Đà Nẵng xây dựng chính quyền đô thị theo mô hình nào?

“Dù tổ chức theo mô hình nào thì chính quyền đô thị (CQĐT) phải giải quyết được bài toán tinh gọn tổ chức bộ máy gắn với hiệu lực, hiệu quả, tăng trách nhiệm về thẩm quyền của các cấp chính quyền, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, tạo ra nhiều việc làm mới cho người lao động, giải quyết được các tệ nạn xã hội”..., đó là khẳng định của Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Võ Công Trí tại Hội thảo “Thực trạng và tổ chức, hoạt động của tổ chức Đảng, Mặt trận, các tổ chức chính trị - xã hội của TP Đà Nẵng khi thí điểm mô hình chính quyền đô thị”. Hội thảo vừa được Thường trực Thành ủy Đà Nẵng tổ chức ngày hôm qua (30-10).

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Võ Công Trí phát biểu tại hội thảo.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Võ Công Trí phát biểu tại hội thảo.

Mô hình nào?

Theo Phó trưởng Ban Tổ chức Thành ủy Võ Công Chánh, khi thí điểm mô hình CQĐT, BCĐ xây dựng Đề án dự kiến 2 phương án. Thứ nhất, xây dựng mô hình tổ chức 1 cấp chính quyền (cấp thành phố) và 2 cấp hành chính (cấp quận và cấp phường); trong đó, tổ chức chính quyền cấp thành phố gồm có HĐND và UBND như hiện nay, cấp quận và cấp phường không tổ chức HĐND, chỉ tổ chức cơ quan hành chính theo thiết chế UBND. Phương án 2 là xây dựng mô hình tổ chức 2 cấp chính quyền (cấp thành phố và cấp quận) và 1 cấp hành chính; trong đó, tổ chức chính quyền cấp thành phố và cấp quận gồm có HĐND và UBND như hiện nay, cấp phường không tổ chức HĐND, chỉ tổ chức UBND.

Như vậy, tổ chức bộ máy của các cơ quan Đảng, Mặt trận và các đoàn thể CT-XH từ thành phố đến phường, xã không thay đổi so với hiện nay. Tuy nhiên, khi thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND (cấp quận/huyện hoặc cấp quận/huyện, phường/xã) thì cần tăng cường vai trò lãnh đạo của cấp ủy cũng như nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của MTTQ và các đoàn thể CT-XH các cấp. Ông Chánh cho rằng, kinh nghiệm từ việc thực hiện thí điểm chủ trương không tổ chức HĐND cấp quận, huyện và phường (giai đoạn 2009-2016) cho thấy, khi không có HĐND, cần đảm bảo sự lãnh đạo toàn diện của cấp ủy, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của cấp ủy và ủy ban kiểm tra cấp ủy cũng như nâng cao chất lượng giám sát, phản biện của MTTQ và các đoàn thể CT-XH thì hoạt động của hệ thống chính trị mới thông suốt, đảm bảo thực hiện tốt các nhiệm vụ QP-AN, KT-XH... của địa phương. Bên cạnh đó, để đảm bảo phát huy quyền làm chủ của nhân dân, các Tổ đại biểu HĐND thành phố tại các quận, huyện cần tăng cường công tác nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của cử tri, giám sát hoạt động của các địa phương.

Toàn cảnh hội thảo.

Toàn cảnh hội thảo.

Phải đảm bảo vai trò lãnh đạo của Đảng

Ông Bùi Văn Tiếng - Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật thành phố cho rằng, về cơ bản thì dẫu thực hiện theo mô hình 3 cấp chính quyền như hiện nay hay thí điểm mô hình CQĐT qua việc thực hiện một trong hai mô hình (1 cấp chính quyền/2 cấp hành chính hoặc 2 cấp chính quyền/1 cấp hành chính), Đảng vẫn phải đảm bảo vai trò độc quyền lãnh đạo, vẫn phải thường xuyên đổi mới phương thức lãnh đạo, vẫn phải không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo. Ngoài ra, theo ông Tiếng, mô hình 1 cấp chính quyền/2 cấp hành chính hoặc 2 cấp chính quyền/1 cấp hành chính thì vẫn là mô hình 3 cấp chứ chưa phải mô hình 2 cấp - không còn cấp quận, huyện như có người từng đề xuất. Điều đó cũng có nghĩa là vẫn phải duy trì hệ thống các đảng bộ quận, huyện với tư cách đảng bộ cấp trên cơ sở trực thuộc Thành ủy và các đảng bộ phường, xã với tư cách đảng bộ cấp trên cơ sở trực thuộc quận, huyện ủy.

