Đặc phái viên của Tổng Thư ký Liên hợp quốc khuyến nghị nhiều giải pháp nâng cao an toàn giao thông tại Việt Nam
Ngày 25/4, trong chuyến thăm, làm việc tại Việt Nam, ông Jean Todt, Đặc phái viên của Tổng Thư ký Liên hợp quốc về an toàn giao thông đường bộ đã làm việc với Ủy ban An toàn giao thông quốc gia và các cơ quan liên quan, trao đổi giải pháp phối hợp nhằm nâng cao an toàn giao thông tại Việt Nam. Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông quốc gia Lê Kim Thành chủ trì buổi làm việc.
Còn nhiều thách thức

Toàn cảnh buổi làm việc giữa đại diện của Liên Hợp Quốc và Ủy ban An toàn giao thông quốc gia Việt Nam.
Thông tin về tình hình tai nạn giao thông toàn cầu, Đặc phái viên của Tổng Thư ký Liên hợp quốc về an toàn giao thông đường bộ Jean Todt cho biết, mỗi năm trên thế giới có khoảng 1,19 triệu người tử vong do tai nạn giao thông đường bộ và khoảng 50 triệu người bị thương. Đây là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu cho thế hệ trẻ từ 15 - 29 tuổi. 90% nạn nhân tử vong, bị thương đó là ở những nước đang phát triển. Việc giảm thiểu số người tử vong do tai nạn giao thông và đưa ra các giải pháp để đạt được điều này là mục tiêu hàng đầu của Liên hợp quốc.
Ông Jean Todt cho rằng, có nhiều vấn đề cần giải quyết như tuyên truyền giáo dục thực thi pháp luật, tăng cường chất lượng phương tiện, thiết bị bảo hộ, đường sá, cụ thể như thắt dây bảo hiểm khi ngồi ô tô, đội mũ bảo hiểm chất lượng, không sử dụng điện thoại khi lái xe, không lái xe khi đã uống rượu, có khu vực dành cho người đi bộ…
Chia sẻ hơn 10 năm trước đây vợ ông đến Việt Nam để truyền thông về việc sử dụng mũ bảo hiểm thì lúc đó hầu hết người tham gia giao thông không đội mũ bảo hiểm, nhưng đến lần thứ hai thì tình hình đã cải thiện rất nhiều, tuy nhiên, theo ông Jean Todt, đội mũ bảo hiểm mà không đạt chất lượng thì “đội cũng như không”.
Ở Việt Nam có công ty sản xuất mũ bảo hiểm, nhiều mũ bảo hiểm được lưu hành nhưng lại không đạt tiêu chuẩn. Việc giáo dục và hướng dẫn người dân đội mũ bảo hiểm chất lượng để bảo vệ đầu là rất quan trọng. Thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) năm 2021 cho thấy, tỷ suất tử vong do tai nạn giao thông ở Việt Nam là gần 18 người/100.000 dân. Tai nạn giao thông, không chỉ ảnh hưởng đến nạn nhân, mà còn ảnh hưởng đến nền kinh tế và những người xung quanh nạn nhân đó.
Cảm ơn Đặc phái viên của Tổng Thư ký Liên hợp quốc về an toàn giao thông đường bộ đã mang đến những thông điệp Việt Nam rất quan tâm, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông quốc gia Lê Kim Thành cho biết, an toàn giao thông luôn là vấn đề nóng và mang tính toàn cầu, Việt Nam không nằm ngoại lệ. Đặc biệt, với điều kiện giao thông, vận tải của Việt Nam hiện nay, còn nhiều việc phải làm để hướng tới mục tiêu đã cam kết với Liên hợp quốc trong Thập kỷ vì an toàn giao thông đường bộ.
Trong thời kỳ đầu tiên thực hiện Thập kỷ vì an toàn giao thông đường bộ (2011-2020), Việt Nam đã được vinh danh là 1 trong 35 quốc gia giảm thiểu tỷ lệ nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông đường bộ/100.000 dân trên 30%. Đây là sự cố gắng của Chính phủ, cả hệ thống chính trị trong nỗ lực giảm thiểu tai nạn giao thông. Trong thập kỷ đó, một trong những hành động thành công là chiến dịch đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông bằng mô tô, xe máy.
Hiện Việt Nam đang thực hiện cam kết 12 mục tiêu nằm trong Kế hoạch hành động toàn cầu Thập kỷ vì an toàn giao thông đường bộ lần thứ hai (2021 - 2030) với mục tiêu mỗi năm giảm bền vững từ 5-10% số người chết và bị thương do tai nạn giao thông. Năm 2023-2024, tỷ lệ này đã đạt khoảng 8%.
