Đã xác định được nguyên nhân cua Cà Mau chết hàng loạt

Nguyên nhân là do ký sinh trùng giáp xác chân tơ trưởng thành và ấu trùng của ký sinh trùng ký sinh trong xoang thân, xâm nhập vào mô cơ, gan, tim khiến cua chết hàng loạt.

Liên quan thông tin cua Cà Mau chết hàng loạt mà trước đó VOV đã đưa tin, ngày 25/3, Sở NN&PTNT Cà Mau có báo cáo về UBND tỉnh này kết quả xác minh nguyên nhân khiến cua chết bất thường.

Theo đó, cơ quan chức năng Cà Mau xác định nguyên nhân là do ký sinh trùng giáp xác chân tơ trưởng thành và ấu trùng của ký sinh trùng ký sinh trong xoang thân cua, xâm nhập vào mô cơ, gan, tim của cua.

Nguyên nhân cua nuôi ở Cà Mau chết là do ký sinh trùng giáp xác chân tơ.

Nguyên nhân cua nuôi ở Cà Mau chết là do ký sinh trùng giáp xác chân tơ.

Hiện Sở NN&PTNT Cà Mau đã phối hợp Phân viện nghiên cứu Thủy sản Nam Sông Hậu, tiến hành thu 24 mẫu cua thuộc các huyện Năm Căn, Ngọc Hiển, Đầm Dơi, Cái Nước và Thới Bình để kiểm tra, phân tích. Kết quả cho thấy, phần lớn cua nuôi của hộ dân có màu sắc tối, hoạt động chậm chạp, rũ chân và chết nhanh sau khi thu hoạch.

Qua giải phẫu, cua bị đen mang từ mức độ nhẹ đến nặng, cơ thịt nhão, một số cơ chuyển màu hồng nhạt… Sau khi phân tích tác nhân gây bệnh, Phân viện Nam Sông Hậu xác định: Ký sinh trùng giáp xác chân tơ trưởng thành và ấu trùng của ký sinh trùng ký sinh trong xoang thân cua, xâm nhập vào mô cơ, gan, tim của cua. Tỉ lệ cua nhiễm bệnh là 93,1%, mật độ nhiễm cao nhất là 17 ký sinh/1 mẫu cua.

Bên cạnh đó còn có 1 loại vi khuẩn (V. parahaemolyticus sp) là tác nhân cơ hội thứ 2 hiện diện trong môi trường nước nuôi và cả cơ, gan cua với mật độ khá cao. Đây cũng chính là tác nhân có nguy cơ gây bệnh cho cua nuôi và nguy cơ gây bệnh cho các đối tượng thủy sản nuôi cùng môi trường.

Theo nhận định của ngành chức năng Cà Mau, người dân địa phương nuôi cua thả quanh năm và không ngắt vụ nên mầm bệnh tích tụ trong môi trường nuôi, khi gặp điều kiện thuận lợi (thời tiết nắng nóng, thời điểm giao mùa) sẽ phát tán nhanh, gây thiệt hại lớn. Trong khi đó, hiện vẫn chưa có biện pháp phòng trị bệnh hiệu quả đối với ký sinh trùng giáp xác chân tơ ký sinh trên cua.

Từ đầu năm đến nay, hàng loạt hộ dân nuôi cua trên địa bàn các huyện Năm Căn, Ngọc Hiển, Đầm Dơi,... Riêng huyện Năm Căn đã có khoảng 13.000 ha trên tổng số hơn 24.000 ha cua nuôi chịu thiệt hại. Tình trạng này cũng diễn ra vào cùng kỳ năm 2021. UBND tỉnh Cà Mau đã chỉ đạo ngành chuyên môn địa phương vào cuộc tìm nguyên nhân./.

Trần Hiếu/VOV-ĐBSCL

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/da-xac-dinh-duoc-nguyen-nhan-cua-ca-mau-chet-hang-loat-post932988.vov