Đặc khu Côn Đảo chuẩn bị đón bác sĩ tăng cường từ đất liền

Trong thời gian sắp tới, các bác sĩ chuyên khoa của TPHCM sẽ tăng cường tới Trung tâm Y tế Quân dân y Côn Đảo (ở đặc khu Côn Đảo).

Thông tin tăng cường bác sĩ từ đất liền tới đặc khu Côn Đảo được Sở Y tế TPHCM chia sẻ ngay sau cuộc họp mới đây giữa lãnh đạo Sở này với các chuyên gia đầu ngành Nội – Ngoại – Sản – Nhi và lãnh đạo Đại học Y Dược TP HCM, Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch.

Theo nhận định của Sở Y tế TP HCM và nhiều chuyên gia tại cuộc họp, Trung tâm Y tế Quân dân y Côn Đảo không chỉ phục vụ người dân sinh sống tại chỗ, còn đón hàng chục ngàn du khách, cán bộ ra công tác hằng năm. Thế nhưng, y tế Côn Đảo vẫn vướng bài toán nhân lực y tế trình độ chuyên khoa.

Một tình huống cấp cứu ở Côn Đảo.

Một tình huống cấp cứu ở Côn Đảo.

Hiện nay, từ Côn Đảo nếu đi phà vào đất liền phải mất tới 6 giờ, còn đi ca nô cao tốc tốn nhiều tiền hơn thì mất khoảng 3 giờ. Vì vậy, một số vấn đề y khoa như sinh đẻ, lọc thận nhân tạo, cấp cứu...y tế Côn Đảo còn hạn chế trong đáp ứng. Vì vậy, đây không chỉ là nỗi lo thường trực của bà con sinh sống tại chỗ, mà còn là băn khoăn của không ít nhà đầu tư trong quyết định đến Côn Đảo.

Từ thực trạng y tế Côn Đảo, các thành viên tham dự cuộc họp đã đồng thuận thực hiện 2 giai đoạn nâng cao chất lượng y tế đặc khu Côn Đảo.

Ở giai đoạn 1, trong quý 3/2025, Sở Y tế TP HCM luân phiên đưa bác sĩ chuyên khoa có tay nghề cao ra đặc khu Côn Đảo. Trong đó chú trọng đến chuyên khoa Nội, Ngoại, Sản, Nhi. Giai đoạn này cũng tăng cường tổ chức hội chẩn từ xa, đào tạo trực tuyến liên tục cho nhân viên y tế của Trung tâm Y tế Quân dân y Côn Đảo.

Giai đoạn 1 cũng sẽ ưu tiên phát triển sản khoa an toàn và tại chỗ, với đầy đủ ê-kíp sản, gây mê hồi sức và hồi sức sơ sinh. Đây là chiến lược nhằm giảm phụ thuộc vào việc chuyển tuyến bằng tàu, trực thăng. Đồng thời, tăng cường năng lực cấp cứu chấn thương, nội khoa và nhi khoa tại Côn Đảo.

Vấn đề cuối cùng của giai đoạn 1 là xây dựng ngân hàng máu tại chỗ. Điều này hết sức cần thiết để đảm bảo cấp cứu an toàn trong sản khoa, phẫu thuật và các tình huống nguy kịch. Với khoảng các giữa Côn Đảo và đất liền, nếu đảm bảo chuyên môn, đầy đủ về trang thiết bị mà máu vẫn thiếu, vẫn chờ từ đất liền thì rất khó khăn trong cấp cứu.

Du khách tới Côn Đảo nghe giới thiệu về trại Phú Tường (chuồng cọp Pháp). Ảnh: ITTPC.

Du khách tới Côn Đảo nghe giới thiệu về trại Phú Tường (chuồng cọp Pháp). Ảnh: ITTPC.

Ở giai đoạn 2, Sở Y tế TPHCM và các chuyên gia đầu ngành, lãnh đạo 2 trường Y khoa đóng trên địa bàn thống nhất "sớm xây dựng đề án đặc thù cho y tế Côn Đảo". Theo đó, hình thành bệnh viện đa khoa với quy mô phù hợp ngay tại Côn Đảo là mục tiêu hướng tới. Đồng thời, giai đoạn 2 cũng tăng cường liên kết với các bệnh viện lớn như BV Hùng Vương, BV Nhi đồng 1, BV Bình Dân, BV Gia Định…để hỗ trợ chuyên môn cho y tế Côn Đảo.

Giai đoạn 2 còn chú trọng tới công tác đào tạo nhân lực. Theo đó, Sở Y tế TPHCM sẽ phối hợp với các trường đại học Y khoa trên địa bàn xây dựng chương trình đào tạo bác sĩ nội trú có luân phiên đến thực hành tại Trung tâm y tế hoặc Bệnh viện Côn Đảo. Đây là ý tưởng đặc biệt nhất, cũng là dịp để đào tạo trải nghiệm trong môi trường đặc thù cho các bác sĩ nội trú.

Điều quan trọng không kém nữa là Sở Y tế TPHCM sẽ sớm đề xuất các chính sách để thu hút nhân lực y tế đến công tác tại Côn Đảo.

Được biết, đặc khu Côn Đảo hiện có hơn 13.000 dân sinh sống, năm 2024 ghi nhận có hơn 586.000 lượt du khách tới Côn Đảo.

Theo Sở Y tế TP HCM, hoạt động tăng cường, hỗ trợ chuyên môn giữa đất liền với đặc khu Côn Đảo nhằm hướng tới thông điệp mạnh mẽ: "Y tế TP HCM mới không chỉ mở rộng về địa lý mà mở rộng cả về tinh thần phục vụ, đưa chất lượng điều trị đến cả hải đảo xa nhất".

Thanh Giang

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/dac-khu-con-dao-chuan-bi-don-bac-si-tang-cuong-tu-dat-lien-169250705154541694.htm