Đặc nhiệm Ukraine dùng UAV Mỹ phá hủy hệ thống phòng không của Nga

Ngày 13/5, một video lan truyền trên mạng xã hội cho thấy lực lượng đặc nhiệm Ukraine đã sử dụng máy bay không người lái (UAV) Switchblade 600 do Mỹ sản xuất, để phá hủy hệ thống phòng không Buk-M3 của Nga.

Cuộc tấn công diễn ra tại một địa điểm chưa được công bố, gây ra vụ nổ lớn. Đây không phải là vụ việc đơn lẻ mà nằm trong chuỗi các cuộc tập kích nhằm làm suy yếu năng lực phòng không của Nga.

Cuộc tấn công của Ukraine UAV đã đánh trúng một xe TELAR 9A317M thuộc hệ thống phòng không tầm trung Buk-M3 của Nga. (Nguồn: X/Status-6)

Tình huống tấn công

Đoạn video được chia sẻ trên nền tảng X, ghi lại khoảnh khắc chiếc Switchblade 600 lao xuống phá hủy một xe TELAR 9A317M đang đứng yên. Theo các bài đăng khác, vụ việc có thể xảy ra tại khu vực Kursk, nơi từng chứng kiến nhiều hoạt động của lực lượng Ukraine.

Hình ảnh và cách thức tấn công tương đồng với một vụ việc trước đó vào ngày 11/6/2024, khi Switchblade 600 được dùng để phá hủy một tổ hợp Buk tại Donetsk. Các đoạn ghi hình cho thấy đạn dược của hệ thống bị kích nổ sau khi UAV lao trúng mục tiêu, phản ánh độ chính xác và sức công phá của loại vũ khí này.

Vũ khí của Mỹ và chiến thuật mới

Switchblade 600 do hãng AeroVironment phát triển, là loại đạn tuần kích được thiết kế để tiêu diệt các mục tiêu cố định hoặc có giá trị cao. Nặng hơn 50 kg, có thời gian hoạt động khoảng 40 phút và tầm bay lên đến 40 km, loại UAV này có thể bay lượn để quan sát mục tiêu trước khi lao xuống tấn công. Đầu đạn được phát triển từ tên lửa chống tăng Javelin, giúp Switchblade 600 xuyên phá hiệu quả các mục tiêu bọc thép hoặc công sự kiên cố.

Ngoài chế độ điều khiển thủ công qua máy tính bảng, hệ thống còn có khả năng hoạt động tự động, tăng độ chính xác khi tiêu diệt mục tiêu. Thiết kế phóng từ ống và khả năng hoạt động im lặng giúp UAV khó bị phát hiện bởi radar hoặc cảm biến hồng ngoại, điều khiến các hệ thống phòng không truyền thống như Buk gặp nhiều thách thức.

Tại Ukraine, Switchblade 600 từng được sử dụng để tấn công các hệ thống phòng không Pantsir và S-300, những khí tài có giá trị cao và khó thay thế hơn nhiều so với xe tăng. Phía AeroVironment cho biết, chính khả năng hoạt động ẩn mình và chọn lọc mục tiêu đã giúp Switchblade 600 đạt hiệu quả vượt trội trong các chiến dịch tấn công của Ukraine.

Thiệt hại cho hệ thống Buk-M3

Hệ thống TELAR 9A317M là thành phần tự hành kết hợp cả radar và bệ phóng trong tổ hợp Buk-M3, một trong những lá chắn phòng không hiện đại nhất của Nga, được biên chế từ năm 2016.

Mỗi TELAR có thể mang 6 tên lửa 9M317M, với khả năng đánh chặn mục tiêu ở tầm xa 70 km và độ cao đến 35 km. Radar tích hợp có thể theo dõi đồng thời sáu mục tiêu và liên kết dữ liệu với các sở chỉ huy.

Mặc dù được truyền thông Nga quảng bá có khả năng đánh chặn cả tiêm kích F-35 và F-22, Buk-M3 vẫn lộ ra điểm yếu trước các UAV nhỏ, bay thấp, khó phát hiện như Switchblade.

TELAR, với vai trò kết hợp radar và bệ phóng, nếu bị phá hủy sẽ làm giảm đáng kể hiệu quả tác chiến của toàn hệ thống Buk. Theo các nguồn tin Ukraine, chi phí cho mỗi hệ thống Buk-M3 có thể lên đến 45 triệu USD, cho thấy tổn thất về mặt tài chính và chiến lược là không nhỏ.

Các bài đăng trên mạng xã hội lưu ý rằng tổ hợp TELAR bị phá hủy không được ngụy trang cẩn thận, điều từng xảy ra trong vụ UAV Ukraine phá hủy 3 bệ phóng Buk ở Kursk, hôm 7/4. Cũng như các vụ tấn công khác, Ukraine có thể đã sử dụng UAV trinh sát như Shark hoặc Bayraktar TB2 để xác định vị trí mục tiêu trước khi tung Switchblade 600 tấn công.

Việc hệ thống phòng không không phát hiện hoặc không phản ứng với UAV lao đến cho thấy khả năng nhận thức tình huống và tác chiến điện tử của các tổ hợp này còn hạn chế.

Ước tính Nga sở hữu khoảng 100–120 hệ thống Buk-M3 vào năm 2022, nhưng đã mất hơn 20 tổ hợp trong xung đột, theo các nguồn tin Ukraine. Khả năng thay thế số tổn thất này bị hạn chế bởi tốc độ sản xuất chậm (chỉ khoảng 5–10 hệ thống/năm) và tình trạng thiếu linh kiện do lệnh trừng phạt, đặc biệt là vi điện tử.

Trong khi đó, Switchblade đã được Mỹ cung cấp cho Ukraine hơn 700 chiếc kể từ năm 2022, với hợp đồng bổ sung trị giá gần 300 triệu USD ký kết đầu năm 2025. Loại UAV này cũng đã được Mỹ, Anh, Australia, Canada và một số nước châu Âu đưa vào trang bị.

Xuân Minh

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/dac-nhiem-ukraine-dung-uav-my-pha-huy-he-thong-phong-khong-cua-nga-169250514080826703.htm