Phòng chống đột quỵ từ lý thuyết đến thực tế hành động
Ngày 20.4, Báo Tiền phong phối hợp Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng tổ chức hội thảo 'Phòng chống đột quỵ: Từ lý thuyết đến thực tế hành động'. Hội thảo có sự tham gia của nhiều chuyên gia trong lĩnh vực đột quỵ, tim mạch.

Quang cảnh buổi hội thảo
Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Tổng Biên tập Báo Tiền Phong Lê Minh Toản cho biết, đột quỵ đang trở thành mối đe dọa sức khỏe cộng đồng. Điều đáng lo ngại là căn bệnh này đang có xu hướng trẻ hóa.
Tuy nhiên, nhận thức cộng đồng về phòng ngừa bệnh đột quỵ còn hạn chế. Nhiều người chưa biết cách nhận diện dấu hiệu sớm, chưa chú trọng khám sức khỏe định kỳ hay duy trì lối sống lành mạnh. Điều này khiến việc cấp cứu và điều trị bệnh gặp khó khăn, dẫn đến nhiều trường hợp để lại di chứng nặng nề hoặc tử vong.

Phó Tổng Biên tập Báo Tiền Phong Lê Minh Toản phát biểu
"Hội thảo “Phòng chống đột quỵ: Từ lý thuyết đến thực tế hành động”, không chỉ là diễn đàn cập nhật kiến thức chuyên môn mà còn là cơ hội thúc đẩy kết nối giữa giới chuyên gia và người dân, hướng tới những giải pháp thực tiễn trong phòng, chống đột quỵ", Phó Tổng Biên tập Báo Tiền Phong Lê Minh Toản nhấn mạnh.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Tri Thức phát biểu
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Tri Thức cho biết bệnh đột quỵ nguy hiểm nhưng không nên sợ hãi đến mức ăn gì cũng sợ đột quỵ, đi đâu cũng lo bị đột quỵ. Điều quan trọng là hiểu đúng, biết rõ yếu tố nguy cơ để chủ động phòng ngừa thay vì sợ hãi mơ hồ.
Do đó, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Tri Thức đánh giá cao nội dung xuyên suốt của hội thảo, từ xây dựng mạng lưới phòng chống đột quỵ, công tác dự phòng trong cộng đồng, xử trí trong “thời gian vàng” cho đến các phương pháp điều trị chuyên sâu… Đây chính là chuỗi mắt xích quan trọng để kiểm soát căn bệnh được mệnh danh là “sát thủ thầm lặng”.

Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh Nguyễn Trọng Khoa phát biểu
Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh Nguyễn Trọng Khoa cho biết trên thế giới, trong các bệnh không lây nhiễm, đột quỵ vẫn là nguyên nhân gây tử vong đứng thứ hai. Từ năm 2021, toàn thế giới có 12,2 triệu ca đột quỵ mắc mới mỗi năm (tương đương cứ 3 giây có 1 ca mắc mới, cứ 4 người thì có 1 người bị đột quỵ)
Đột quỵ không còn là bệnh của người già, năm 2019 có 63% số ca đột quỵ xảy ra ở người dưới 70 tuổi và 16% xảy ra với những người dưới 50 tuổi. 89% số ca tử vong do đột quỵ và tàn tật trên toàn cầu cộng lại xảy ra ở các nước có thu nhập thấp đến trung bình.
Tại Việt Nam có khoảng 200.000 ca bệnh đột quỵ mắc mới mỗi năm, tỷ lệ người mắc đột quỵ là 415/100.000 người. Trên bản đồ đột quỵ thế giới, Việt Nam thuộc nhóm quốc gia có tỷ lệ đột quỵ cao nhất.

Các yếu tố nguy cơ hàng đầu gây đột quỵ trên thế giới là do hút thuốc lá, chế độ ăn uống không hợp lý, sử dụng đồ uống có cồn, ít hoạt động thể lực, ô nhiễm không khí, rối loạn chức năng thận…
"Cần đẩy mạnh can thiệp cộng đồng nhằm giảm yếu tố nguy cơ. Đồng thời, nâng cao năng lực chẩn đoán sớm, rút ngắn thời gian tiếp cận điều trị tiêu sợi huyết, can thiệp mạch. Đây là yếu tố quyết định sự sống còn cho người bệnh", Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh Nguyễn Trọng Khoa nhấn mạnh.