Đột quỵ: Không phải 'trời kêu ai nấy dạ'!
Có đến 90% bệnh nhân đột quỵ có yếu tố nguy cơ có thể kiểm soát, phòng ngừa từ sớm.
Tại hội thảo "Phòng chống đột quỵ: Từ lý thuyết đến thực tế hành động” do báo Tiền Phong tổ chức, PGS-TS-BS Nguyễn Huy Thắng, Chủ tịch Hội Đột quỵ TP.HCM, Trưởng khoa Bệnh lý mạch máu não Bệnh viện Nhân dân 115, cho rằng đột quỵ được xem là bệnh lý hàng đầu gây ra tàn phế.

PGS.TS.BS Nguyễn Huy Thắng, Chủ tịch Hội Đột quỵ TP.HCM, Trưởng khoa Bệnh lý Mạch máu não Bệnh viện Nhân dân 115, chia sẻ tại hội thảo. Ảnh: BTC
Có thể kiểm soát, phòng ngừa đột quỵ từ sớm
Theo thông tin tại hội thảo, mỗi năm Việt Nam có khoảng 200.000 ca đột quỵ mắc mới. Riêng tại Bệnh viện Nhân dân 115 tiếp nhận hơn 20.000 bệnh nhân đột quỵ mỗi năm, chiếm đến 10% con số ước tính toàn quốc.
Theo BS Thắng, thống kê của Hoa Kỳ cho thấy cứ 10 người mắc đột quỵ thì bảy người khó có thể quay lại làm việc như trước đây. Điều này tạo ra gánh nặng rất lớn đối với gia đình, xã hội.
"Đột quỵ không phải là căn bệnh "trời kêu ai nấy dạ". 90% các bệnh nhân đột quỵ đều có yếu tố nguy cơ. Do đó, tốt nhất là kiểm soát yếu tố nguy cơ, chứ không phải uống một viên thuốc có thể phòng ngừa đột quỵ suốt đời"- BS Nguyễn Huy Thắng chia sẻ.
BS Thắng kể: Bệnh viện Nhân dân 115 từng tiếp nhận một bé gái 14 tuổi, không có tiền sử bệnh, đột ngột yếu liệt nửa người trái. Nhà của bệnh nhân cách TP.HCM 20 km.
Ban đầu, bệnh nhân được đưa đến trung tâm y tế huyện cách nhà 2 km. Nghi ngờ đột quỵ nên được chuyển đến bệnh viện tỉnh, thêm khoảng cách di chuyển 5 km. Sau đó, bệnh viện tỉnh chụp CT, chẩn đoán đột quỵ mới chuyển đến Bệnh viện Nhân dân 115, quãng đường di chuyển 27 km.
“Khi tôi tiếp nhận, thời gian đã kéo dài 24 tiếng. Bệnh nhân đã chết não nên chúng tôi không thể làm gì thêm. Nếu bé gái được chuyển đến chúng tôi ngay từ đầu thì có thể đã khác. Tại sao chúng ta không đưa bệnh nhân đến trung tâm điều trị ngắn nhất. Thực trạng ở Việt Nam, 80% bệnh nhân khi được đưa đến cơ sở y tế chuyên khoa điều trị bệnh đột quỵ đã vượt quá thời gian vàng là 4-5 tiếng đồng hồ” - BS Thắng nói.
Theo BS Thắng, đẩy lùi gánh nặng đột quỵ là rất khó. Căn bệnh này là gánh nặng lớn đối với sức khỏe cộng đồng và xã hội. Việc tổ chức mạng lưới các đơn vị đột quỵ, đưa ra quy trình đi đâu, về đâu sẽ làm giảm tối đa hậu quả gây ra của bệnh đột quỵ. Từ đó, ông đề xuất có sự phối hợp, hỗ trợ của Bộ Y tế, sở y tế các địa phương để có thể giúp điều trị đột quỵ đạt hiệu quả tối đa.

Điều trị cho bệnh nhân đột quỵ tại Bệnh viện Nhân dân 115. Ảnh: BTC
Chiến lược phòng chống đột quỵ
Theo TS.BS Nguyễn Trọng Khoa, Phó cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh- Bộ Y tế, có nhiều nguyên nhân gây bệnh đột quỵ và các bệnh không lây nhiễm khác như tăng huyết áp, thừa cân, béo phì, hút thuốc lá, dinh dưỡng không hợp lý…
Cũng theo BS Khoa, năm 2021, toàn thế giới có 12,2 triệu ca bệnh đột quỵ mắc mới. Trung bình một ca mắc mới mỗi 3 giây, trong 4 người thì có một người bị đột quỵ.

