Đã xác định được danh tính toàn bộ 14 nạn nhân tử vong trong vụ cháy ở Hà Nội
Hiện tại, theo thống kê các nguồn tiền hỗ trợ (ngân sách thành phố, ngân sách quận, nguồn vận động các tổ chức, cá nhân), mỗi gia đình có người tử vong đã được hỗ trợ 75 triệu đồng, mỗi người bị thương được hỗ trợ 43 triệu đồng.
Sáng 25/5, tin từ Ủy ban nhân dân quận Cầu Giấy (Hà Nội), cơ quan chức năng đã xác định được danh tính và nhận diện được toàn bộ 14 nạn nhân tử vong trong vụ cháy nhà trọ tại địa chỉ số 1, hẻm 31, ngách 98, ngõ 43 phố Trung Kính, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, vào rạng sáng 24/5.
14 nạn nhân tử vong gồm:
1. Anh V.V.D. (Sinh năm 1998, quê Hải Dương);
2. Chị N.T.T.H. (Sinh năm 2001, quê Bắc Ninh), vợ anh V.V.D.;
3. Anh T.Q.K. (Sinh năm 1998), quê Hưng Yên;
4. N.X.K. (Sinh năm 2001), quê Hưng Yên;
5. Chị N.T.M. (Sinh năm 1995), quê Thái Bình;
6. Bà N.T.T. (Sinh năm 1960), chủ nhà trọ;
7. Anh N.K.H. (Sinh năm 1982), con trai bà T.;
8. Anh N.M.X.H. (Sinh năm 1997), quê Hà Tĩnh;
9. Chị P.T.T.H. (Sinh năm 1997), vợ anh N.M.X.H., quê Hà Tĩnh;
10. Chị V.T.L. (Sinh năm 1999), quê huyện Thạch Thất, Hà Nội (đã được gia đình làm thủ tục đưa về nhà);
11. Chị N.T.K.O. (Sinh năm 1996), quê huyện Thạch Thất, Hà Nội (đã được gia đình làm thủ tục đưa về nhà).
12. Anh M.N.T. (Sinh năm 1987, quê Bắc Kạn);
13. Anh L.T.T. (Sinh năm 2000, quê Hưng Yên);
14. Anh V.N.L. (Sinh năm 2000, quê Lào Cai).
Sau khi vụ cháy xảy ra, các đơn vị liên quan đã phối hợp Ủy ban nhân dân quận Cầu Giấy tổ chức thăm hỏi, động viên các gia đình nạn nhân.
Hiện tại, theo thống kê các nguồn tiền hỗ trợ (ngân sách thành phố, ngân sách quận, nguồn vận động các tổ chức, cá nhân), mỗi gia đình có người tử vong đã được hỗ trợ 75 triệu đồng, mỗi người bị thương được hỗ trợ 43 triệu đồng.
Trước đó lúc 0 giờ 46 phút ngày 24/5, Tổng đài 114 - Trung tâm Thông tin chỉ huy Công an thành phố Hà Nội nhận được tin báo cháy nhà dân tại địa chỉ số 1, hẻm 31, ngách 98, ngõ 43 phố Trung Kính, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy.
Chỉ ít phút sau, các đơn vị đã tiếp cận hiện trường, triển khai chữa cháy, ngăn cháy lan cùng các mũi trinh sát tìm kiếm, cứu người bị nạn. Thời điểm này đám cháy đã phát triển mạnh thiêu rụi nhiều xe máy, xe đạp điện, xe đạp tại khu vực sân, khói và khí độc bao trùm toàn bộ khu vực cháy.
Đến 1 giờ 26 phút, đám cháy được dập tắt hoàn toàn. Qua tìm kiếm, các lực lượng phát hiện 14 người tử vong, 6 người bị thương.
Bộ Công an hướng dẫn cách xác định lối thoát hiểm khi xảy ra cháy
Sau vụ cháy xảy ra tại địa chỉ số 1, hẻm 31, ngách 98, ngõ 43 phố Trung Kính, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội vào rạng sáng 24/5, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng về người và tài sản, chiều cùng ngày, Bộ Công an có hướng dẫn một số cách để thoát nạn an toàn khi có cháy xảy ra đối với nhà độc lập, các nhà ở chung cư nhiều tầng, cao tầng.
Theo Bộ Công an, đối với nhà độc lập, liền kề, để thoát nạn an toàn khi xảy ra cháy, trước hết xác định được lối ra an toàn ra khỏi căn nhà đang cháy.
Thông thường, các lối thoát ra nơi an toàn ở các nhà độc lập hoặc liền kề bao gồm: Lối ra cửa chính của căn nhà; lối ra cầu thang thoát nạn ngoài nhà từ các tầng; lối ra ban công hoặc lôgia; lối lên trên sân thượng hoặc lối lên mái (tầng thượng) để thoát sang công trình liền kề. Ngoài ra, đối với các căn hộ độc lập thì lối thoát nạn an toàn là qua các cửa sổ, ban công khi có các thiết bị hỗ trợ như: thang, dây tự cứu hạ chậm...
Khi phát hiện ra đám cháy, mọi người cần chú ý một số vấn đề sau: Người phát hiện đám cháy đầu tiên cần nhanh chóng báo động để mọi người trong nhà biết và nhanh chóng thoát ra ngoài theo lối cửa chính của căn nhà nếu như lối này chưa bị lửa, khói bao trùm. Trong quá trình di chuyển cần bình tĩnh và thực hiện các biện pháp để tránh hít phải khói, khí độc hoặc bị lửa tạt gây bỏng hoặc cháy quần áo.
