Đà phục hồi của thị trường chững lại; Giá dầu tăng nhờ kế hoạch cắt giảm sản lượng của Ả Rập Saudi

S&P 500 và Nasdaq Composite chìm trong sắc đỏ vào thứ Tư (07/6), với chỉ số S&P 500 dao động gần mức đóng cửa cao nhất kể từ tháng 8/2022.

S&P 500, Nasdaq quay đầu giảm điểm

Khép phiên, chỉ số S&P 500 giảm 0,38%, đóng cửa ở mức 4.267,52 và Nasdaq Composite mất 1,29% còn 13.104,89. Trong khi, chỉ số Dow Jones tăng 91,74 điểm, tương đương 0,27%, lên 33.665,02.

Năng lượng là lĩnh vực thuộc S&P 500 hoạt động tốt nhất, tiến khoảng 2,6%. Chứng chỉ quỹ SPDR S&P Oil & Gas Exploration & Production ETF (XOP) và First Trust Natural Gas ETF (FCG) đồng loạt tăng hơn 3% mỗi quỹ.

Cổ phiếu ngân hàng khu vực tiếp tục ghi nhận tín hiệu lạc quan khi chứng chỉ quỹ SPDR S&P Regional Banking ETF (KRE) tăng hơn 3%. Cổ phiếu của PacWest Bancorp cộng 14,4%, trong khi cổ phiếu Zions Bancorporation bật lên 4,5%.

Chứng khoán Mỹ đã được thúc đẩy gần đây khi lời cam kết về trí tuệ nhân tạo hỗ trợ các cổ phiếu công nghệ. Trong ba tháng qua, S&P 500 đã tăng hơn 7%.

Tuy nhiên, giám đốc đầu tư Bob Doll của Crossmark Global Investments cảnh báo rằng mặc dù thị trường phục hồi trong những ngày gần đây, nhưng tác động nhiều hơn từ việc tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang (Fed) có thể sẽ được cảm nhận trong tương lai.

“Chúng ta vẫn có các chỉ số kinh tế hàng đầu giảm 13 tháng liên tiếp. Chúng ta vẫn có đường cong lợi suất đảo ngược và các vấn đề về thanh khoản,” ông Doll nói với “Squawk on the Street” của CNBC vào thứ Tư.

Thâm hụt thương mại của Hoa Kỳ tiếp tục tăng trong tháng 4, nhưng thấp hơn một chút so với dự báo của các nhà kinh tế. Thâm hụt có thể chuyển thành tăng trưởng GDP thấp hơn trong quý thứ hai.

Kế hoạch cắt giảm sản lượng của Saudi lấn át tín hiệu nhu cầu yếu

Kết phiên, dầu thô Brent kỳ hạn tăng 66 cent, tương đương 0,9%, đạt 76,95 USD/thùng, trong khi dầu thô WTI của Hoa Kỳ kỳ hạn tiến 79 cent, tương đương 1,1%, lên 72,53 USD.

Cả hai loại dầu chuẩn đều tăng hơn 1 đô la vào thứ Hai sau quyết định của Ả Rập Xê Út vào cuối tuần qua về việc giảm sản lượng thêm 1 triệu thùng mỗi ngày xuống 9 triệu thùng/ngày trong tháng 7/2023.

Theo dữ liệu từ Cơ quan Thông tin Năng lượng Mxy (EIA) cho biết, dự trữ dầu thô của Mỹ giảm khoảng 450.000 trong tuần trước, trái ngược hoàn toàn so với ước tính tăng 1 triệu thùng.

Dự trữ dầu diesel tăng 5,1 triệu thùng, trong khi thị trường ước tính tăng 1,33 triệu thùng. Dự trữ xăng cũng tăng mạnh hơn dự kiến ở mức 2,8 triệu thùng, so với ước tính tăng 880.000 thùng.

Dự trữ nhiên liệu tăng bất ngờ làm dấy lên mối lo ngại về mức tiêu thụ của quốc gia sử dụng dầu hàng đầu thế giới, đặc biệt là khi nhu cầu đi lại đã tăng trong dịp cuối tuần nghỉ ngày Lễ Tưởng niệm.

Giá dầu đã bốc hơi hồi đầu phiên do dữ liệu kinh tế yếu kém của Trung Quốc.

Theo đó, xuất khẩu của Trung Quốc giảm nhanh hơn nhiều so với dự đoán trong tháng 5 và nhập khẩu cũng giảm, mặc dù với tốc độ chậm hơn, do các nhà sản xuất gặp khó khăn trong việc tìm kiếm nhu cầu ở nước ngoài và tiêu dùng trong nước vẫn trì trệ.

Dữ liệu hôm thứ Tư cũng cho thấy nhập khẩu dầu thô vào Trung Quốc, đã tăng mạnh mẽ trong tháng 5 do các nhà máy lọc dầu tích trữ hàng tồn kho.

Ngoài ra, cũng góp phần hỗ trợ giá dầu, đồng đô la giảm xuống khi cơ hội tăng lãi suất của Fed vào tuần tới mờ dần. Đồng bạc xanh yếu hơn hỗ trợ nhu cầu khi dầu trở nên rẻ hơn đối với người mua nước ngoài.

Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) cho biết, tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ chỉ tăng vừa phải trong năm tới khi toàn bộ tác động của việc tăng lãi suất của ngân hàng trung ương được cảm nhận. Đây là dấu hiệu mới nhất cho thấy tác động của việc thắt chặt tiền tệ.

Yên Huỳnh

Nguồn SGĐT: https://dttc.sggp.org.vn/da-phuc-hoi-cua-thi-truong-chung-lai-gia-dau-tang-nho-ke-hoach-cat-giam-san-luong-cua-a-rap-saudi-post105361.html