Liên quan đến việc thí điểm hợp nhất, ông Tiếng cho rằng, “không nên thí điểm của thí điểm”, nghĩa là đã hợp nhất thì hợp nhất theo một mô hình thống nhất ở tất cả mọi quận, huyện, phường, xã, không nên đặt vấn đề địa phương có điều kiện hay địa phương không có điều kiện. “Đã hợp nhất thì giữa thành phố với các quận, huyện, trừ huyện đảo Hoàng Sa - đều cùng chung một mô hình nhằm tạo sự đồng bộ cần thiết giữa các cấp trong hệ thống chính trị”, ông Tiếng nói. Đồng thời cho biết, trong bối cảnh thí điểm mô hình CQĐT lần này, có thể kết hợp thí điểm hợp nhất một số cơ quan tham mưu giúp việc của cấp ủy các cấp. “Tôi ủng hộ việc hợp nhất Ban tổ chức Thành ủy với Sở Nội vụ, Ban Dân vận Thành ủy với Ủy ban MTTQVN thành phố, nhưng không đồng thuận việc hợp nhất Ủy ban kiểm tra với Thanh tra thành phố - do cơ chế quyền lực khác nhau giữa Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra Thanh ủy và Chánh Thanh tra...”, ông Tiếng nêu quan điểm.

Ông Nguyễn Đăng Hải - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQVN thành phố đề xuất Đà Nẵng nên chọn phương án xây dựng chính quyền đô thị theo mô hình 1 cấp chính quyền (cấp thành phố) và 2 cấp hành chính (cấp quận, huyện và phường, xã). Theo đó, chính quyền thành phố gồm có HĐND và UBND như hiện nay; cấp quận, huyện và phường, xã không tổ chức HĐND, chỉ tổ chức cơ quan hành chính theo thiết chế UBND (gọi là ủy ban hành chính) và có thể tên gọi UBND thành phố là ủy ban hành chính cho đồng bộ. Về hoạt động của Mặt trận và các tổ chức CT-XH trong điều kiện chính quyền đô thị, ông Ngữ cho rằng, dự thảo đã đề cập khá đầy đủ, tuy nhiên để góp phần xây dựng chính quyền đúng bản chất một chính quyền của dân, do dân và vì dân, hoạt động của Mặt trận và các tổ chức CT-XH cần quan tâm xây dựng bộ máy mặt trận, các tổ chức CT-XH tinh gọn nhưng phải đảm bảo yêu cầu vươn lên ngang tầm với nhiệm vụ...

Ngoài các ý kiến nêu trên, Hội thảo cũng đã lắng nghe nhiều ý kiến đóng góp sôi nổi, tâm huyết, quý báu của các chuyên gia, các nhà khoa học, nhà quản lý trong việc thực hiện đổi mới mối quan hệ lãnh đạo của cấp ủy với chính quyền, mối quan hệ giữa Mặt trận, các tổ chức CT-XH trong điều kiện thực hiện CQĐT. Theo Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Võ Công Trí, các ý kiến này sẽ giúp Ban soạn thảo Đề án nhìn nhận vấn đề ở nhiều góc độ, củng cố thêm cơ sở khoa học và thực tiễn để thành phố thực hiện thí điểm mô hình CQĐT đảm bảo tính khả thi hơn. Cho rằng, CQĐT là một mô hình mới, nên chắc chắn trong quá trình xây dựng Đề án sẽ gặp những vướng mắc, nhưng ông Võ Công Trí khẳng định, dù tổ chức theo mô hình nào thì CQĐT phải giải quyết được bài toán tinh gọn tổ chức bộ máy gắn với hiệu lực, hiệu quả, tăng trách nhiệm về thẩm quyền của các cấp chính quyền, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, tạo ra nhiều việc làm mới cho người lao động, giải quyết được các tệ nạn xã hội... “CQĐT với những vấn đề mang tính thể chế hay cơ chế thì phải giải quyết được vấn đề dân sinh một cách thiết thực. Đó chính là điều người dân thành phố mong đợi nhất”, ông Trí nói.

D.HÙNG

Đề xuất chuyển một số xã của Hòa Vang thành phường

Về mặt tổ chức, bộ máy của CQĐT, ông Đặng Công Ngữ - nguyên Giám đốc Sở Nội vụ thành phố cho rằng, để thống nhất một mô hình quản lý thì trước hết nên đề nghị chuyển một số xã của H. Hòa Vang thành phường (đã đủ điều kiện chuyển đổi). Còn một số ít xã thì đề nghị có cơ chế quản lý đặc thù, H. Hòa Vang chuyển thành thị xã. Ngoài ra, theo ông Ngữ, cần thiết lập hệ thống các cơ quan chuyên môn từ thành phố đến xã phường nhằm bảo đảm tính liên thông, thống nhất, kịp thời trong việc phục vụ các yêu cầu chính đáng của nhân dân. Đồng thời, ủy ban hành chính được cơ cấu là có người đứng đầu (quận trưởng hoặc chủ tịch), có một số cấp phó và các ủy viên; thành phần các ủy viên nên có đại diện các tổ chức chính trị - xã hội. Người đứng đầu cơ quan hành chính nên thực hiện đồng thời là bí thư cấp ủy.

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/102_215147_da-nang-xay-dung-chinh-quyen-do-thi-theo-mo-hinh-n.aspx