Trong trường hợp lối thoát qua cửa chính tại tầng 1 đã bị lửa, khói bao trùm thì bình tĩnh và cùng các thành viên trong gia đình suy tính, tìm lối thoát khác như: Di chuyển ra ngoài ban công và sử dụng các phương tiện như thang dây nếu có, hoặc trong trường hợp cấp thiết có thể sử dụng dây thừng hoặc các dây tự nối bằng các vật dụng như rèm, ga giường, quần, để thoát xuống dưới và ra nơi an toàn. Tuy nhiên, trước khi dùng dây để tụt xuống cần phải đảm bảo dây chắc chắn và dây phải buộc vào các cấu kiện vững chắc.
Di chuyển ra ban công hoặc qua cửa sổ và tìm cách thoát qua các nhà, công trình lân cận. Di chuyển lên tầng thượng hoặc lên mái và thoát sang các công trình lân cận nếu có thể. Trong quá trình di chuyển cần sử dụng khăn, áo thấm ướt bịt vào mũi, miệng nhằm hạn chế hít phải khói, khí độc.
Theo Bộ Công an, đối với các nhà, công trình có lồng sắt bao bọc phía ngoài nhà, thì có thể thoát qua ô cửa trên các lồng sắt đó để sang các công trình liền kề.
Nếu trên các lồng sắt đó không có sẵn các cửa thoát hiểm thì hãy bình tĩnh tìm kiếm các vật dụng như búa, rìu hoặc các vật dụng khác nhằm bẻ gãy hoặc banh rộng các ô trên lồng sắt để mọi người có thể chui qua và sang công trình liền kề hoặc xuống nơi an toàn với sự hỗ trợ của những người xung quanh.
Tuyệt đối không chạy vào nhà vệ sinh để trốn tránh, bởi vì rất dễ bị ngạt khói và lửa thiêu khi đám cháy lan ra toàn bộ căn hộ. Trong một số tình huống cấp thiết, để ngăn đám cháy từ các tầng dưới lan lên tầng trên, mọi người có thể xả nước từ nhà tắm để nước tràn ra sàn nhà và chảy xuống các tầng dưới, khi đó có thể ngăn đám cháy lan lên các tầng trên. Tuy nhiên, khi xả nước trong căn hộ cần lưu ý phải cắt cầu dao tổng để tránh bị điện giật do nước tràn làm chập các thiết bị điện.
Trong tất cả các trường hợp, khi phát hiện cháy phải nhanh chóng gọi điện báo cho lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ theo số 114 để kịp thời đến cứu nạn và dập tắt đám cháy.
Đối với căn hộ ở các chung cư nhiều tầng, cao tầng, Bộ Công an cũng hướng dẫn, các lối thoát nạn an toàn là các cầu thang bộ bên trong tòa nhà (lối vào buồng thang có cửa tự động đóng kín) hoặc các cầu thang bộ hở đặt phía ngoài tòa nhà (thường là cầu thang sắt).
Khi xảy ra sự cố cháy trong các công trình cao tầng, để thoát nạn an toàn, mọi người cần chú ý đến một số vấn đề sau: Trên hành lang của tòa nhà dẫn từ các căn hộ đến các lối thoát nạn thường có các biển chỉ dẫn, người bị nạn di chuyển theo hướng mũi tên chỉ dẫn để đến buồng thang thoát nạn.
Tại lối vào buồng thang (bên trong nhà) hoặc cầu thang hở (bên ngoài) sẽ có đèn chỉ dẫn ký hiệu “EXIT,” khi vào buồng thang mọi người sẽ di chuyển xuống dưới và ra nơi an toàn.
Để thoát nạn an toàn mọi người chỉ được dùng thang bộ, tuyệt đối không được dùng thang máy để thoát nạn, bởi vì hệ thống điện cung cấp cho thang máy có thể bị mất và thang sẽ dừng lại đột ngột ở vị trí bất kỳ, người bị nạn sẽ kẹt trong thang và có nguy cơ bị ngọn lửa tác động, hít phải khói, khí độc dẫn đến tử vong trong thời gian ngắn.
Trên đường di chuyển thoát nạn cần thông báo cho mọi người ở các căn hộ liền kề và nhấn nút báo cháy khẩn cấp để mọi người trong tòa nhà biết có sự cố cháy, kịp thời thoát nạn.
Trong quá trình thoát nạn mọi người hãy hỗ trợ lẫn nhau, đặc biệt chú ý giúp đỡ người già, trẻ em và phụ nữ đang mang thai. Tuyệt đối không được chen lấn, xô đẩy có thể dẫn đến chấn thương và nguy hiểm đến tính mạng nhiều người.
Trường hợp nếu cửa chính ra vào căn hộ và hành lang dẫn đến buồng thang thoát nạn đều bị khói lửa bao trùm, mọi người không thể thoát ra khỏi phòng, thì nhanh chóng đóng cửa và có các biện pháp ngăn khói, lửa lan truyền vào căn hộ.
Sử dụng điện thoại nhanh chóng gọi cho lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ theo số 114 để kịp thời đến cứu nạn; di chuyển ra vị trí cửa sổ, ban công hô to và dùng áo, khăn hoặc vật sáng màu để vẫy gọi mọi người biết vị trí mình đang bị nạn.
Trong tất cả các trường hợp tuyệt đối không vội vàng nhảy từ trên cao xuống dưới để thoát nạn khi chưa đảm bảo các điều kiện an toàn như đệm hơi hoặc một số phương tiện bảo hộ khác đã được lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ triển khai phía dưới.
Bộ Công an lưu ý: Biện pháp nhảy từ trên cao xuống để thoát nạn là giải pháp cuối cùng và chỉ thực hiện khi đã suy xét kỹ và thấy rằng không còn phương án thoát nạn nào khác.