Đạ Tẻh: ''Đánh thức'' tiềm năng, phát triển du lịch
Không chỉ có thế mạnh về sản xuất nông nghiệp, huyện Đạ Tẻh còn có tiềm năng để phát triển du lịch. Trong những năm trở lại đây, cấp ủy, chính quyền huyện Đạ Tẻh đã đẩy mạnh thu hút đầu tư, khơi dậy các nguồn lực để đánh thức tiềm năng này của địa phương.
HÀNH TRÌNH TÌM VỀ CHỐN HOANG DÃ
Đạ Tẻh là một huyện phía Nam của tỉnh Lâm Đồng, là huyện trên vùng tiếp giáp giữa cao nguyên Bảo Lộc - Di Linh và vùng Đông Nam Bộ. Nơi đây được thiên nhiên ban tặng với nhiều cảnh quan đẹp, đầy tiềm năng du lịch với vẻ thiên nhiên hoang sơ, thơ mộng, rất phù hợp cho các dịch vụ du lịch và nghỉ dưỡng.
Nằm cách trung tâm huyện 10 km, hồ Đạ Tẻh hiện ra trong màu xanh bao trùm của rừng nhiệt đới nguyên sinh và dãy núi Con Ó hùng vĩ trập trùng. Đây cũng là hồ thủy lợi lớn nhất tỉnh Lâm Đồng và cũng là khu bảo tồn thiên nhiên với hệ sinh thái rừng nhiệt đới đa dạng và phong phú về các loài động, thực vật. Với diện tích hơn 100 ha, hồ Đạ Tẻh sở hữu một vùng sinh thái tuyệt đẹp với làn nước trong xanh, một không gian rộng lớn với mây nước và núi. Du lịch trên hồ cũng đem lại cho du khách những cảm giác phiêu lưu, hào hứng và những ngỡ ngàng với hệ sinh thái nơi đây.
Đến với Đạ Tẻh, du khách sẽ được lần lượt tham quan các cảnh đẹp thiên nhiên của vùng đất bình yên này. Nổi bật nhất là thác Xuân Đài (xã Đạ Pal), thác Đakala (xã Triệu Hải), thác 21 (xã Đạ Pal) và hồ Đạ Hàm (xã An Nhơn). Trong đó, thác Đakala đang được các đơn vị quy hoạch và đầu tư để thu hút khách du lịch trong tương lai.
Nằm cách trung tâm huyện Đạ Tẻh chừng 7 km, thác Đakala có độ cao khoảng 70 m nếu tính từ đỉnh thác, buông dòng chảy trắng xóa, nổi bật giữa nền cây rừng xanh tươi. Thác Đakala có 6 - 7 tầng, độ dốc lớn, các tầng đá gấp, khoảng cách giữa các tầng không quá dài hay quá rộng, cũng góp phần tạo sự khác biệt cho thác với đặc điểm của các điểm tham quan Đà Lạt - Lâm Đồng đã được biết đến rộng rãi như thác Prenn, thác Datanla,…
Vì là điểm đến mới, thác Đakala còn khá hoang sơ, không gian xung quanh thác rất sạch và trong lành. Đường vào thác khá yên bình, là con đường mòn với hai bên đường còn cỏ cây lơ thơ an nhiên trong gió. Ngay từ vị trí này, du khách đã có thể nghe rất rõ tiếng thác chảy mạnh mẽ, bởi lưu lượng nước chảy xuống khá lớn. Nếu dòng chảy của thác rất mạnh, thì nơi chân thác lại như mang vẻ trái ngược vì khá yên bình. Dòng nước xuống đến chân thác thì nhẹ nhàng len lỏi qua các hòn đá lớn nhỏ, xuôi dòng chảy lúc đục phù sa lúc trong veo. Cứ thế dòng chảy lan tỏa và kéo dài, thành con suối đoạn sâu, đoạn nông. Ở khu vực chân thác, không gian thoáng đãng và rộng, đủ để du khách đứng ngắm, chụp hình và nghỉ chân, vui chơi.
Đặc biệt, hiện nay, UBND huyện Đạ Tẻh cùng các đơn vị liên quan đã thống nhất thỏa thuận vị trí tổ chức hoạt động bay dù lượn trên địa bàn xã Mỹ Đức của Công ty Cổ phần Thương mại Du lịch miền Nam. Ngay lập tức, loại hình du lịch mạo hiểm mới mẻ này đã thu hút sự quan tâm, tham gia rất lớn của du khách yêu thích thể thao mạo hiểm.
