Đã qua đoạn 'dễ ăn', thị trường năm 2022 từ khóa sẽ là 'chọn lọc cổ phiếu'
Trên thế giới, như ở thị trường Mỹ, trong đợt bán tháo thì những công ty công nghệ ở Mỹ không có doanh thu, lợi nhuận bị bán mạnh nhất. Không tránh được, khi có dòng tiền rẻ dồi dào thì mới chảy vào các công ty công nghệ chẳng có doanh thu, lợi nhuận. Nhưng năm nay thì khác, yếu tố cơ bản quan trọng hơn rất nhiều.
Đây là chia sẻ của ông Phạm Lưu Hưng, Phó giám đốc Trung tâm Phân tích và Tư vấn Đầu tư Chứng khoán SSI trong chương trình Bí mật đồng tiền số thứ 6 hôm qua (26/1/2022). Theo ông Hưng , năm nay Index không tăng được bao nhiêu, quan trọng hơn là chọn cổ phiếu gì và sẽ không dễ dàng như các năm trước.
Thị trường chứng khoán ngay trước Tết Nguyên đán có những biến động lớn, nhiều nhà đầu tư cá nhân muốn bán sạch và ra năm chơi ván mới, cũng có phân khúc nhà đầu tư mạnh dạn mua vào chờ tăng giá sau Tết. Và một đặc điểm, năm nào thị trường cũng giảm trước tết và tăng mạnh sau tết, vậy tại sao nhà đầu tư năm nào cũng không giữ được tiền?
Ông Hưng không phải là người theo trường phái theo dõi thị trường bảng điện hàng ngày, nhưng với diễn biến mấy ngày nay thị trường chứng khoán Mỹ “giật đùng đùng” và Việt Nam cũng thế - thì có lẽ có một bài học là nhiều khi chúng ta không có vị thế gì, không mua không bán cũng là một cách để đi qua thời điểm này.
Trên thế giới, có truyền thuyết rất vui là “người có tỷ suất đầu tư tốt nhất là những người hay quên password - không login tài khoản trong thời gian dài” - điều này áp dụng khá đúng trong giai đoạn này, ông Hưng nói.
Ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc nghiên cứu khối Khách hàng cá nhân MBS chia sẻ, đã có rất nhiều lần thị trường bán tháo về những lý do mà sau đó ta quên mất như liên quan đến Trump bầu cử, về Covid, về Evergrand… Điều mà ông Sơn muốn nhắn nhủ rằng, “tiền” là hệ quả thì nhà đầu tư cần mở “4 ô chữ T”.
Bao gồm T: nền tảng tài chính tốt; T: thanh khoản tốt; T: thông tin tốt giúp, T: thời điểm tốt giúp mình có lợi thế hơn so với thị trường, và chữ T cuối cùng mới là Tiền cho nhà đầu tư.
Ông Sơn đồng quan điểm với ông Hưng về thị trường năm 2022 và cho rằng, tốc độ tăng trưởng thị trường sẽ bị chậm lại trên thế giới và cả Việt Nam. Mỹ sẽ tăng lãi suất và cân nhắc giảm bảng cân đối tài sản, như giai đoạn 2014 - 2015 thị trường không tăng được, cũng gần như đi ngang, có chăng là sideway up khi Fed tạm dừng bảng cân đối tài sản . Năm nay không nhìn vào index nữa, mà là chọn cổ phiếu tăng trưởng cao để vừa phòng hộ chống lạm phát vừa tạo hiệu quả cho tài khoản.
Về lạm phát không quá lo lắng, vì do cầu kéo (kinh tế phục hồi làm cho nhu cầu tăng lên) vừa do chi phí đẩy (do covid chặn đứng chuỗi cung ứng, hàng hóa mắc kẹt không lưu thông được). Lạm phát đang gây áp lực cho các ngân hàng trung ương khi họ đang nới lỏng lớn trong thời gian qua - siêu nới lỏng - nên nếu không kiềm chế lạm phát thì có thể gây ra một cuộc suy thoái mới.
Thông thường, theo lý thuyết, nhìn theo chu kỳ kinh doanh, lĩnh vực hưởng lợi khi lạm phát cao thường là công ty liên quan công nghệ và công ty có tốc độ tăng trưởng cao. Đặc biệt là trong thời kì lạm phát tại Mỹ thập kỷ 70 - 80 thì chỉ số S&P 500 cũng không tăng được mấy, gần như đi ngang, điều này có thể xảy ra trong nửa đầu năm 2022.
Ông Hưng lại đưa quan điểm không ngại lạm phát vì năm 2020 - 2021 không có lạm phát mấy, nên trên nền thấp thì 2022 có thể tăng, nhưng kỳ vọng lạm phát tăng 2 con số hay phi mã không thì khẳng định là KHÔNG.
Chẳng hạn như ở Mỹ, trên nền thấp thì tháng 1 và tháng 2 có thể thấy lạm phát tăng cao, nhưng tầm tháng 3 lập đỉnh nào đó rồi xuống. Còn Việt Nam, vấn đề lạm phát lương thực thực phẩm có thể là vấn đề toàn cầu nhưng chưa chắc đã xảy ra vì Việt Nam là nước sản xuất lương thực thực phẩm lớn, có thể chủ động điều chỉnh giá và ảnh hưởng sẽ ít. Còn các mặt hàng lương thực có tăng chút so với trước dịch cũng không đáng ngại, vì những đối tượng hưởng lợi là người nông dân - "chẳng đi đâu mà thiệt".
