Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh kiểm tra công tác thực hiện các dự án giao thông trọng điểm
Ngày 25/4, Đoàn công tác của UBND tỉnh do đồng chí Phạm Quang Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng đoàn đã đi kiểm tra công tác thi công Dự án mở rộng đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn Cao Bồ - Mai Sơn và công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng, đoạn qua tỉnh Ninh Bình tại huyện Yên Mô và huyện Yên Khánh.

Đổng chí Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Quang Ngọc kiểm tra công tác thi công Dự án mở rộng đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn Cao Bồ - Mai Sơn.
Cùng đi có đồng chí Nguyễn Cao Sơn, Tỉnh ủy viên , Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành và địa phương liên quan.
Theo báo cáo của Sở Xây dựng, Dự án mở rộng đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn Cao Bồ - Mai Sơn là một trong 5 dự án được Thủ tướng Chính phủ giao bổ sung kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn vốn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021-2025, được Bộ Xây dựng phê duyệt chủ trương đầu tư và phê duyệt dự án, giao Sở Xây dựng Ninh Bình làm chủ đầu tư, nhà thầu thi công là Doanh nghiệp Xây dựng Xuân Trường.
Dự án có tổng chiều dài là 15,2 km, điểm đầu nối tiếp với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình tại xã Hồng Quang, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định; điểm cuối nối tiếp với đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn Mai Sơn - Quốc lộ 45 tại xã Khánh Thượng, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình; quy mô theo quy hoạch đường cao tốc 6 làn xe hoàn chỉnh. Hiện nay, dự án đang triển khai 11 mũi thi công, trong đó có 6 mũi thi công đường và 5 mũi thi công cầu. Đến nay, giá trị khối lượng thi công xây lắp hoàn thành ước đạt 45/1.029 tỷ đồng, đạt 4,37%; lũy kế vốn đã bố trí cho dự án là 1.200/1.875,616 tỷ đồng, đạt 63,98% so với tổng mức đầu tư; lũy kế giá trị giải ngân của dự án đạt 371/1.200 tỷ đồng.
Qua kiểm tra tiến độ thực hiện Dự án mở rộng cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn Cao Bồ - Mai Sơn, đồng chí Phạm Quang Ngọc, Chủ tịch UBND tỉnh đã ghi nhận, đánh giá cao công tác chuẩn bị chu đáo của Chủ đầu tư và các nhà thầu; do vậy dự án được triển khai khá thuận lợi về mặt bằng và nguồn nguyên vật liệu, tiến độ thi công xây lắp đảm bảo theo đúng kế hoạch đề ra.
Dự án hoàn thành sẽ góp phần đáp ứng nhu cầu vận tải ngày càng tăng cao, giảm thiểu tai nạn giao thông, hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Ninh Bình, Nam Định; từng bước hoàn thiện Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; góp phần thực hiện mục tiêu của Nghị quyết 30-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Hồng.
Với ý nghĩa quan trọng của dự án, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: Chủ đầu tư và nhà thầu thi công cần tập trung tối đa nhân lực, vật lực, máy móc; có phương án phù hợp để đẩy nhanh tiến độ thi công (tăng ca, tăng kíp, tận dụng tối đa các điều kiện thuận lợi của thời tiết…) để rút ngắn thời gian thi công, sớm đưa dự án vào khai thác, sử dụng, phát huy hiệu quả đầu tư.

