Đà Nẵng: Thêm ba hiện vật được công nhận là bảo vật quốc gia
Ngày 19/1, đại diện Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng cho biết, thêm ba hiện vật vừa được công nhận là bảo vật quốc gia, nâng tổng số bảo vật quốc gia hiện đang trưng bày, lưu giữ tại Bảo tàng này là 9 bảo vật.
Theo đó, ngày 18/1, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ký Quyết định số 73/QĐ-TTg công nhận 29 bảo vật quốc gia (đợt 12, năm 2023), trong đó thành phố Đà Nẵng có 3 bảo vật.
Đây là một trong những nỗ lực rất lớn của Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng trong việc gìn giữ, phát huy các giá trị hiện vật, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người dân, du khách khi tham quan, tìm hiểu về các giá trị văn hóa, di sản tại Đà Nẵng.
Ba bảo vật được công nhận là bảo vật quốc gia hiện đang được trưng bày, bảo quản tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng, gồm: Phù điêu Đản sinh Brahma Mỹ Sơn E1 (niên đại: thế kỷ VII-VIII, xuất xứ: Mỹ Sơn, Quảng Nam), Tượng thần Shiva Mỹ Sơn C1 (niên đại: thế kỷ VIII, xuất xứ: Mỹ Sơn, Quảng Nam), Phù điêu Apsara Trà Kiệu (niên đại: thế kỷ X; xuất xứ: Trà Kiệu, Quảng Nam).
Đây là các hiện vật độc bản, có hình thức độc đáo, tiêu biểu về chủ đề và phong cách nghệ thuật, phản ánh được giá trị đặc sắc của nền nghệ thuật tôn giáo Champa qua nhiều giai đoạn lịch sử.
Được biết, từ năm 2012 đến nay, Thủ tướng Chính phủ đã 12 lần ký quyết định công nhận 285 hiện vật, nhóm hiện vật là bảo vật quốc gia.
Trước đó, Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng đã có sáu bảo vật quốc gia được công nhận gồm: Đài thờ Mỹ Sơn E1, Tượng Bồ Tát Tara; Đài thờ Trà Kiệu, Đài thờ Đồng Dương, Tượng thần Ganeshav và Tượng Gajasimha.
Hiện, các hiện vật này đang được trưng bày, bảo quản tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng.
Được biết, từ năm 2012 đến nay, Thủ tướng Chính phủ đã 12 lần ký quyết định công nhận 285 hiện vật, nhóm hiện vật là bảo vật quốc gia.
Theo khoản 7 Điều 4 Luật Di sản văn hóa 2021 (sửa đổi 2009), bảo vật quốc gia là hiện vật được lưu truyền lại, có giá trị đặc biệt quý hiếm tiêu biểu của đất nước về lịch sử, văn hóa, khoa học. Trong đó, bảo vật quốc gia được bảo vệ và bảo quản theo chế độ đặc biệt và được nhà nước dành ngân sách thích đáng để mua bảo vật quốc gia.