Đá rơi trong hầm qua Quảng Bình, 8 chuyến tàu phải dừng chờ
Đá rơi trong quá trình đơn vị thi công đang gia cố hầm đường sắt qua Quảng Bình khiến 5 chuyến tàu chở khách và 3 chuyến tàu hàng Bắc – Nam phải dừng chờ nhiều giờ.
Liên quan đến vụ đá rơi trong hầm đường sắt khiến phải dừng một loạt chuyến tàu Bắc – Nam tối 8/8, trao đổi với phóng viên VietNamNet, ông Trần Thiện Cảnh, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Đường sắt Việt Nam cho biết: Cục vẫn chưa nhận được báo cáo từ Ban quản lý dự án 85 và Tổng công ty Đường sắt về vụ việc.
Thông tin ông nắm được cho biết sự việc xảy ra vào chiều 7/8.
Đại diện Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cho biết thêm, lúc 15h32 ngày 7/8 xảy ra việc đá rơi vào đường sắt trong hầm số 2 tại km455+765 tuyến đường sắt Bắc - Nam nằm giữa ga Ngọc Lâm và Lạc Sơn (xã Phong Hóa, Tuyên Hóa, Quảng Bình).
Sự việc khiến 5 tàu khách và 1 tàu hàng phải dừng chờ. Cụ thể: tàu khách SE7 phải dừng tại ga Ngọc Lâm 213 phút, tàu hàng SH33 dừng tại ga Đông Lê 421 phút, tàu hàng HH10T đỗ 252 phút tại ga Lạc Sơn, tàu khách SE12 đỗ tại ga Lạc Sơn 248 phút, tàu khách SE6 đỗ tại ga Lệ Sơn 170 phút, tàu khách SE4 đỗ tại ga Minh Lệ 88 phút, tàu hàng AH1 đỗ tại ga Kim Lũ 986 phút và tàu khách SE2 đỗ ga Ngân Sơn 49 phút.
Đến 19h50 cùng ngày (7/8), sự cố được khắc phục xong. Lúc này các đoàn tàu mới lưu thông trở lại qua hầm.
Lý giải nguyên nhân xảy ra sự cố, ông Cảnh cho biết: thông tin sơ bộ Cục Đường sắt nắm được là khi Tổng công ty Xây dựng Lũng Lô thi công gia cố hầm yếu có hai tảng đá lớn rơi xuống đường sắt chạy qua hầm. Một tảng đá khác có nguy cơ rơi xuống nên mất nhiều thời gian để tháo dỡ tảng đá này.
“Các hầm đường sắt qua Quảng Bình được xây dựng từ thời Pháp, kết cấu hầm đã cũ, trong quá trình đục vỏ hầm làm vỏ mới do mất lớp vỏ cũ lại gặp trời mưa nên đá rơi xuống”, ông Cảnh nhận định.
Do chưa nhận được báo cáo chính thức nên ông Cảnh cho biết chưa thể đưa ra kết luận cuối cùng cũng như xem xét trách nhiệm của các đơn vị thi công.
Phía đường sắt Việt Nam đã phối hợp đơn vị thi công gia cố hầm lập tàu cứu viện chở máy xúc vào khắc phục sự cố, khắc phục xong, các đoàn tàu lưu thông trở lại qua hầm.
Về nguyên tắc, ông Cảnh cho biết các đơn vị sẽ thực hiện phong tỏa không cho chạy tàu qua khu vực đang thi công. Khi tạm dừng thi công, đơn vị thi công dùng giàn giáo, vách ngăn để chống đỡ đảm bảo an toàn cho tàu chạy qua với tốc độ chậm.
“Thời điểm rơi đá trong hầm đường sắt vào ngày 7/8 là lúc đang thi công, không có tàu chạy qua do đó không có thiệt hại về người mà chỉ bị chậm tàu”, ông Cảnh thông tin thêm.