Đặc điểm chung của khoảng 50% bệnh nhân đột quỵ tại Việt Nam

Tại Việt Nam, mỗi năm có hơn 200.000 ca đột quỵ mới. Trong đó, 53,4% bệnh nhân có tiền sử uống rượu và 49,6% từng hút thuốc lá.

Thông tin trên được chia sẻ trong hội thảo "Phòng chống đột quỵ: Từ lý thuyết đến thực tế hành động" do Báo Tiền Phong tổ chức, diễn ra tại Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng sáng 20-4.

Tại hội thảo, TS-BS Nguyễn Tất Đạt, Khoa Nội tim mạch, Bệnh viện Chợ Rẫy, cho biết, tại Việt Nam, mỗi năm có hơn 200.000 ca đột quỵ mới. Trong đó, có đến 72,5% bệnh nhân gặp tình trạng tăng huyết áp; 64,9% rối loạn mỡ máu; 53,4% có tiền sử uống rượu và 49,6% từng hút thuốc lá.

Đột quỵ không phải căn bệnh "trời kêu ai nấy dạ", mà kiểm soát tốt các yếu tố nguy cơ có thể giảm 80% khả năng xảy ra đột quỵ.

 Hội thảo thu hút sự tham gia của các chuyên gia y tế - giáo dục và sinh viên, bạn đọc

Hội thảo thu hút sự tham gia của các chuyên gia y tế - giáo dục và sinh viên, bạn đọc

TS-BS Nguyễn Tất Đạt đề xuất chiến lược phòng ngừa đột quỵ, gồm: kiểm soát huyết áp, đường huyết, lipid máu, thay đổi lối sống lành mạnh (bỏ thuốc lá, hạn chế rượu bia, ăn uống khoa học, vận động hợp lý, ngủ đủ giấc), dự phòng bằng thuốc đúng chỉ định (aspirin, thuốc kháng đông) và nâng cao kiến thức thông qua tư vấn, giáo dục cộng đồng.

Theo PGS-TS-BS Nguyễn Huy Thắng, Chủ tịch Hội Đột quỵ TPHCM, Trưởng khoa Bệnh lý Mạch máu não (Bệnh viện Nhân dân 115), đột quỵ là bệnh lý hàng đầu gây ra tàn phế, là gánh nặng lớn cho sức khỏe cộng đồng và xã hội.

"Phòng ngừa đột quỵ tốt nhất là kiểm soát yếu tố nguy cơ, chứ không phải uống một viên thuốc có thể phòng hay điều trị suốt đời”, BS Nguyễn Huy Thắng cảnh báo.

Ông cũng cho rằng, việc tổ chức mạng lưới các đơn vị đột quỵ và quy trình cụ thể sẽ làm giảm tối đa hậu quả của đột quỵ. Thực tế, Bệnh viện Nhân dân 115 từng tiếp nhận một bé gái 14 tuổi đột quỵ nhưng khi đến viện đã chết não.

 PGS-TS-BS Nguyễn Huy Thắng, Chủ tịch Hội Đột quỵ TPHCM chia sẻ các thách thức trong điều trị đột quỵ.

PGS-TS-BS Nguyễn Huy Thắng, Chủ tịch Hội Đột quỵ TPHCM chia sẻ các thách thức trong điều trị đột quỵ.

Theo đó, nhà của bệnh nhân cách TPHCM 20km. Khi thấy cô bé bị đột ngột yếu liệt nửa người trái, gia đình đưa đến Trung tâm y tế cách nhà 2km. Cơ sở y tế này nghi ngờ đột quỵ nên chuyển bệnh nhân lên bệnh viện tỉnh, di chuyển thêm 5km.

Khi bệnh viện tỉnh chụp CT, chẩn đoán đột quỵ mới chuyển bé gái lên Bệnh viện Nhân dân 115 (TPHCM), quãng đường di chuyển 27km. Khi đến nơi, thời gian đã kéo dài 24 giờ, bệnh nhân chết não, các bác sĩ không thể can thiệp thêm.

“Tại sao chúng ta không đưa bệnh nhân đến trung tâm điều trị đột quỵ ngắn nhất?", BS Nguyễn Huy Thắng trăn trở.

Đây cũng là thực trạng đang diễn ra tại Việt Nam, khi 80% bệnh nhân được đưa đến cơ sở y tế chuyên khoa đột quỵ đã vượt quá thời gian vàng 4,5 giờ. Để thay đổi, đòi hỏi sự phối hợp và hỗ trợ của Bộ Y tế, Sở Y tế các địa phương.

Trong khi đó, TS-BS Nguyễn Tri Thức, Thứ trưởng Bộ Y tế kêu gọi cộng đồng không nên để nỗi sợ đột quỵ lấn át lý trí, không nên "ăn gì cũng sợ đột quỵ, đi đâu cũng lo bị đột quỵ". Điều quan trọng là hiểu đúng và biết rõ yếu tố nguy cơ, chủ động phòng ngừa thay vì sợ hãi mơ hồ.

Ông lưu ý, người dân cần biết đến và tiếp cận các cơ sở y tế uy tín trong phòng ngừa, tầm soát đột quỵ. Đồng thời, nhắc nhở các cơ sở y tế không lạm dụng các cận lâm sàng không cần thiết khi tầm soát nguy cơ đột quỵ cho người dân, giúp người dân tiết kiệm chi phí và hiểu biết đúng về tình trạng sức khỏe.

GIAO LINH

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/dac-diem-chung-cua-khoang-50-benh-nhan-dot-quy-tai-viet-nam-post791595.html