh vực bán dẫn, vi mạch và trí tuệ nhân tạo;
Bốn là, chủ trì hoặc phối hợp các trường, cơ sở đào tạo, các doanh nghiệp trong nước và quốc tế tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, cấp chứng chỉ chuyên môn, giấy chứng nhận về lĩnh vực bán dẫn, vi mạch và phát triển trí tuệ nhân tạo theo quy định của pháp luật;
Năm là, tham mưu và triển khai thực hiện các giải pháp thu hút các nhà đầu tư, doanh nghiệp, chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước thuộc lĩnh vực bán dẫn, vi mạch và phát triển trí tuệ nhân tạo đến sinh sống, làm việc, đầu tư tại Đà Nẵng;
Sáu là, cung cấp các dịch vụ tư vấn, đào tạo, chuyển giao công nghệ, ươm tạo và phát triển các doanh nghiệp khởi nghiệp (dưới dạng “spin-off” hoặc “start-up”) liên quan đến lĩnh vực bán dẫn, vi mạch và phát triển trí tuệ nhân tạo theo quy định pháp luật;
Bẩy là, phối hợp tổ chức thi sát hạch cấp chứng chỉ quốc tế về bán dẫn, vi mạch và phát triển trí tuệ nhân tạo theo quy định”;
Tám là, tuyên truyền, phổ biến kiến thức về bán dẫn, vi mạch và phát triển trí tuệ nhân tạo;
Chín là, 1ủan lý viên chức, lao động và quản lý tài chính, tài sản theo quy định của Nhà nước và của Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng.
Phát biểu tại lễ công bố thành lập DSAC, ông Lê Trung Chinh, Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng, cho biết từ tháng 9/2023, Việt Nam và Hoa Kỳ đã chính thức nâng cấp quan hệ song phương thành “Đối tác chiến lược toàn diện”. Và trong Tuyên bố chung 2 nước đã nêu rõ: “Hoa kỳ khẳng định cam kết tăng cường hỗ trợ Việt Nam đào tạo và phát triển lực lượng lao động công nghệ cao… Theo đó, Việt Nam và Hoa Kỳ tuyên bố khởi động các sáng kiến phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực bán dẫn...
“Đây là cơ hội mà Việt Nam nói chung và thành phố Đà Nẵng nó riêng cần nắm bắt và triển khai một cách cụ thể trong tình hình mới. Do đó, việc khẩn trương hình thành hệ thống các chính sách đi cùng và bộ máy chuyên trách để tận dụng được các cơ hội lớn trong phát triển lĩnh vực vi mạch, bán dẫn, trí tuệ nhân tạo mở ra trong bối cảnh hiện nay được lãnh đạo thành phố Đà Nẵng xác định như là một nhiệm vụ vừa cấp bách, vừa có tính chiến lược, lâu dài đối với Đà Nẵng”, Chủ tịch UBND Thành phố Lê Trung Chinh nhấn mạnh.
Việc thành lập DSAC là một trong những hoạt động cụ thể hóa quyết tâm chính trị của Đà Nẵng trong thực thi nhiệm vụ cấp bách, chiến lược nêu trên. Trung tâm DSAC được xác định là đầu mối chuyên trách giúp Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông trong tham mưu lãnh đạo thành phố xây dựng và triển khai Đề án Phát triển chip bán dẫn và vi mạch trên địa bàn Đà Nẵng trong thời gian tới. Lãnh đạo thành phố Đà Nẵng kỳ vọng Trung tâm DSAC sẽ trở thành một đầu mối tiếp nhận và mở ra các cơ hội hợp tác trong lĩnh vực vi mạch, bán dẫn và trí tuệ nhân tạo giữa Đà Nẵng và các đối tác trong và ngoài nước.
Ông Lê Hoàng Phúc, Giám đốc Trung tâm DSAC, cho biết giai đoạn 2024-2025, DSAC sẽ tập trung thực hiện 4 nhóm nhiệm vụ chính, đó là hoàn thiện khung pháp lý về cơ cấu tổ chức hoạt động, đề án vị trí việc làm, củng cố kiện toàn bộ máy nhân sự và cơ sở vật chất cho Trung tâm DSAC; Đề xuất dự thảo cơ chế chính sách phát triển lĩnh vực vi mạch, trí tuệ nhân tạo thành phố Đà Nẵng; Triển khai hoạt động đào tạo, bồi dưỡng; và Hoạt động hợp tác quốc tế, hỗ trợ các doanh nghiệp.