Đặc khu Côn Đảo sẽ 'chia tay' điện diesel vào dịp Quốc khánh

Hiện EVN đang đẩy nhanh tiến độ, đảm bảo Dự án cấp điện từ lưới điện quốc gia cho đặc khu Côn Đảo sẽ đóng điện vào dịp 2/9/2025 nhằm chào mừng 80 năm Quốc khánh.

Nhu cầu điện cho phát triển ngày càng tăng cao

Côn Đảo là địa phương có vị trí chiến lược về quốc phòng, an ninh và chủ quyền biển đảo, đồng thời là một điểm đến du lịch quan trọng. Hệ thống điện hiện tại của đặc khu chủ yếu dựa vào nguồn diesel với công suất hạn chế (11,8 MW), chưa đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội.

Quang cảnh đường phố ở Côn Đảo

Quang cảnh đường phố ở Côn Đảo

Với sự phát triển kinh tế nhanh chóng trong thời gian qua, dự báo nhu cầu về điện trong thời gian tới của đặc khu Côn Đảo sẽ tiếp tục tăng nhanh, đến năm 2035 cần hơn 90MW và năm 2045 là 114MW.

Thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước về cung cấp điện cho biển, đảo, Thủ tướng Chính phủ và Bộ Công Thương đã giao Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) làm chủ đầu tư Dự án cấp điện từ lưới điện quốc gia cho Côn Đảo, giao Ban Quản lý dự án điện 3 (EVNPMB3) chịu trách nhiệm quản lý dự án.

Chia sẻ với phóng viên Báo Công Thương, ông Trần Minh Triều – Phó Giám đốc Điện lực Côn Đảo, Tổng Công ty Điện lực TP. Hồ Chí Minh cho biết: Hiện, hệ thống cung cấp điện tại Côn Đảo vẫn chủ yếu dựa trên các tổ máy phát điện diesel. Cụ thể, Nhà máy Điện An Hội có tổng cộng 12 tổ máy, trong đó tổ máy lớn nhất công suất 1.500 kW, tổ nhỏ nhất 800 kW. Vào thời điểm cao điểm, nhu cầu tiêu thụ điện có thể dao động 7.000–8.000 kW, chủ yếu tập trung trong khoảng 1–2 tiếng đồng hồ mỗi ngày.

Ông Trần Minh Triều- Phó Giám đốc Điện lực Côn Đảo

Ông Trần Minh Triều- Phó Giám đốc Điện lực Côn Đảo

Theo đó, năm 2024 sản lượng điện thương phẩm của Côn Đảo đạt gần 30 triệu kWh. Trong 6 tháng đầu năm nay, sản lượng đã đạt khoảng 17–18 triệu kWh, cao hơn so với cùng kỳ năm trước.

Tuy nhiên, ông Triều nhấn mạnh: “Đặc thù của Côn Đảo phụ thuộc rất lớn vào hoạt động du lịch, nếu lượng khách tăng mạnh, sản lượng điện tiêu thụ sẽ tăng tương ứng; khi thấp điểm, sản lượng sẽ giảm. Ngược lại, sản lượng điện phục vụ dân cư, cơ quan hành chính và các đơn vị đóng trên đảo duy trì khá ổn định, không biến động nhiều”.

Do nhiên liệu phục vụ Nhà máy điện An Hội 100% chạy dầu diesel, nên năm 2024, chi phí bù lỗ cho nhiên liệu phát điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam lên tới gần 200 tỷ đồng.

 Cán bộ trực vận hành Nhà máy điện An Hội - Côn Đảo

Cán bộ trực vận hành Nhà máy điện An Hội - Côn Đảo

Trong khi đó, điện mặt trời tại chỗ hiện quy mô rất nhỏ, khoảng 100 kWp, chủ yếu do một số khách hàng đầu tư lắp đặt để tự sử dụng.

Hiện chúng tôi đang mong chờ từng ngày dự án hoàn thành, đây sẽ là dấu mốc lịch sử và là sự kiện trọng đại không chỉ với người dân Côn Đảo mà với cả ngành điện chúng tôi”- ông Triều khẳng định.

Động lực mới cho Côn Đảo phát triển

Theo kế hoạch của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), dự án kéo điện từ Vĩnh Châu (Sóc Trăng) ra Côn Đảo dự kiến hoàn thành, đưa vào sử dụng đúng dịp 2/9 năm nay, nhằm chào mừng 80 năm ngày Quốc khánh (2/9/1945 - 2/9/2025) .

Đây công trình quy mô lớn, hiện tiến độ đang được đẩy nhanh. Sau khi đóng điện, toàn bộ hệ thống cấp điện sẽ được chuyển từ phát diesel sang cấp nguồn từ lưới điện quốc gia.

Hiện EVN đang đẩy nhanh tiến độ thi công

Hiện EVN đang đẩy nhanh tiến độ thi công

Ông Nguyễn Văn Mạnh – Phó Chủ tịch UBND đặc khu Côn Đảo cho biết: Hiện sản lượng điện của Nhà máy điện An Hội chưa đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng cho nhân dân và doanh nghiệp, trong khi các đơn vị kinh doanh lớn phải tự trang bị thêm máy phát.