TS.BS Nguyễn Trọng Khoa, Phó cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh- Bộ Y tế, chia sẻ tại hội thảo. Ảnh: BTC
Đột quỵ không còn là bệnh của người già. Năm 2019, 63% số ca đột quỵ xảy ra ở người dưới 70 tuổi và 16% xảy ra với những người dưới 50 tuổi. 89% số ca tử vong do đột quỵ và tàn tật trên toàn cầu cộng lại xảy ra ở các nước có thu nhập thấp đến trung bình.
BS Khoa nêu ra 10 yếu tố hàng đầu gây đột quỵ trên thế giới gồm hút thuốc lá, chế độ ăn uống không hợp lý, sử dụng đồ uống có cồn, ít hoạt động thể lực, ô nhiễm không khí, BMI cao, tăng cholesterol, tăng huyết áp tâm thu, đường huyết lúc đói cao, rối loạn chức năng thận…
Nhiều ý kiến tại hội thảo đều cho rằng chiến lược phòng chống đột quỵ phải đa ngành, tổng lực. Đầu tiên phải bắt đầu từ chiến lược trên toàn thể dân số như thiết lập cộng đồng lành mạnh, có nơi hoạt động thể lực, dinh dưỡng lành mạnh với giá phải chăng; giảm sử dụng thuốc lá, muối, đường, tiêu thụ cồn, chất béo chuyển hóa.
Ngoài ra cần giáo dục nâng cao nhận thức về đột quỵ và các yếu tố nguy cơ; giảm ô nhiễm không khí; hệ thống cung cấp dịch vụ, thuốc với giá phải chăng để người dân có thể tiếp cận; thực hiện bao phủ y tế toàn dân; cải thiện điều kiện kinh tế xã hội, giảm đói nghèo.
Thứ hai là chiến lược cá nhân như sàng lọc đơn giản về huyết áp tâm thu, hút thuốc lá, thừa cân, chẩn đoán, xác định người có bất cứ nguy cơ của đột quỵ, bệnh tim mạch. Quản lý các yếu tố nguy cơ tim mạch, đột quỵ như bắt đầu với thay đổi lối sống, điều trị các yếu tố nguy cơ.

Hội thảo “Phòng chống đột quỵ: Từ lý thuyết đến thực tế hành động” do báo Tiền Phong tổ chức. Ảnh: BTC
“Bị đột quỵ phải chăm sóc liên tục từ khi xuất hiện các dấu hiệu và triệu chứng, vận chuyển, xử trí cấp cứu, điều trị, phục hồi chức năng và tái hòa nhập cộng đồng. Các giai đoạn phải trải qua gồm nhận biết - đánh giá, chẩn đoán - can thiệp, phục hồi chức năng, tái hòa nhập và phòng ngừa, giáo dục” - BS Khoa nói.
Cân bằng nỗi sợ đột quỵ
"Cộng đồng không nên để “nỗi sợ đột quỵ” lấn át lý trí, không nên sợ hãi đến mức ăn gì cũng sợ bệnh đột quỵ, đi đâu cũng lo bị đột quỵ.
Điều quan trọng là hiểu đúng - biết rõ yếu tố nguy cơ như hút thuốc, tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn mỡ máu hay lối sống thiếu vận động - từ đó chủ động phòng ngừa thay vì sợ hãi mơ hồ. Người dân cần biết đến và tiếp cận các cơ sở y tế uy tín trong phòng ngừa, tầm soát đột quỵ.
Với các cơ sở y tế, việc khám lâm sàng kỹ lưỡng cần được ưu tiên để tránh lạm dụng cận lâm sàng không cần thiết, giúp người bệnh tiết kiệm chi phí nhưng vẫn đạt hiệu quả trong phòng ngừa, điều trị đột quỵ"
TS.BS NGUYỄN TRI THỨC, Thứ trưởng Bộ Y tế
Nguồn PLO: https://plo.vn/dot-quy-khong-phai-troi-keu-ai-nay-da-post845469.html