Đa số đại biểu Quốc hội chọn chất vấn Bộ trưởng Bộ Công thương
Ngày 23/5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội có báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội về việc tổ chức chất vấn tại Kỳ họp thứ 7. Theo đó, nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực công thương có 332/376 đại biểu lựa chọn để chất vấn tại Kỳ họp thứ 7 của Quốc hội, cao nhất trong 5 nhóm được đưa ra xin ý kiến.
Đại biểu quan tâm lĩnh vực công thương, tài nguyên và môi trường
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, tính đến cuối giờ chiều ngày 23/5, đã nhận được ý kiến của 376 đại biểu Quốc hội. Đa số ý kiến đại biểu Quốc hội nhất trí với cách thức tổ chức và nội dung các nhóm vấn đề chất vấn do Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội.
Cụ thể, lĩnh vực công thương có 332/376 đại biểu lựa chọn, chiếm 88,30%. Tiếp đó, lĩnh vực tài nguyên và môi trường có 329/376 đại biểu lựa chọn, chiếm 87,50%. Lĩnh vực kiểm toán có 289/376 đại biểu lựa chọn, chiếm 76,86%. Lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch có 275/376 đại biểu lựa chọn, chiếm 73,14%. Lĩnh vực giáo dục và đào tạo có 254/376 đại biểu lựa chọn, chiếm 67,55%.
Như vậy, các nhóm vấn đề được Quốc hội lựa chọn chất vấn tại Kỳ họp thứ 7 thuộc 4 lĩnh vực: (1) lĩnh vực tài nguyên và môi trường; (2) lĩnh vực công thương; (3) lĩnh vực kiểm toán; (4) lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch.
Lĩnh vực công thương, có ý kiến đại biểu đề nghị bổ sung nội dung chất vấn về an ninh năng lượng, việc mua điện từ nước ngoài, giải pháp bảo đảm đủ điện trong thời gian tới; việc lợi dụng xuất xứ hàng hóa Việt Nam để nhập khẩu vào Mỹ và EU.
Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, những nội dung nêu trên đã được các đại biểu Quốc hội chất vấn Bộ trưởng Bộ Công thương tại Kỳ họp thứ 6 và Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 109/2023/QH15 ngày 29/11/2023, trong đó có nội dung giao Chính phủ, Bộ Công thương triển khai thực hiện.
Như vậy, các nhóm vấn đề được Quốc hội lựa chọn chất vấn tại Kỳ họp thứ 7 thuộc 4 lĩnh vực: (1) lĩnh vực tài nguyên và môi trường; (2) lĩnh vực công thương; (3) lĩnh vực kiểm toán; (4) lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch.
Năm 2023, trên cơ sở xem xét báo cáo của Đoàn giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016 - 2021”, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 937/NQ-UBTVQH15 ngày 13/12/2023.
Trong đó, đã chỉ nêu trách nhiệm cụ thể của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương liên quan trong chỉ đạo công tác xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng, trong đó đã yêu cầu thực hiện nhiều nhiệm vụ, giải pháp cụ thể phải hoàn thành trước cuối năm 2025 cùng với các nhiệm vụ, giải pháp trung và dài hạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin không bổ sung các vấn đề nêu trên vào nội dung chất vấn tại kỳ họp này.
Ngoài ra, có ý kiến khác đề nghị lựa chọn chất vấn lĩnh vực ngân hàng về giá vàng và tình trạng ngân hàng lãi lớn trong khi doanh nghiệp khó khăn. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, thời gian qua, diễn biến của thị trường vàng được cử tri và nhân dân rất quan tâm. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều văn bản chỉ đạo, yêu cầu tăng cường các biện pháp quản lý thị trường vàng. Bên cạnh đó, trong quá trình thực hiện quy trình lựa chọn nhóm vấn đề chất vấn tại kỳ họp này, lĩnh vực ngân hàng chưa đủ số phiếu để trình xin ý kiến đại biểu Quốc hội.
Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam báo cáo cụ thể gửi đến đại biểu Quốc hội tại kỳ họp này về những vấn đề thuộc lĩnh vực ngân hàng đang được cử tri và nhân dân quan tâm, trong đó có việc quản lý thị trường vàng.
Chất vấn Bộ Công thương về giải pháp đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu
Trước đó, ngày 19/5, Tổng thư ký Quốc hội gửi phiếu xin ý kiến các vị đại biểu Quốc hội về dự kiến nhóm vấn đề chất vấn và người chất vấn tại Kỳ họp thứ 7.
