Đã nghe hương cốm tan vào gió xuân…
Đã nghe tháng Chạp về, những ngọn gió bấc xốn xang thổi dọc miền tâm tưởng. Màu lá bàng 'thắp lửa' một mảng trời, ngầm nhắc chuyến tàu bốn mùa đã sắp vào ga cuối, sau cái chớp mắt của thời gian.
Tôi tự hỏi, giờ này mẹ đang lụi cụi sau gian bếp đỏ lửa, hay cần mẫn tưới tắm cho luống rau Tết lên xanh? Ký ức là đốm lửa liêu xiêu ngầm cháy trong giấc mơ diệu vợi, là hồi chuông ngân vọng nỗi lòng của đứa con xa quê, luôn canh cánh hình bóng quê nhà.
Giữa hiu hiu cơn rét cuối năm, tâm trí tôi thường bềnh bồng quay về gian bếp ấm của mẹ. Có một thức quà bình dị đã lưu lại trong tôi một dư vị đậm sâu, khi Tết bắt đầu đặt những dấu chân đầu tiên lên bậc cửa. Đó là cốm đậu đen, thức quà xứ Nẫu dịu ngọt nhấm nháp cùng thanh lành trà nóng, trong bảng lảng mưa bụi ngoài thềm và ấm cúng những câu chuyện đầu năm. Cốm đậu đen của mẹ gợi về giấc mơ quây quần đoàn tụ, để tôi gửi lại nỗi buồn năm cũ dưới lớp tro tàn, và khu vườn tâm hồn thầm nở những đóa bình yên.
Năm nào cũng vậy, từ giữa tháng Chạp mẹ đã chộn rộn chuẩn bị làm cốm đậu đen. Mẹ thường chọn loại đậu tròn mẩy, bóng mướt, đen tuyền, nhặt bỏ đi những hạt lép. Rồi chọn thêm loại nếp dẻo từng hạt đầy đặn, trắng ngần, thơm ngát hương sữa trời mà mẹ hay gọi là “nếp thượng”. Có phải chúng được trồng ở những xóm thượng xa xôi, dọc triền núi cao cheo leo mưa nắng? Từng hạt nếp vẫn giữ vẹn nguyên dòng dưỡng chất ngọt bùi từ mạch nguồn xứ sở. Từng hạt đậu ấp ôm tấm lòng người bón chăm giữa miền gió lào, nắng rát. Thanh cốm ngon bắt đầu từ hạt nếp, hạt đậu mà mẹ đã dày công chọn lựa, nâng niu.
Gà gáy râm ran ngày 28 tháng Chạp, mẹ sẽ dậy sớm nhóm lên ngọn lửa thơm mùi lá dương khô. Khói nắng bâng quơ xuyên qua ô thông gió, sóng sánh trên những hạt nếp, hạt đậu căng đầy mẹ đã ngâm trong nước từ đêm qua. Trên ngọn lửa hồng nhảy múa reo vui, mẹ hầm đậu đen cho thật mềm, từng hạt như nở ra, nhưng nhức. Mẹ đồ nếp trong hơi khói loang nghi ngút, mùi hương cuống quýt tỏa lan, thơm nức lòng. Ngoài trời, hơi rét mơ hồ thoảng trên khuôn mặt mùa đông, như ngẫm ngợi điều gì sâu thẳm. Tôi tựa vào lưng mẹ, nghe sợi gió nhu mì gọi tên những mùi hương đằm sâu thuộc về mẹ, và củi lửa trong lò lục bục tiếng nhớ, tiếng thương.
Nếp vừa đồ xong còn hâm hấp nóng, lúc này hạt nếp còn mềm, mẹ sẽ cho vào cối lớn giã nhuyễn. Tiếng chày cối bập bùng khua vang gian bếp nhỏ, nếp áo mẹ đẫm những vệt mồ hôi dẫu ngoài trời thênh thang gió bấc. Từng nhịp chày đều đặn giã xuống cho hạt nếp mềm mại bung ra. Giã cho đến khi chúng thành một khối dẻo kết dính, quyện hòa vào nhau, nhuyễn nhừ, không còn lợn cợn. Đậu đen hầm xong cũng được mẹ cho vào cối giã. Những mùi hương thật dịu của đậu đen, nếp trắng đan vào cánh gió, bềnh bồng trong gian bếp tháng Chạp.
Khi nếp và đậu đã nhuyễn, mẹ trộn chúng vào nhau trong một chiếc chảo lớn. Rồi bắc lên lò than nóng đỏ rực, mẹ đổ đường vào theo tỷ lệ như từ trước đến nay. Mùa Tết nào thanh cốm của mẹ cũng ngọt vừa phải, đủ vương lại một dư vị nhè nhẹ khó phai. Khi những hạt đường li ti trải lên hết bề mặt, mẹ với tay lấy cặp đũa cả để khuấy cho tất cả quyện vào nhau, một công đoạn dành nhiều sức lực nhất. Đôi tay dẻo dai một đời chèo chống đảo qua lại thật đều, những đường gân xanh hằn lên xót xa bao mùa sương gió. Bóng mẹ neo lại trên bức vách loang lổ muội than, vạt khói chao bay quanh một dáng ngồi bàng bạc màu dâu bể. Thi thoảng mẹ dừng tay, thủ thỉ với tôi về những vui buồn đã qua.
