Đã xóa hơn 208 nghìn căn nhà tạm, nhà dột nát trên cả nước
Đến ngày 26/4, cả nước đã hỗ trợ xóa được 208,3 nghìn căn nhà tạm, nhà dột nát. Bộ Dân tộc và Tôn giáo đề nghị các địa phương rà soát nhu cầu, lưu ý một số nội dung về mức hỗ trợ, việc sử dụng kinh phí...
Tin từ Ban chỉ đạo Trung ương triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước (Ban chỉ đạo) cho biết, theo số liệu báo cáo của các địa phương trên phần mềm cập nhật đến ngày 26/4, cả nước đã hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát được 208.357 căn (gồm khánh thành 108.956 căn; khởi công, đang xây dựng 99.401 căn).
Trong đó, chương trình hỗ trợ nhà ở đối với người có công với cách mạng hỗ trợ xóa 25.356 căn (khánh thành 10.921 căn; khởi công, đang xây dựng 14.435 căn); hỗ trợ nhà ở thuộc 2 chương trình mục tiêu quốc gia 59.054 căn (khánh thành 39.224 căn; khởi công, đang xây dựng 19.810 căn); hỗ trợ nhà ở thuộc chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát là 123.947 căn (khánh thành 59.291 căn; khởi công, đang xây dựng 64.656 căn).
Thời điểm phát động phong trào xóa nhà tạm, nhà dột nát (tháng 10/2024), tổng số căn nhà tạm, nhà dột nát cần hỗ trợ xóa khoảng 315 nghìn căn, trong đó gần 153,9 nghìn căn của hộ nghèo, hộ cận nghèo.

Đến ngày 26/4, cả nước đã hỗ trợ xóa được 208.357 căn nhà tạm, nhà dột nát. Ảnh: TTXVN
Riêng trong tháng 4 này, có 3 địa phương tổ chức lễ công bố hoàn thành kế hoạch hưởng ứng phong trào thi đua chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn, gồm: Cần Thơ (24/4), Kiên Giang (25/4), Thái Nguyên (28/4).
Về thời gian hoàn thành chương trình, có 6 địa phương báo cáo không có nhà tạm, nhà dột nát khi phát động phong trào thi đua trên phạm vi cả nước; 3 địa phương đã hoàn thành gồm Bắc Ninh, Thái Nguyên, Cần Thơ; Kiên Giang đã hoàn thành xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo (đang thực hiện hỗ trợ nhà ở đối với người có công).
Có 4 địa phương đăng ký hoàn thành trong tháng 4, gồm: Khánh Hòa, Bình Phước, Tây Ninh, Vĩnh Long; 6 địa phương đăng ký hoàn thành trong tháng 5; 17 địa phương đăng ký hoàn thành trong tháng 6; 4 địa phương đăng ký hoàn thành trong tháng 7; còn 23 địa phương đăng ký hoàn thành từ tháng 8-10.
Mới đây, Bộ Dân tộc và Tôn giáo - cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo - có văn bản đề nghị Ban chỉ đạo cấp tỉnh, UBND cấp tỉnh rà soát nhu cầu xóa nhà tạm, nhà dột nát để làm căn cứ báo cáo Thủ tướng về phương án xử lý kinh phí từ nguồn tiết kiệm 5% chi thường xuyên năm 2024 và kinh phí huy động từ chương trình phát động; chuẩn bị nội dung để họp phiên thứ tư của Ban chỉ đạo.
Bộ Dân tộc và Tôn giáo đề nghị các địa phương quan tâm và lưu ý một số nội dung khi triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát, nhất là việc sử dụng kinh phí, mức hỗ trợ…