Việc đóng điện lưới quốc gia vào tháng 9/2025 được chính quyền và nhân dân đặc khu Côn Đảo rất mong đợi. Việc sử dụng điện lưới quốc gia sẽ đẩy mạnh đầu tư và phát triển các ngành dịch vụ; giá điện sẽ giảm hơn so với hiện nay, quan trọng hơn hết là nguồn điện ổn định, nhất là mùa cao điểm du lịch”- ông Mạnh cho hay.

Thi công tuyến đường cho cáp điện tại đặc khu Côn Đảo

Thi công tuyến đường cho cáp điện tại đặc khu Côn Đảo

Theo Phó Chủ tịch UBND đặc khu Côn Đảo, việc có điện lưới quốc gia ổn định sẽ thu hút các nhà đầu tư lớn đến triển khai dự án du lịch sinh thái, khu nghỉ dưỡng cao cấp và các khu giải trí liên hợp. Điều này sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và tạo việc làm cho người dân trên đảo. Đồng thời, góp phần đảm bảo quốc phòng - an ninh và bảo vệ chủ quyền biển đảo.

Chia sẻ thêm với phóng viên ông Trần Minh Triều cho hay, sau khi dự án hoàn thành đưa vào vận hành, dự án sẽ đảm bảo cấp điện ổn định cho nhu cầu hiện tại và còn dư dự phòng khoảng 20%. Điện lực Côn Đảo sẽ tiếp nhận, quản lý phần lưới trung, hạ thế bao gồm khoảng 50km đường dây trung thế và 20km đường dây hạ thế.

Thi công trạm TBA 110kV/22kV phía Côn Đảo cũng đăng được đẩy nhanh tiến độ

Thi công trạm TBA 110kV/22kV phía Côn Đảo cũng đăng được đẩy nhanh tiến độ

Nhà máy điện An Hội sẽ chuyển sang chế độ dự phòng khi Côn Đảo có điện lưới quốc gia”- ông Triều thông tin.

Với khoảng 50 cán bộ công nhân viên, hiện Điện lực Côn Đảo đã chủ động lập phương án chuẩn bị tiếp nhận vận hành, đầu tư hoàn thiện các lộ ra trung thế 22 kV để thay thế cho hệ thống máy phát diesel hiện hữu.

Thi công cáp ngầm phần trên đất liền phía đặc khu Côn Đảo

Thi công cáp ngầm phần trên đất liền phía đặc khu Côn Đảo

Đồng thời, Điện lực Côn Đảo cũng đã phối hợp với chủ đầu tư dự án là Ban Quản lý Dự án Điện 3 (Tập đoàn Điện lực Việt Nam) nắm bắt tiến độ, rà soát các điểm đấu nối và hoàn thiện quy trình vận hành, bố trí nhân lực, thiết bị đo đếm, bảo vệ rơ le nhằm đảm bảo sau khi đóng điện lưới quốc gia, hệ thống hoạt động an toàn, ổn định.

Thi công cáp ngầm xuyên biển phần trên đất liền phía Côn Đảo

Thi công cáp ngầm xuyên biển phần trên đất liền phía Côn Đảo

Ông Trần Minh Triều nhấn mạnh, việc đưa điện lưới quốc gia ra Côn Đảo sẽ không chỉ đảm bảo cấp điện ổn định cho phát triển kinh tế – xã hội, phục vụ đời sống nhân dân và du lịch mà còn giảm chi phí sản xuất điện rất lớn so với phát diesel. Tuy nhiên, công tác tổ chức, vận hành sau khi dự án hoàn thành sẽ đòi hỏi phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị của EVN để đảm bảo hạ tầng lưới điện mới vận hành an toàn, hiệu quả và bền vững lâu dài.

Dự án có quy mô cấp điện áp 110kV, với tổng chiều dài 103,7km, gồm: Đường dây trên không dài 17,5km qua địa phận tỉnh Sóc Trăng; cáp ngầm xuyên biển dài 77,7km kết nối từ đất liền ra đảo; cáp ngầm trên đảo dài 8,5km tại huyện Côn Đảo; mở rộng trạm biến áp 220kV Vĩnh Châu (Sóc Trăng) và xây dựng trạm biến áp 110/22kV GIS tại Côn Đảo.Dự án có tổng mức đầu tư là 4.923 tỷ đồng, triển khai thi công vào tháng 3-2025, dự kiến hoàn thành và đóng điện trong năm 2025. Dự kiến sau khi hoàn thành công trình, tuyến đường dây sẽ cấp điện cho huyện Côn Đảo với tổng công suất khoảng 29MW vào năm 2026, 55MW vào năm 2030 và 90MW vào năm 2035.

Bài và ảnh: Thu Hường

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/dac-khu-con-dao-se-chia-tay-dien-diesel-vao-dip-quoc-khanh-410161.html