Nhưng với lạm phát lương thực thực phẩm như hiện nay thì còn yếu tố chi phí đầu vào như phân bón, thức ăn chăn nuôi, đối tượng hưởng lợi lại chưa chắc là người nông dân.
Theo đó, ý kiến chung của các chuyên gia là: Thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2022 sẽ tăng nhưng gập ghềnh và có phân hóa.
Nói về dòng tiền đang như thế nào khi mà thị trường đang khá khó đoán, khi có một lực lượng bán hết trước tết, ngược lại cũng có nhóm nhảy vào mua để chờ tăng sau tết? Ông Sơn đánh giá dòng tiền vẫn vào và cao hơn so với 2 năm trước, nhưng có chọn lọc là ngân hàng, bất động sản khu công nghiệp, chứng khoán, xây dựng và vật liệu xây dựng - 4 nhóm chính mà dòng tiền luân chuyển và hiện ngân hàng đang hút dòng tiền tốt.
Vậy vì sao nhóm banks bất ngờ hút dòng tiền? Ông Hưng cho rằng, đây là nhóm cổ phiếu có định giá hấp dẫn sau đợt giảm giá nửa cuối năm 2021. Nói về dòng tiền thì có nhiều vấn đề, như đoạn vừa rồi tỷ trọng nhà đầu tư cá nhân nhiều, đầu cơ nhiều, nên khi các cổ phiếu đầu cơ có vấn đề thì dòng tiền tìm về với cổ phiếu cơ bản hơn, định giá thấp.
Dòng tiền thông minh theo ông Sơn là dòng tiền bắt được nhịp thị trường, chốt được ở vùng cao và chuyển sang nhóm khác đang tốt hơn, như ngân hàng vừa qua, chớp được các cơ hội như vậy. MBS có công cụ đo dòng tiền, thấy rằng có một nhóm dòng tiền rất nhạy bén, như đỉnh tháng 6 tháng 7 - sau khi Index tạo đỉnh thì dòng tiền tụt rất mạnh ở nhóm ngân hàng, ngày càng mạnh - cho thấy dòng tiền lớn có vẻ rút bớt ra khỏi ngân hàng và phân bổ lại nhóm khác như chứng khoán, bất động sản.
Dòng tiền thông minh vào hay ra mạnh mẽ đều tác động đến thị trường.
Vậy dòng tiền thông minh có bao gồm cả dòng tiền từ khối tự doanh của công ty chứng khoán? Ông Hưng phản biện rằng, mỗi người có cách nào đó để nhận ra dòng tiền thông minh, nhưng thường mọi người hay đổ dòng tiền thông minh là của nhà đầu tư nước ngoài, lúc thì cho rằng của tự doanh. Về tự doanh, nhiều nghĩ rằng CTCK tự giao dịch và thu lại lợi nhuận trên tài khoản chính mình - cái này là đúng, nhưng không phải tất cả.
Nhìn tổng thị trường có thể đọc nhiều báo cáo khá vui và hài hước là năm rồi tự doanh bán ròng mấy nghìn tỷ và đi kèm danh sách 10 cổ phiếu mua/bán ròng. Vậy là xấu hay tốt. Chẳng hạn danh sách bán ròng toàn chứng chỉ quỹ như Diamond, Finlead, và danh mục top 10 mua ròng toàn cổ phiếu hết room, và ở nhóm tài chính. Đây đơn giản là nghiệp vụ của hoạt động tự doanh, là được ủy thác để tạo ra các chứng chỉ quỹ ETF bằng cách mua các cổ phiếu, sau đó tạo ra một đơn vị chứng chỉ quỹ và bán cho nhà đầu tư. Vậy họ sẽ mua cổ phiếu và bán chứng chỉ quỹ. "Khi nhìn vào số liệu, thực ra không có ý nghĩa gì, nhưng chúng ta vẫn phải theo dõi để xem họ mua gì bán gì, và thực tế thì chúng ta cũng không hiểu họ đang làm gì", ông Hưng thẳng thắn bày tỏ quan điểm.
Với SSI, phần tự doanh mua bán thu lời trên tài khoản chính mình khá thấp, còn lại liên quan đến nghiệp vụ market maker, liên quan đến liquidity provider, liên quan đến các dịch vụ phục vụ khách hàng là chính. Và không có gì để theo dõi và có theo dõi không hiểu hết các nội dung trong đó.
"Các thông tin về giao dịch tự doanh được công bố bây giờ không hề có giá trị gì về mặt sử dụng. Nhà đầu tư chỉ dùng được khi bóc tách được từng tự doanh, từng CTCK giao dịch cổ phiếu nào thì may ra, còn thông tin tổng trong đó có những CTCK chỉ thực hiện market maker là nhiều, khối lượng lớn, rồi cộng dồn tổng ra 1 con số để đánh giá hôm nay tự doanh mua gì, bán gì, tổng bao nhiêu thì không dùng được trong hoạt động đầu tư, ông Hưng khẳng định.
Chẳng hạn, trong báo cáo tài chính, mục tự doanh của SSI có HPG, đó là vì hoạt động hedging cho sản phẩm CW của SSI phát hành dựa trên chứng khoán cơ sở là HPG và việc này không thể hiện quan điểm gì về đầu tư của tự doanh SSI đối với HPG.