Đã xác định nguyên nhân vụ tai nạn đường sắt làm 2 người tử vong ở Đồng Nai
Thanh tra – An toàn III, Cục Đường sắt Việt Nam xác định vụ tai nạn đường sắt khiến 5 người thương vong tại Đồng Nai lỗi phần nhiều do người lái xe không tuân thủ biển báo và thiếu quan sát.
Sáng 29/7, Thanh tra – An toàn III (Cục đường Sắt Việt Nam) đã có báo cáo về vụ tai nạn trên tuyến đường sắt đoạn giao đường Phạm Văn Thuận (thuộc phường Tân Tiến, TP Biên Hòa, Đồng Nai) khiến hai người tử vong và ba người bị thương.
Theo Phòng Thanh tra - An toàn III, kiểm tra hiện trường cho thấy đèn và chuông tín hiệu tại đường ngang đều hoạt động bình thường. Biển báo được cắm đầy đủ tại các trục đường bộ chính vào đường ngang theo quy định, tuy nhiên vạch dừng trong phạm vi đến đường ngang có phần hơi mờ.
Tại vị trí hẻm 1334 khu phố 3, phường Tân Tiến, đường dân sinh đi thẳng vào đường ngang (ô tô bị tàu va chạm khi đi từ đường dân sinh) có biển "Chú ý tàu hỏa". Đường Phạm Văn Thuận giao cắt chéo với đường sắt, có 5 hướng lưu thông vào khu vực đường ngang. Khi đóng chắn đón tàu thì hở hai hướng phía phải lý trình đường sắt (hẻm 1334, lối đi từ đường dân sinh gom vào chắn).
Nguyên nhân ban đầu được xác định, lỗi lớn thuộc về tài xế ô tô bán tải do không tuân thủ theo biển báo và thiếu quan sát. Bên cạnh đó địa phương cũng có phần trách nhiệm do chưa quyết liệt xóa bỏ lối đi tự mở cắt qua đường sắt ở địa bàn.
Cục CSGT chỉ đạo "nóng"
Liên quan vụ tai nạn giao thông đường sắt tại Đồng Nai làm 2 người chết, 3 người bị thương, Cục CSGT (Bộ Công an) đã chỉ đạo lực lượng CSGT và đề nghị công an các địa phương đẩy mạnh kiểm tra, bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường sắt sau vụ tai nạn xảy ra ở Đồng Nai.
Cục CSGT yêu cầu các đơn vị xử lý nghiêm những hành vi không chấp hành quy định khi đi qua đường ngang, vi phạm hành lang an toàn giao thông đường sắt, rà soát các đường ngang dân sinh không đảm bảo an toàn và đề xuất giải pháp khắc phục.
Các hành vi là nguyên nhân gây tai nạn giao thông đường sắt bao gồm: lối đi tự mở, khu vực không có gác chắn, vị trí nguy hiểm như vượt qua đường ngang khi đèn đỏ bật sáng; không chấp hành hiệu lệnh, chỉ dẫn của biển báo hiệu, vạch kẻ đường khi qua đường ngang; dừng xe, đỗ xe, quay đầu xe trong phạm vi đường ngang; người đi bộ vi phạm khổ giới hạn đường sắt…
Đối với các vi phạm về bảo vệ kết cấu hạ tầng đường sắt, vi phạm hành lang an toàn giao thông đường sắt, Cục CSGT sẽ kiến nghị ngành đường sắt và chính quyền địa phương lắp đặt gác chắn, đèn tín hiệu… nhằm hạn chế tai nạn.