Đạ Tẻh: Chủ động nâng cấp hệ thống thủy lợi, tích nước phục vụ sản xuất

Trong những năm qua, hệ thống thủy lợi trên địa bàn huyện Đạ Tẻh luôn được tỉnh quan tâm đầu tư, nâng cấp; đồng thời, địa phương đã chủ động xây dựng các phương án cải tạo, nâng cấp hệ thống thủy lợi trên địa bàn để tăng cường công tác tích nước, nâng cao hiệu quả phục vụ nhu cầu sản xuất nông nghiệp trên địa bàn.

Các địa phương thực hiện nạo vét kênh mương nội đồng thuộc địa bàn quản lý đảm bảo phục vụ sản xuất

Các địa phương thực hiện nạo vét kênh mương nội đồng thuộc địa bàn quản lý đảm bảo phục vụ sản xuất

Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đạ Tẻh, trên địa bàn huyện hiện có 10 công trình thủy lợi đang hoạt động; trong đó, có 8 hồ chứa, 1 đập dâng, 1 trạm bơm, với tổng công suất tưới thiết kế 3.691 ha đất sản xuất nông nghiệp. Ngoài ra, thực hiện đề án hỗ trợ phát triển thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng và tưới tiên tiến, tiết kiệm nước trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đến năm 2025, huyện Đạ Tẻh đã hỗ trợ đầu tư từ năm 2016 đến năm 2024 được khoảng 314 ao, hồ nhỏ, trữ nước tưới cho khoảng 1.193 ha đất trồng cây công nghiệp và cây ăn trái trên địa bàn huyện.

Trong năm 2024, tình hình thời tiết, thủy văn trên địa bàn huyện tương đối thuận lợi; công tác chỉ đạo sản xuất đồng trà, đồng vụ, chuyển đổi diện tích lúa sang trồng bắp và tăng cường điều tiết nước tưới phục vụ sản xuất của các đơn vị quản lý khai thác tốt, các công trình thủy lợi trên địa bàn huyện đã phát huy tốt hiệu quả phục vụ cho sản xuất năm 2024. Cụ thể, vụ sản xuất Đông Xuân 2023-2024, tổng diện tích cây trồng được tưới từ các công trình thủy lợi khoảng 3.264 ha, đạt khoảng 82% tổng công suất thiết kế; trong đó, diện tích tưới lúa, bắp, rau màu 1.420 ha, rau màu, cây trồng các loại khác 1.844 ha. Còn vụ Hè Thu năm 2024, tổng diện tích cây trồng được tưới từ các công trình thủy lợi khoảng 3.520 ha, riêng phục vụ tưới lúa được khoảng 1.315 ha.

Ông Nguyễn Hoàng Minh - Phó Chủ tịch UBND huyện Đạ Tẻh cho biết, thời gian qua, công các quản lý các công trình thủy lợi trên địa bàn đều được các đơn vị quản lý vận hành an toàn; công tác duy tu, sửa chữa đều được thực hiện thường xuyên; tình trạng vi phạm an toàn các công trình thủy lợi giảm. Hiện nay, toàn bộ các hồ chứa trên địa bàn huyện đã tích đủ nước để chuẩn bị phục vụ cho sản xuất Đông Xuân năm 2024-2025 và cả năm 2025. Cụ thể, mực nước các hồ chứa thủy lợi tính đến ngày 10/10/2024 có 9/9 hồ chứa đã tích đủ nước đến mực nước thiết kế, riêng công trình hồ chứa nước Đạ Lây chưa có kênh để khai thác.

Trong đó, để thực hiện công tác bảo vệ đảm bảo an toàn công trình thủy lợi, UBND huyện Đạ Tẻh đã ban hành Quyết định 1183 về việc ban hành phương án ứng phó thiên tai theo các cấp độ rủi ro thiên tai trên địa bàn huyện Đạ Tẻh. Đồng thời, ban hành Kế hoạch số 121 về thực hiện phòng, chống thiên tai huyện Đạ Tẻh năm 2024.

Trong các phương án, kế hoạch đã ban hành, UBND huyện đã chỉ đạo các đơn vị khai thác các công trình thủy lợi đảm bảo an toàn hồ chứa, bảo vệ các tuyến kênh mương. UBND huyện thường xuyên đôn đốc các đơn vị kiểm tra xử lý nghiêm các hành vi vi phạm các công trình thủy lợi. Trong đó, trước, trong và sau mùa mưa bão UBND huyện chỉ đạo kiểm tra hiện trạng các công trình thủy lợi để thực hiện sửa chữa kịp thời các hư hỏng công trình. Bên cạnh đó, để nâng cao hiệu quả hoạt động của công trình thủy lợi, hàng năm UBND huyện ban hành kế hoạch sản xuất. Trong đó, quy định lịch thời vụ, lịch điều tiết nước tưới; ban hành kế hoạch phòng, chống hạn trên địa bàn huyện; bố trí ngân sách để duy tu, sửa chữa các công trình thủy lợi trên địa bàn huyện.

Trong thời gian tới, để chủ động nâng cấp hệ thống thủy lợi, tích nước phục vụ sản xuất, UBND huyện Đạ Tẻh chỉ đạo Trạm Quản lý và Khai thác thủy lợi, Ban Quản lý Dự án Đầu tư xây dựng và Công trình công cộng huyện thường xuyên kiểm tra, rà soát, sửa chữa, nạo vét, khơi thông các tuyến kênh thuộc phạm vi quản lý, đảm bảo phát huy tốt năng lực tưới, tiêu theo thiết kế của công trình. Khẩn trương sửa chữa hoặc lắp đặt bổ sung các van cửa phai điều tiết nước trên các tuyến kênh mương; không để xảy ra tình trạng người dân tự điều chỉnh các phai điều tiết nước gây ảnh hưởng đến việc điều tiết nước trên các khu vực sản xuất. Kịp thời điều chỉnh lưu lượng cấp nước tại các kênh chính và kênh Đông, kênh Nam phù hợp với tình hình thời tiết, tránh gây ngập úng cục bộ khi mưa lớn. Trong thời gian cắt nước theo lịch, nhưng nếu vì yêu cầu cấp bách trong công tác phòng, chống hạn nhằm giảm thiểu thiệt hại trong sản xuất, thì phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để thống nhất mở nước phục vụ sản xuất.

Ngoài ra, UBND các xã, thị trấn căn cứ vào kế hoạch của UBND huyện và điều kiện thực tế của địa phương để xây dựng kế hoạch sản xuất lúa và chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mùa vụ năm 2024. Đồng thời, huy động Nhân dân nạo vét kênh mương nội đồng thuộc địa bàn quản lý đảm bảo phục vụ sản xuất. Thông báo trên trạm phát thanh và niêm yết lịch thời vụ, lịch cấp nước, cắt nước tại hội trường thôn, tổ dân phố để nông dân biết, thực hiện. Phát hiện kịp thời và xử lý trường hợp vi phạm về công tác quản lý và điều tiết nước tưới, đặc biệt là các hành vi vứt rác thải vào kênh tưới, kênh tiêu gây ách tắc dòng chảy và ô nhiễm nguồn nước.

HOÀNG SA

Nguồn Lâm Đồng: https://baolamdong.vn/kinh-te/202410/da-teh-chu-dong-nang-cap-he-thong-thuy-loi-tich-nuoc-phuc-vu-san-xuat-3031a0b/