Đà Nẵng, Thừa Thiên - Huế, Quảng Trị hối hả phòng chống siêu bão Noru
Trước tình hình khẩn cấp khi bão số 4 (bão Noru) sắp đổ bộ, các địa phương miền Trung như Đà Nẵng, Thừa Thiên - Huế, Quảng Trị đang gấp rút sơ tán dân, chủ động mọi phương án đón bão.
Đà Nẵng chủ động di dời dân
Sáng 27/9, trước khi bão số 4 tiến vào đất liền, chính quyền các địa phương trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đang khẩn trương vận động, hỗ trợ người dân ở các khu vực xung yếu sơ tán đến nơi trú ẩn an toàn.
Theo đó, các lực lượng chức năng tại phường Mân Thái (quận Sơn Trà) đã đến tận nhà những hộ dân thuộc diện nhà tạm, không kiên cố… để hỗ trợ người dân đến điểm trú bão an toàn. Các lực lượng đã tổ chức di tản dân đến 5 địa điểm trú bão. Trong đó, có 2 điểm trú bão tập trung đông dân gồm trường Tiểu học Quang Trung và Chung cư Nest home Đà Nẵng. Các địa điểm này đều được chuẩn bị sẵn các vật dụng sinh hoạt cần thiết, nước uống và thức ăn. Dự kiến phường Mân Thái sẽ di tản 494 người/126 hộ dân đến điểm sơ tán an toàn.
Hiện UBND các quận, huyện đã lập kế hoạch sơ tán 80.801 người (sơ tán tập trung 25.869 người với 439 điểm sơ tán; sơ tán xen ghép 54.932 người). Trước đó, Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh đã ban hành Công văn số 5308/UBND-KT yêu cầu chính quyền địa phương các cấp, các sở, ban, ngành, các tổ chức hội, đoàn thể không được chủ quan, lơ là; cần xác định tập trung ứng phó, khắc phục hậu quả bão, lũ là nhiệm vụ quan trọng nhất trong thời điểm hiện nay.
Chủ tịch UBND các quận, huyện chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan hoàn thành việc sơ tán nhân dân tránh bão trước 14 giờ ngày 27/9, nhất là tại các điểm có nguy cơ sạt lở, ngập úng, các khu vực nhà ở không bảo đảm an toàn đến các điểm sơ tán an toàn; chủ động phương án bảo đảm hậu cần, trang thiết bị y tế, lương thực, thực phẩm và nhu yếu phẩm khác cho người dân tại các điểm sơ tán và các khu vực có nguy cơ bị ngập úng, sạt lở, cô lập.
Quảng Trị: Gấp rút sơ tán dân tránh bão
Trước tình hình diễn biến phức tạp của bão Noru, UBND tỉnh Quảng Trị đã có công điện khẩn về công tác phòng chống bão. Cụ thể, địa phương yêu cầu công tác sơ tán dân tránh bão phải hoàn thành trước 15 giờ ngày mai 27/9. Trước đó, tàu thuyền bị nghiêm cấm ra khơi từ 19 giờ ngày 25/9.
Tiếp đó, UBND tỉnh Quảng Trị yêu cầu Sở GD-ĐT thường xuyên nắm bắt thông tin để chủ động cho học sinh nghỉ học đến khi kết thúc hình thế thiên tai nguy hiểm, nhằm đảm bảo an toàn cho học sinh và dành thời gian để giáo viên tham gia tổ chức phòng, chống bão, mưa lũ tại trường học.
Mặc dù siêu bão Noru chưa đổ bộ, nhưng 15 giờ chiều ngày 27/9, một trận lốc xoáy kèm mưa lớn quét qua thị trấn Cửa Việt, huyện Gio Linh (Quảng Trị) đã gây thiệt hại nặng nề dù bão Noru chưa vào đất liền. Theo thống kê, đến thời điểm hiện tại, thị trấn Cửa Việt có 180 hàng quán, ki ốt và 120 nhà dân bị sập, tốc mái; 3 người bị thương, trong đó có 1 người bị thương tương đối nặng. Hiện lực lượng chức năng đang tích cực hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng ổn định sinh hoạt, khắc phục thiệt hại.
Thừa Thiên - Huế: Phòng chống bão, chủ động triển khai theo cấp độ cao nhất
Các địa phương nằm ở vùng xung yếu, như Thuận An, Phú Thanh… đang chủ động triển khai công tác phòng chống bão theo cấp độ cao nhất. Trong đó đã hoàn tất công tác kêu gọi, vận động các hộ dân đưa tàu thuyền vào neo đậu an toàn tại hói Phú Thanh, Cảng cá Thuận An. Các địa phương khẩn trương chặt tỉa cành cây, thành lập các đội phản ứng nhanh, tuyên truyền và hỗ trợ người dân chằng chống nhà cửa và triển khai công tác “4 tại chỗ”.
Được biết, Thừa Thiên - Huế dự kiến di dời 14.380 hộ dân với 47.400 nhân khẩu đến nơi an toàn. Tỉnh này yêu cầu sơ tán người dân đến nơi an toàn bắt đầu từ 9 giờ ngày 27/9. Ưu tiên sơ tán trước các đối tượng dễ bị tổn thương như trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật, phụ nữ đang mang thai hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi, người bị bệnh hiểm nghèo.
Đồng chí Trần Thanh Long – Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện, Trưởng Ban Chỉ huy PCTT&TKCN huyện Phú Vang yêu cầu các địa phương triển khai nhanh chóng phương án di dời toàn bộ người dân nằm trong diện phải di dời. Kiên quyết sơ tán người dân tại những nơi nguy hiểm, nhất là khu vực ven biển, cửa sông có nguy cơ ảnh hưởng của sóng lớn, ngập sâu, sạt lở, trên tàu thuyền tại nơi neo đậu, trên lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy hải sản, khu dân cư có nguy cơ bị sạt lở… đến nơi an toàn trước 12 giờ ngày 27/9, đảm bảo tuyệt đối an toàn tính mạng của người dân.