Mẹ rưới thêm nước cốt gừng, và sẽ khuấy cho đến khi hỗn hợp nếp và đậu không còn dính vào đáy chảo. Trong hơi ấm tỏa ra từ những hòn than hồng tựa màu mây ưng ửng buổi ngày tàn, mẹ nhẫn nại khuấy cốm cả một chiều tháng Chạp. Đôi tay mẹ nhẫn nại như đang viết vào tâm thức tôi bài học về lòng kiên nhẫn. Như mẹ đã một đời nhẫn nại. Nhẫn nại cần kiệm chắt góp, nhẫn nại nuôi lớn đàn con. Rồi nhẫn nại hoài vọng, nhẫn nại đợi chờ. Thời gian bện vào sợi tóc, vết chân chim hằn thêm sau những lời từ biệt. Tôi chợt nhớ những dòng thơ mình đã viết vào một ngày quay về, soi mình lên giọt nước mắt đời mẹ: “Con là đốm lửa nhỏ mẹ nhen lên bằng một đời chi chút. Mẹ neo lại bóng mình bằng ánh lửa liu riu…”.
Đến cuối chiều, hỗn hợp sẽ dần cứng lại, vừa đủ dẻo, vừa đủ khô, trải đều một màu thẫm nâu dân dã, lấm tấm những vệt đen của đậu. Tựa như màu của nắm đất quê nhà, của phù sa cánh đồng xứ sở, ôm ấp những hạt ngọc trời đã âm thầm nuôi nấng bao giấc mơ nên hình hài, dáng vóc. Đó cũng là màu của sự hòa hợp giữa trắng ngần từ nếp, đen láy từ đậu, giữa những bàn tay cùng thắp lên ngọn lửa, bền bỉ soi sáng yêu thương dưới mái nhà mưa nắng. Hạt nếp, hạt đậu lớn lên từ đất. Ta lớn lên từ bát ngát yêu thương.
Tôi thường phụ mẹ công đoạn cuối cùng, đó là nắn ra những thanh cốm đậu đen cho thật vuông vắn. Cậu cháu nhỏ của tôi sớm chiều ríu ran quanh gian bếp, giọng nói non nớt và ngọng nghịu, nhìn bà ngoại làm cốm mà nôn nao đợi Tết về. Mẹ đã giã, quết, đảo, khuấy rất nhọc công. Nên tôi tự nhủ mình cũng phải thật tỉ mỉ và nắn nót, nặn ra những thanh cốm hài hòa, đều đặn. Thanh cốm cuối cùng được xếp lên mâm, ngẩng đầu nhìn lên trời cũng vừa chập choạng tối, gió bấc cuối mùa gọi nhau qua thềm cũ lao xao. Mẹ nhìn mẻ cốm tinh tươm, mỉm cười hài lòng, rồi chọn những thanh cốm đẹp nhất dâng lên ông bà.
Cốm mẹ làm dẻo dẻo, ngọt đằm, thanh thanh vị gừng, thơm thơm mùi đậu, nhẩn nha ăn từng miếng nhỏ mãi không thấy ngán. Mấy ngày Tết mẹ xếp những miếng cốm thành hình cánh hoa, mang ra đãi khách đến thăm nhà. Ấm trà cha đã pha sẵn, luênh loang ánh khói len vào vạt nắng đầu xuân tươi nguyên.
Cốm đậu đen của mẹ tự bao giờ đã thành “thương hiệu”. Tháng Chạp vừa ngấp nghé hiên nhà, đã nghe xôn xao trong những cuộc chuyện trò, các chị, các dì hỏi rằng Tết này mẹ có làm cốm không. Cốm đậu đen của mẹ lại bồi vào trong tôi thêm một nỗi mong chờ Tết, không chỉ vì được nhâm nhi một thức quà vừa giản dị, vừa thanh nhã. Mà lòng vui vì được thấy mẹ còn khỏe, còn chăm chút, tỉ mỉ cho từng mùa Tết luôn trọn đầy. Mẹ đã giữ lại hồn cốt của Tết vẹn nguyên như trong ký ức cùng nỗi trông đợi của đàn con xa xứ…
Tôi vẫn nhớ mẹ từng kể, thuở sinh thời ông ngoại tôi vốn hảo ngọt, thích ăn cốm đậu đen. Nên bà ngoại đã trọn lòng, khéo léo làm món cốm có vị của yêu thương ngọt lành, rồi truyền cho mẹ. Có lẽ mẹ đã quyện những ký ức dung dị ấy vào từng thanh cốm. Còn tôi, khóe mắt bỗng nhòa cay khi được hòa mình giữa những mùi vị manh nha từ nỗi nhớ, từ nguồn cội chân phương. Từng giọt nước mắt của nỗi hàm ơn vì còn có một nơi chốn yêu thương để quay về.
“Có chuyến tàu nào trong đời,
Con đợi mong hơn chuyến tàu đưa con về với mẹ
Thời gian dẫu chẳng hình hài
Vẫn để lại trên tóc người những dấu vết xót xa”…
Trần Văn Thiên