Đã tới lúc Việt Nam cần phát triển tiền kỹ thuật số quốc gia
Với nhiều quốc gia trên thế giới, tiền kỹ thuật số của Ngân hàng Trung ương (CBDC) đã không còn là khái niệm mới bởi tính thuận tiện, đặc biệt là trong bối cảnh số hóa toàn cầu. Tuy nhiên ở Việt Nam, loại hình tiền số này vẫn đang dừng ở quá trình nghiên cứu.
Nhiều quốc gia châu Á vận hành CBDC
Thống kê từ Công ty kiểm toán PwC, tính tới tháng 4/2022, hiện có hơn 60 ngân hàng trung ương trên toàn cầu đang cân nhắc phát hành tiền kỹ thuật số. Theo đánh giá, tiềm năng phát triển của CBDC tập trung ở các quốc gia đang phát triển bởi dân số trẻ và nền kinh tế năng động hơn so với các quốc gia phát triển.
Điển hình cho trường hợp này là Trung Quốc, Hàn Quốc và Campuchia, những nơi đang phát triển CBDC mạnh mẽ.
Được biết, từ năm 2014, Trung Quốc đã nghiên cứu tiền số quốc gia có tên e-CNY và thí điểm ra thị trường tháng 4/2020 nhằm tăng cường sự hiện diện của đồng tiền số ở mọi mặt đời sống. Tính tới tháng 10/2021, số lượng giao dịch bằng đồng tiền kỹ thuật nói trên này đã đạt 150 triệu lượt với tổng giá trị gần 10 tỉ USD. Với việc chính thức vận hành từ tháng 2/2022, hoạt động thanh toán bằng e-CNY cũng đang trở nên phổ biến tại các siêu thị, cửa hàng bán lẻ.
Còn tại Hàn Quốc, vào tháng 1/2022, Ngân hàng Trung ương nước này cho biết đã thành công 1 trong 2 giai đoạn đầu tiên của bài kiểm tra thử nghiệm về tính khả thi của CBDC. Theo đó CBDC đã hoạt động bình thường trong môi trường dựa trên điện toán đám mây.
Dự kiến giai đoạn thứ 2 sẽ được hoàn thành vào cuối tháng 6 tới. Sau giai đoạn này CBDC sẽ được lên kế hoạch hoạt động chính thức và ứng dụng công nghệ mới trong việc tăng cường bảo vệ quyền riêng tư.
Về phía Campuchia, đây là một trong số những quốc gia đầu tiên trên thế giới đưa CBDC vào vận hành chính thức. Ngân hàng nước này đã bắt đầu nghiên cứu tiền kỹ thuật số từ 2018 thúc đẩy giao dịch tiền Riel, giảm bớt tình trạng Đô la hóa tại nước này cũng như tận dụng việc luân chuyển tiền số trên các thiết bị điện thoại di động của người dân.
Các quốc gia như Hongkong, Thái Lan, Singapore và Nhật Bản cũng đang tạo lập một nhóm hợp tác với nhau. Trong đó các quốc gia thành viên được hỗ trợ tăng cường khả năng vận hành loại hình tiền số giữa các ngân hàng đa quốc gia, đồng thời thử nghiệm việc thúc đẩy thanh toán và chuyển tiền xuyên biên giới.
Theo kế hoạch, dự kiến trong nửa đầu năm nay, Liên minh châu Âu (EU) sẽ công bố kết quả về việc sử dụng CBDC cho thanh toán quốc tế. Và tới tháng 10/2023, EU sẽ có kết luận về dự án đồng EUR kỹ thuật số.
Theo đánh giá của nhiều tổ chức tài chính trên thế giới, CBDC có lợi điểm là cho phép các bên tham gia vượt qua những khó khăn gặp phải do giao dịch thông qua các bên trung gian, cải thiện hiệu quả và sự an toàn của hệ thống thanh toán mà không cần đi qua tổ chức bù trừ, cho phép thanh toán theo thời gian thực. Đồng thời đây cũng là cách thức hiệu quả nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tránh gian lận và rửa tiền, trốn thuế, từ đó thúc đẩy tài chính toàn diện.
