Đã rà soát hàng trăm nghìn ha đất ô nhiễm bom mìn trên cả nước
Hàng trăm nghìn ha đất trên cả nước đã được khảo sát và rà phá bom mìn để mang lại sự bình yên cho người dân.
Trung tâm Hành động bom mìn quốc gia Việt Nam cho biết, Việt Nam là một trong những quốc gia hiện có tỷ lệ ô nhiễm bom mìn cao trên thế giới.
Ước tính số bom đạn sau chiến tranh để lại ở Việt Nam khoảng 800 nghìn tấn, diện tích ô nhiễm và nghi ngờ ô nhiễm bom mìn khoảng 6,1 triệu ha chiếm 18,82 % tổng diện tích của cả nước.
Số bom mìn, vật liệu chưa nổ hiện còn nằm rải rác tại 63 tỉnh, thành phố, trong đó tập trung nhiều tại các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên và miền Đông Nam Bộ.
Thống kê đến năm 2023, sau hàng chục năm tiến hành rà phá bom mìn, hiện vẫn còn khoảng 5,6 triệu ha, tương đương với 17,71% diện tích còn bị ô nhiễm. Cần rất nhiều thời gian và nguồn lực lớn để làm sạch hoàn toàn những vùng đất bị ô nhiễm, đem lại mầu xanh cho những vùng đất, cuộc sống an toàn cho nhân dân.
Theo thống kê của Trung tâm Hành động bom mìn quốc gia Việt Nam, 10 năm sau khi được thành lập từ ngày 4/3/2014, Trung tâm đã điều phối một số dự án lớn góp phần cùng với các lực lượng cả nước triển khai khảo sát và rà phá bom mìn vật nổ được hơn 500.000 ha.
Trong đó các dự án thuộc Chương trình 504 đạt 74.000 ha, các dự án đầu tư phát triển kinh tế - xã hội đạt khoảng 300.000 ha và các dự án rà phá bom mìn nhân đạo đạt 111.240 ha.
Tổng giá trị khảo sát, rà phá 12.614 tỷ đồng, trong đó, ngân sách trong nước 10.417 tỷ đồng, ngân sách viện trợ không hoàn lại trực tiếp của nước ngoài 2.197 tỷ đồng (tương đương 95,5 triệu USD).
Từ năm 1975 đến nay, bom mìn tồn sót đã làm hơn 40 nghìn người bị chết, 60 nghìn người bị thương, trong đó phần lớn là lao động chính trong gia đình và trẻ em.
Tại một số tỉnh miền Trung như Quảng Bình, Bình Định, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế và Quảng Ngãi có trên 22.800 người là nạn nhân do vướng bom mìn trong quá trình sinh hoạt, sản xuất, trong đó có 10.540 người chết và 12.260 người bị thương.
Tại một số tỉnh miền Trung như Quảng Bình, Bình Định, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế và Quảng Ngãi có trên 22.800 người là nạn nhân do vướng bom mìn trong quá trình sinh hoạt, sản xuất, trong đó có 10.540 người chết và 12.260 người bị thương.