Bạn Phạm Ngọc Thịnh (sinh năm 1995), người đã có hơn 5 năm bay dù lượn và từng tham gia nhiều sự kiện bay dù quốc tế, hiện đang là huấn luyện viên dù lượn chia sẻ, Lâm Đồng là một trong số ít tỉnh, thành ở phía Nam có địa hình bay thuận lợi, với nhiều dãy núi có điểm cất cánh tốt, khí hậu ổn định. Trong đó, đỉnh bay tại xã Mỹ Đức có chiều cao 600 m so với mực nước biển, độ cao này vừa đủ an toàn, vừa đủ để bạn ngắm cảnh ngoại ô mãn nhãn nơi cao nguyên với phong cảnh đẹp hiếm thấy. Đặc biệt, điểm bay dù lượn Đạ Tẻh có đường đi thuận lợi, nhất là du khách từ trung tâm TP Hồ Chí Minh chỉ cần thời gian di chuyển khoảng 4 tiếng là đã đến được điểm bay.
KHAI THÁC TIỀM NĂNG - KẾT NỐI DU LỊCH
Nhận thấy rõ tiềm năng, thế mạnh về phát triển du lịch, những năm gần đây, cấp ủy, chính quyền huyện Đạ Tẻh đã có những động thái tích cực trong chỉ đạo tuyên truyền quảng bá, thu hút đầu tư, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư đến huyện khảo sát và tìm cơ hội đầu tư để phát triển du lịch trên địa bàn.
Ông Nguyễn Hoàng Minh - Phó Chủ tịch UBND huyện Đạ Tẻh cho biết, hiện nay, huyện Đạ Tẻh đã xây dựng Chương trình hành động nhằm phát triển du lịch. Trong đó, đẩy mạnh kêu gọi đầu tư tại hồ Đạ Tẻh, thác Đakala và hồ Đạ Hàm; kêu gọi đầu tư xây dựng các điểm dừng chân tại các thắng cảnh hiện có, đẩy nhanh xây dựng một số công trình thiết yếu phục vụ khách tham quan và phục vụ nhu cầu vui chơi giải trí của Nhân dân trong huyện.
Đồng thời, huy động các nguồn lực, các thành phần kinh tế, các loại hình sản xuất, kinh doanh trong huyện nhằm tạo bước phát triển mới cho du lịch địa phương. Đầu tư điểm du lịch; xây dựng các khu vui chơi giải trí, hệ thống cơ sở lưu trú và cơ sở hạ tầng phục vụ nhiệm vụ phát triển du lịch; tiếp tục khảo sát hồ Đạ Hàm, hồ Đạ Lây, thác 21, thác Xuân Đài để kêu gọi đầu tư.
Mặt khác, huyện sẽ bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa các dân tộc gắn kết với các hoạt động du lịch. Ưu tiên phát triển du lịch sinh thái gắn với tham quan, văn hóa; du lịch thể thao mạo hiểm; du lịch cộng đồng. Thực hiện liên kết với huyện Đạ Huoai và Cát Tiên tạo thành các tour du lịch.
Bên cạnh đó, huyện Đạ Tẻh cũng xây dựng chương trình, kế hoạch quảng bá, xúc tiến du lịch huyện Đạ Tẻh cụ thể, phù hợp và chỉ đạo triển khai thực hiện hiệu quả. Trong đó, tận dụng và phát huy hiệu quả những mặt tích cực của hệ thống thông tin hiện đại để quảng bá, giới thiệu con người, cảnh quan thiên nhiên, bản sắc văn hóa huyện Đạ Tẻh đến với bạn bè, du khách trong và ngoài tỉnh thông qua việc xây dựng các tin, bài, phóng sự về các mô hình du lịch của địa phương, các hoạt động văn hóa, thể thao, các lễ hội truyền thống hàng năm. Phối hợp chặt chẽ với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Trung tâm Xúc tiến đầu tư, Thương mại và Du lịch Lâm Đồng; các cơ quan thông tấn, báo chí Trung ương và địa phương để làm tốt công tác thông tin tuyên truyền, giới thiệu về thành tựu và tiềm năng du lịch của Đạ Tẻh. Khuyến khích các tổ chức, cá nhân tổ chức các hoạt động kết nối với các công ty lữ hành để đưa du khách đến với Đạ Tẻh.