Đổng chí Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Quang Ngọc kiểm tra công tác giải phóng mặt bằng Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng, đoạn qua huyện Yên Mô.
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh và Đoàn công tác đã kiểm tra Dự án Đầu tư xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng, đoạn qua tỉnh Ninh Bình. Dự án có điểm đầu tại nút Mai Sơn giao với đường cao tốc Bắc - Nam thuộc xã Khánh Thượng, huyện Yên Mô; điểm cuối tại đầu cầu vượt sông Đáy thuộc xã Khánh Cường, huyện Yên Khánh; tổng chiều dài 25,3 km; thiết kế theo tiêu chuẩn đường cao tốc loại A, tốc độ thiết kế 120 km/h, với 4 nút giao liên thông, 12 cầu vượt và 19 hầm chui dân sinh, cùng hệ thống đường gom, công trình thoát nước, trạm dừng nghỉ, đảm bảo đồng bộ, hiện đại và an toàn; tổng mức đầu tư 6.865 tỷ đồng từ ngân sách Trung ương và ngân sách tỉnh; thời gian thực hiện hoàn thành trong năm 2026 với thời gian thi công là 20 tháng.
Theo báo cáo của UBND huyện Yên Mô, tuyến đường bộ cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng qua địa bàn huyện Yên Mô có chiều dài 11,4 km, bao gồm 10 hầm chui dân sinh, 2 cầu vượt ngang cao tốc, 4 cầu cao tốc vượt và 2 nút giao. Toàn huyện có 1.028 tổ chức, cá nhân, hộ gia đình bị ảnh hưởng bởi dự án. Đến nay, công tác GPMB đã thực hiện khảo sát, đo đạc, kiểm đếm tại thực địa đạt 100%; có 5/10 hầm chui dân sinh, 2/2 vị trí nút giao và 7,3 km đất nông nghiệp đủ điều kiện bàn giao mặt bằng. Phấn đấu đến hết tháng 4, huyện tập trung hoàn thành công tác áp giá, phê duyệt phương án đền bù và chi trả tiền cho các hộ gia đình; phê duyệt phương án đền bù, chi trả tiền cho các hộ bị ảnh hưởng bởi 5 khu tái định cư.
Trên địa bàn huyện Yên Khánh, tổng chiều dài tuyến cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng đi qua là 13,95 km, với tổng số hộ bị ảnh hưởng phải thu hồi đất là 1.438 hộ thuộc 6 xã, đã giải phóng được 2,8km đất nông nghiệp trên địa bàn xã Khánh Nhạc để thi công. Hiện, Hội đồng bồi thường, hỗ trợ, tái định cư dự án đã kê khai, kiểm đếm được 1.160 hộ, đã chi trả số tiền trên 62 tỷ đồng. Huyện đã xây dựng 5 khu tái định cư, đến nay đã có 3 khu lựa chọn xong đơn vị tư vấn giám sát và phê duyệt gói thầu thi công xây lắp.
Qua kiểm tra thực tế và nghe lãnh đạo các sở, ngành, địa phương báo cáo tình hình, tiến độ thực hiện Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng (đoạn qua tỉnh Ninh Bình), những khó khăn, vướng mắc và các đề xuất, kiến nghị, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Quang Ngọc ghi nhận những nỗ lực, cố gắng của chủ đầu tư, các địa phương và nhà thầu đã tăng cường phối hợp, tập trung cao cho công tác triển khai dự án.

Đổng chí Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Quang Ngọc kiểm tra công tác giải phóng mặt bằng Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng, đoạn qua huyện Yên Khánh.
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, đây là công trình trọng điểm quốc gia được xây dựng nhằm tạo động lực mới cho phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Ninh Bình và các tỉnh Đồng bằng sông Hồng; công trình được lựa chọn là công trình tiêu biểu chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Chính vì vậy, cả hệ thống chính trị cần vào cuộc để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án. Đối với chủ đầu tư phối hợp chặt chẽ với địa phương đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, tháo gỡ khó khăn để làm đường công vụ cho nhà thầu vận chuyển máy móc, vật liệu thực hiện thi công. Song song với đó, chỉ đạo nhà thầu xây dựng phương án thi công phù hợp theo phương châm có mặt bằng đến đâu thì thi công ngay đến đó. Đồng chí cũng lưu ý đối với những khó khăn, vướng mắc trong công tác bố trí mỏ vật liệu phục vụ thi công, chủ đầu tư cần phối hợp chặt chẽ với các cấp, các ngành liên quan để có phương án tối ưu cả về thời gian và hiệu quả công việc đảm bảo không để ảnh hưởng đến tiến độ thi công dự án.
Đối với các địa phương, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân hiểu rõ hơn ý nghĩa và tầm quan trọng của dự án để đồng thuận trong công tác GPMB, sớm bàn giao mặt bằng cho nhà thầu thực hiện thi công dự án; ủng hộ, hỗ trợ chủ đầu tư, nhà thầu trong quá trình thi công dự án tại địa phương được thuận lợi tối đa. Cùng với đó, các địa phương cần đẩy nhanh tiến độ hoàn thành hạ tầng các khu tái định cư để sớm bàn giao đất cho các hộ thuộc diện phải di dời, đảm bảo đời sống cho nhân dân nơi ở mới phải tốt hơn nơi ở cũ và nhanh chóng đi vào ổn định, phát triển.