Dư địa tiềm năng phát triển CBDC
Theo thống kê, Việt Nam hiện đang là một trong số những quốc gia có số người đã sử dụng hoặc sở hữu tiền mã hóa nhiều nhất thế giới. Điều này cho thấy, nhu cầu của thị trường đối với việc sở hữu, giao dịch tiền kỹ thuật số, tiền ảo tại Việt Nam là khá cao.
Bên cạnh đó, với thế mạnh là dân số trẻ cùng mức độ phủ sóng Internet cao, và sự phổ biến của các thiết bị di động đang là những tiền đề vững chắc thúc đẩy CBDC phát triển trong thời gian tới. Từ đó, thúc đẩy hơn nữa nền tài chính toàn diện và nền kinh tế số.
Tuy nhiên, ở Việt Nam mọi thứ về CBDC đều vẫn đang ở giai đoạn nghiên cứu và chờ đợi các hành lang pháp lý phù hợp.
Mặc dù việc xây dựng khung pháp lý tiền ảo, tiền điện tử lần đầu được nhắc đến tại Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt đề án hoàn thiện khung pháp lý để quản lý, xử lý đối với các loại tài sản ảo, tiền điện tử, tiền ảo vào tháng 8/2017, nhưng cũng từ đó đến nay, vẫn không có thêm bất kỳ mọi hướng dẫn pháp lý có liên quan nào.
Phải tới tháng 6/2021, Thủ tướng Chính phủ mới giao Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu, xây dựng và thí điểm tiền ảo dựa trên công nghệ chuỗi khối Blockchain giai đoạn 2021-2023. Cũng trong thời gian đó, Tổ nghiên cứu về tài sản ảo, tiền ảo tại Bộ Tài chính đã được thành lập, nghiên cứu về tài sản ảo, tiền ảo cũng như kinh nghiệm quốc tế trong hoạt động quản lý, giám sát liên quan.
Từ đó có thể thấy, mặc dù khởi động chậm hơn nhưng Việt Nam đã có những chủ trương, quyết tâm nhất định trong việc thúc đẩy ứng dụng blockchain và tiền ảo, tiền kỹ thuật số tại Việt Nam. Đây cũng chính là tiền đề cho việc xây dựng CBDC tại Việt Nam.
Theo chuyên gia Phạm Thị Thái Hà, từ thực tế, có thể thấy sự phát triển của các loại tiền điện tử, kĩ thuật số như Bitcoin đã chỉ ra đây là xu hướng thanh toán tất yếu của kỷ nguyên số. Do đó, cần sớm nghiên cứu, ban hành khung pháp lý, cho phép giao dịch, sở hữu tài sản kỹ thuật số, tài sản ảo. Trên cơ sở đó, xây dựng khung quản lý, giám sát tài sản kỹ thuật số, tiến tới giao dịch tài sản kỹ thuật số, cho phép giao dịch tiền kỹ thuật số trên sàn giao dịch hợp pháp.
Cùng với việc nghiên cứu triển khai CBDC này, Việt Nam sẽ phải tính đến nhiều khía cạnh khi thiết kế CBDC. Bên cạnh các yếu tố liên quan đến hạ tầng, công nghệ, cho phép CBDC được chuyển nhượng và sử dụng làm công cụ thanh toán, cần tính tới tác động đối với việc ra quyết định của ngân hàng trung ương liên quan đến chính sách tiền tệ…, chuyên gia chia sẻ thêm.
Việt Nam cần đẩy nhanh quá trình nghiên cứu, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý CBDC, tận dụng thế mạnh của công nghệ làm nền tảng kích hoạt sử dụng loại tiền này. Đồng thời, nên có các chính sách nâng cao cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin; tổ chức đào tạo, nâng cao năng lực đội ngũ chuyên gia tài chính, chuyên gia mã hóa và bảo mật; nâng cao nhận thức của người dân về kiến thức về CBDC, chuyên gia đưa ra lời khuyên.
Về góc độ tài chính, chuyên gia Định Trọng Thịnh đánh giá, bản chất CBDC vẫn là một loại đồng tiền của Việt Nam và được phát hành và lưu thông trên không gian số. Nó khác với các đồng tiền ảo đang xuất hiện trên thị trường hiện nay. Giá trị của tiền điện tử này sẽ do Chính phủ điều chỉnh và quyết định chứ không phụ thuộc vào biến động thị trường như các đồng tiền ảo.
Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/da-toi-luc-viet-nam-can-phat-trien-tien-ky-thuat-so-quoc-gia.html