Đà tăng lãi suất của các ngân hàng trung ương toàn cầu đã chậm lại trong tháng 4
Việc tăng lãi suất từ các ngân hàng trung ương trên toàn cầu đã chậm lại vào tháng 4 nhờ sự kết hợp giữa lạm phát giảm và triển vọng tăng trưởng chậm lại trong bối cảnh có ít các cuộc họp về quyết định chính sách tiền tệ.
Cụ thể, tháng 4 đã chứng kiến 2 đợt tăng lãi suất trong 5 cuộc họp của các ngân hàng trung ương lớn giám sát 10 loại tiền tệ được giao dịch nhiều nhất trên thế giới. Các nhà hoạch định chính sách ở New Zealand và Thụy Điển đã đưa ra tổng cộng mức tăng lãi suất 100 điểm cơ bản, trong khi Nhật Bản, Úc và Canada không thay đổi lãi suất. Trong khi đó, vào tháng 3 ghi nhận 6 lần tăng lãi suất trong 8 cuộc họp của 10 ngân hàng trung ương lớn.
Omar Slim, đồng trưởng bộ phận thu nhập cố định châu Á ngoài Nhật Bản tại PineBridge Investments cho biết: “Chúng ta sắp kết thúc chu kỳ tăng lãi suất trên toàn cầu, chúng ta đang ở điểm uốn”.
Tuy nhiên, trong khi chu kỳ thắt chặt thị trường phát triển đang ở giai đoạn cuối cùng, các nhà hoạch định chính sách vẫn gặp một số khó khăn trong tháng 5 với việc ngân hàng trung ương Úc gây bất ngờ cho thị trường với mức lãi suất vào thứ Ba (2/5) và các nhà hoạch định chính sách tại Cục Dự trữ Liên bang (Fed) đã tăng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản tại cuộc họp thứ Tư (3/5). Ngân hàng Trung ương châu Âu dự kiến có thể tiếp tục tăng lãi suất trong cuộc họp chính sách ngày thứ Năm (4/5).
Tại các thị trường mới nổi, các dấu hiệu tiếp theo về sự chậm lại trong việc thúc đẩy tăng lãi suất đã trở nên rõ ràng hơn.
Cụ thể, 11 trong số 18 ngân hàng trung ương trong mẫu của Reuters về các nền kinh tế đang phát triển đã họp để quyết định lãi suất, nhưng chỉ có các nhà hoạch định chính sách ở Israel và Colombia tăng tổng cộng 50 điểm cơ bản. Trong khi đó, Trung Quốc, Indonesia, Ấn Độ, Hàn Quốc, Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, Hungary, Ba Lan và Chile đều quyết định giữ nguyên lãi suất trong cuộc họp tháng 4.
Trước đó, 14 ngân hàng trung ương ở các nền kinh tế đang phát triển đã họp vào tháng 3 với 5 lần tăng lãi suất tổng cộng 150 điểm cơ bản.
Trong một dấu hiệu cho thấy các thị trường mới nổi có thể xoay trục cắt giảm lãi suất, ngân hàng trung ương của Uruguay - vốn không nằm trong mẫu của Reuters - đã cắt giảm lãi suất 25 điểm cơ bản vào tuần trước, trở thành ngân hàng đầu tiên giảm lãi suất ở các nền kinh tế mới nổi.
Nicholas Farr, nhà kinh tế châu Âu tại Capital Economics cho biết, các ngân hàng trung ương trên khắp Trung Âu và Đông Âu đã đưa ra những dấu hiệu chắc chắn hơn trong những ngày gần đây rằng với lạm phát đang giảm hiện nay, việc nới lỏng tiền tệ có thể sớm được thực hiện.
"Nhưng rõ ràng vẫn có những lo ngại lớn về lạm phát sẽ chậm quay trở lại mục tiêu của các ngân hàng trung ương và chúng tôi nghĩ rằng, lãi suất sẽ bị cắt giảm ít hơn so với hầu hết các nhà phân tích mong đợi trong vài năm tới”, ông cho biết.