Năm 2024, Việt Nam đã có những đột phá về thể chế, thể hiện qua việc thông qua Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ và Luật Đường bộ với nhiều điểm rất tiên tiến, toàn diện, đã có tác dụng rất lớn. Ba tháng đầu năm nay, cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết và bị thương giảm đáng kể. Bên cạnh tuyên truyền, giáo dục, việc tăng nặng mức xử phạt đối với các hành vi vi phạm, sử dụng camera để phạt nguội, công bố danh sách người vi phạm phát hiện thông qua hệ thống phạt nguội… đã góp phần thay đổi hành vi của người tham gia giao thông.
Việt Nam cũng đang tập trung phát triển các hệ thống vận tải công cộng và đường sắt. Hà Nội hiện có 1,5 tuyến đường sắt đô thị được khai thác, mang hiệu quả cao, riêng tuyến Cát Linh – Hà Đông đã vận chuyển khoảng 45 - 50 nghìn lượt hành khách/ngày.
Cho biết số người đội mũ bảo hiểm khi lưu thông bằng mô tô, xe máy ở Việt Nam đã đạt 85-90%, ông Lê Kim Thành đánh giá cao vai trò của các tổ chức, khối tư nhân đã chung tay trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, hàng năm có khoảng 2 triệu học sinh vào lớp 1 được Công ty Honda Việt Nam tặng mũ bảo hiểm đạt chuẩn. Trong 5 năm qua, Honda đã tài trợ khoảng 10 triệu mũ bảo hiểm cho học sinh lớp 1. Song ông cho rằng, Việt Nam phải tiếp tục truyền thông chiến dịch đội mũ bảo hiểm và đội mũ bảo hiểm đạt chuẩn.
Ông Lê Kim Thành cũng nêu một số thách thức Việt Nam đang gặp phải như giao thông vận tải đường bộ vẫn chiếm tỷ lệ cao trong 5 phương thức vận tải đang có, chiếm 90% về vận tải hành khách, gần 70% vận tải hàng hóa. Giao thông đường sắt, hàng hải, đường thủy còn chiếm thị phần thấp. Vận tải công cộng chưa đáp ứng nhu cầu của người dân, mới đạt khoảng 15% ở đô thị lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh. Giao thông hỗn hợp với tỷ lệ xe máy cao, phương tiện sở hữu cá nhân rất lớn là thách thức trong thời gian tới Việt Nam cần giải quyết.
Ông tin tưởng thời gian tới, với nỗ lực Việt Nam và sự hỗ trợ của các cơ quan, tổ chức, trong đó có Liên hợp quốc, Việt Nam sẽ đạt được các kết quả mong đợi trong Thập kỷ vì an toàn giao thông đường bộ lần thứ hai.
Thay đổi hành vi, thói quen của người dân
Chúc mừng Việt Nam đã có những bước đi mạnh mẽ để cải thiện tình hình trật tự, an toàn giao thông, từ việc xây dựng thể chế pháp luật đến tuyên truyền giáo dục, thay đổi hành vi của người tham gia giao thông, đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông, song, từ trải nghiệm của mình trong chuyến công tác lần này, Đặc phái viên của Tổng Thư ký Liên hợp quốc về an toàn giao thông đường bộ Jean Todt nhấn mạnh, hàng ngày Việt Nam vẫn phải đối mặt với thực tế mất an toàn giao thông. Chẳng hạn, vỉa hè dành cho người đi bộ bị lấn chiếm, người tham gia giao thông bằng xe máy không đội mũ bảo hiểm hoặc đội mũ không đạt chuẩn, xe ôtô bị tháo dây đai an toàn…
Ông cho rằng, Việt Nam phải đưa ra hành động thiết thực để giải quyết vấn đề đó và Liên hợp quốc cam kết hỗ trợ Việt Nam để có thể đạt được mục tiêu đề ra. Dẫn chứng từ đất nước Thụy Sỹ của ông, tỷ suất tử vong do tai nạn giao thông là 2 người/100.000 dân, lái xe quá tốc độ sẽ bị thu giấy phép lái xe, thậm chí bị thu xe, vi phạm lần 2 có thể bị phạt tù, quy định nghiêm ngặt như vậy khiến người dân phải tôn trọng pháp luật, Đặc phái viên Jean Todt nhận định, chế tài của Việt Nam còn nhẹ, “cùng lắm bị phạt tiền”. Theo ông, điều quan trọng là thay đổi hành vi, thói quen của người dân.
Ông nêu một số khuyến nghị cho Việt Nam như chú trọng tuyên truyền an toàn giao thông đường bộ cho người đi xe máy, tuyên truyền đội mũ bảo hiểm, giáo dục pháp luật an toàn giao thông cho tuổi trẻ.
Tại buổi làm việc, đại diện từ phía cơ quan Liên hợp quốc và Tổ chức Y tế thế giới cũng đã đưa ra các cam kết tiếp tục đồng hành hỗ trợ Việt Nam cải thiện tình hình giao thông, bảo đảm an toàn giao thông cho trẻ em, giảm thiểu tai nạn giao thông, thực hiện tăng trưởng xanh và chuyển đổi số…