Theo đó, nhóm vấn đề 1 (lĩnh vực tài nguyên và môi trường) gồm việc quản lý khai thác bảo vệ tài nguyên biển quốc gia. Tình hình thực hiện chính sách pháp luật về an ninh nguồn nước, giải pháp phòng chống tình trạng hạn hán xâm nhập mặn, thiếu, suy giảm, ô nhiễm nguồn nước. Giải pháp nghiên cứu thăm dò khai thác sử dụng nguồn tài nguyên khoáng sản làm vật liệu xây dựng và tài nguyên khoáng sản quý hiếm.
Trách nhiệm trả lời chính là Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường. Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, Bộ trưởng các bộ: Kế hoạch và đầu tư, Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Xây dựng, Giao thông vận tải cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình những vấn đề có liên quan.
Nhóm vấn đề thứ hai (lĩnh vực kiểm toán) gồm có trách nhiệm và giải pháp khắc phục tình trạng các doanh nghiệp, dự án được kiểm toán nhưng vẫn xảy ra sai phạm. Việc thực hiện các kết luận, kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước, công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động kiểm toán nhà nước; giải pháp khắc phục tình trạng chồng chéo trong công tác thanh tra, kiểm toán.
Trách nhiệm trả lời chính là Tổng Kiểm toán Nhà nước, Bộ trưởng các bộ: Kế hoạch và đầu tư, Tài chính, Công an, Tổng thanh tra chính phủ cùng tham gia trả lời chất vấn giải trình về những vấn đề có liên quan
Nhóm vấn đề thứ ba thuộc lĩnh vực công thương, gồm có công tác quản lý, giám sát bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong hoạt động thương mại điện tử. Giải pháp đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu, thúc đẩy việc thực hiện các hiệp định thương mại (FTA) và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trước bối cảnh tình hình thế giới tiếp tục biến động phức tạp khó lường. Việc thực hiện chính sách pháp luật phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp cơ khí nhất là trong phục vụ chế biến nông lâm thủy sản phát triển nông nghiệp nông thôn.
Trách nhiệm trả lời chính là Bộ trưởng Bộ Công thương. Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, Bộ trưởng các bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Khoa học và Công nghệ, Thông tin và Truyền thông, Ngoại giao cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan
Nhóm vấn đề 4 là lĩnh vực văn hóa thể thao và du lịch, gồm công tác tuyển chọn đào tạo và chế độ chính sách đối với vận động viên thể thao, nghệ sĩ trong các lĩnh vực nghệ thuật, giải quyết việc làm cho vận động viên nghệ sĩ sau thời kỳ thi đấu biểu diễn đỉnh cao.
Việc triển khai các nhiệm vụ giải pháp kích cầu phục hồi du lịch trong năm 2024 và những năm tiếp theo, giải pháp phát triển du lịch đêm. Chính sách đặc thù thu hút đầu tư cho các hoạt động văn hóa thể thao du lịch vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi cũng nằm trong nhóm vấn đề này.
Trách nhiệm trả lời chính là Bộ trưởng Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch. Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, Bộ trưởng các bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Giao thông - Vận tải, Giáo dục và Đào tạo, Lao động - Thương binh và Xã hội, Nội vụ, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc cùng tham gia trả lời chất vấn giải trình những vấn đề có liên quan.
Nhóm vấn đề thứ 5 thuộc lĩnh vực giáo dục và đào tạo. Các vấn đề ở đây là thực trạng và giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục đại học, hoạt động khoa học công nghệ các trường đại học. Vấn đề đẩy mạnh xã hội hóa trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo chính sách thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư phát triển giáo dục và đào tạo các cấp học; trình độ đào tạo; công tác quản lý hoạt động của các cơ sở giáo dục có yếu tố nước ngoài tại Việt Nam.
Trách nhiệm trả lời chính là Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, Bộ trưởng các bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Xây dựng, Nội vụ, Khoa học và Công nghệ, Ngoại giao cùng tham gia trả lời chất vấn và giải trình về những vấn đề có liên quan.
Chất vấn trong 2,5 ngày làm việc của Quốc hội
Theo chương trình kỳ họp, phiên chất vấn được tổ chức trong 2,5 ngày (từ ngày 4/6 đến hết buổi sáng ngày 6/6/2024). Dự kiến hoạt động chất vấn tại kỳ họp về các nhóm vấn đề thuộc trách nhiệm của 4 bộ trưởng, trưởng ngành.
Cuối phiên chất vấn, Thủ tướng Chính phủ hoặc Phó Thủ tướng Chính phủ được ủy quyền sẽ trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội về những vấn đề liên quan đến công tác điều hành của Chính phủ.
Quốc hội sẽ thông qua nghị quyết về hoạt động chất vấn tại phiên bế mạc kỳ họp, làm cơ sở để các cơ quan triển khai thực hiện./.