Đàm phán Nga-Ukraine: Mỹ ra 'tối hậu thư' cho cả hai bên, tiết lộ các chủ đề chính, Lầu Năm Góc cảnh báo hậu quả nguy hiểm nếu kết quả tệ
Trước thềm cuộc đàm phán trực tiếp Nga-Ukraine ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ, Mỹ hé lộ thêm các thông tin hậu trường đáng chú ý.

Cộng đồng quốc tế đang hướng sự theo dõi về cuộc đàm phán tiềm năng giữa Nga và Ukraine tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ, diễn ra vào ngày 15/5. (Nguồn: Adobe Stock)
Ngày 13/5, hãng thông tấn TASS của Nga đưa tin, trong một cuộc phỏng vấn với Breitbart, Đặc phái viên Steve Witkoff của Tổng thống Mỹ Donald Trump tiết lộ, ông chủ Nhà Trắng đã tuyên bố rằng, Moscow và Kiev cần tổ chức đàm phán trực tiếp, nếu không Washington sẽ rút lui.
Đặc phái viên Witkoff nói rõ: "Tổng thống Trump đã đưa ra tối hậu thư cho cả hai bên, nếu không tiến hành đàm phán trực tiếp và nếu đàm phán không diễn ra nhanh chóng, thì Mỹ nên rút khỏi tiến trình giải quyết cuộc xung đột này, bất kể điều đó có nghĩa là gì, đơn giản là không tham gia nữa".
Theo ông Witkoff, giải quyết xung đột chính là lý do Mỹ muốn đóng vai trò trung gian, bởi "đây không phải là xung đột của chúng tôi hay do chúng tôi khởi xướng, nhưng chúng tôi muốn giúp chấm dứt nó".
"Cách để làm điều đó là ngừng bắn, dừng bạo lực và chúng ta dành thời gian cùng nhau bảo đảm có thể giải quyết các vấn đề chính ở đây và tôi nghĩ chúng ta có thể làm được", Đặc phái viên Mỹ nhấn mạnh.
Ông cho rằng, nếu đàm phán trực tiếp giữa Nga và Ukraine mang lại kết quả, sẽ có "cơ hội lớn để chấm dứt cuộc xung đột", tuy nhiên, nếu Mỹ rút lui khỏi đàm phán, "điều đó không tốt cho người châu Âu, người Ukraine" và thậm chí "cả người Nga".
Rạng sáng 11/5, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đề xuất với chính quyền Kiev nối lại các cuộc đàm phán trực tiếp mà hai bên từng có hồi năm 2022, không cần bất kỳ điều kiện tiên quyết nào. Ông Putin đề xuất bắt đầu đối thoại vào ngày 15/5 tại Istanbul.
Theo Đặc phái viên của Tổng thống Trump, các chủ đề chính trong cuộc đàm phán tiềm năng trên sẽ là vấn đề lãnh thổ, tình trạng của Nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia, việc Ukraine sử dụng sông Dnepr và quyền tiếp cận Biển Đen.
Ông Witkoff khẳng định, vấn đề Nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia rất quan trọng đối với các cuộc thảo luận vì lượng điện mà nhà máy có thể sản xuất là rất lớn.
Trong diễn biến liên quan, ngày 14/5, Tướng Gregory Guillot, chỉ huy Bộ Tư lệnh Bắc Mỹ (USNORTHCOM) cho biết trong văn bản chuẩn bị cho phiên điều trần trước Ủy ban Quân vụ Thượng viện nước này rằng, nếu khủng hoảng Ukraine leo thang, "vẫn còn một số con đường hợp lý mà theo đó, xung đột có thể leo thang thành một cuộc đối đầu quân sự trực tiếp" của Moscow với Washington.
Ngoài ra, tình hình ở Trung Đông cũng "có nguy cơ kéo Mỹ vào một cuộc xung đột quân sự trực tiếp với Iran và các lực lượng ủy nhiệm của nước này".