Đặc phái viên EU xác nhận đàm phán hạt nhân Mỹ-Iran không đạt tiến triển
Tối 29/6, đặc phái viên của Liên minh châu Âu (EU) Enrique Mora xác nhận các cuộc đàm phán gián tiếp giữa Iran và Mỹ tại Qatar, nhằm phá vỡ bế tắc liên quan thỏa thuận hạt nhân Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA) đã kết thúc mà không đạt được tiến triển như kỳ vọng.
Các cuộc đàm phán bắt đầu từ ngày 28/6 với vai trò điều phối của ông Mora, kết nối giữa Trưởng đoàn đàm phán Iran Ali Bagheri Kani và Đặc phái viên Mỹ Rob Malley.
Theo đánh giá của ông Mora, hai ngày đàm phán căng thẳng ở Doha chưa mang lại tiến bộ như EU đã hy vọng. Ông cho biết: "Chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc với sự khẩn trương hơn nữa để đưa trở lại đúng hướng một thỏa thuận quan trọng về không phổ biến vũ khí hạt nhân và mang lại sự ổn định trong khu vực".
Phía Mỹ cũng bày tỏ sự “thất vọng” trước kết quả đàm phán với Iran. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ xác nhận: “Các cuộc đàm phán gián tiếp tại Doha đã kết thúc và chúng tôi lấy làm thất vọng khi Iran một lần nữa không phản ứng tích cực đối với sáng kiến của EU và do đó, không đạt được tiến triển nào”.
Trước đó, Iran khẳng định "đã nghiêm túc trong đàm phán hạt nhân với Mỹ", song cảnh báo rằng các cuộc đàm phán tại Doha sẽ chỉ kéo dài hai ngày.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran - ông Nasser Kanani nêu rõ: “Các cuộc đàm phán tại Doha ngay từ đầu được lên kế hoạch kéo dài trong 2 ngày và diễn ra trong bầu không khí chuyên nghiệp và nghiêm túc”. Đây là lần đầu tiên giới hạn thời gian cho đàm phán hạt nhân được đưa ra. Theo ông Kanani, tại cuộc đàm phán, các bên đã "trao đổi quan điểm của mình và đề xuất về những vấn đề còn lại".
Hãng thông tấn Tasnim của Iran cho biết Tehran quy trách nhiệm cho chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden về “sự yếu kém và không có khả năng ra quyết định cuối cùng” khiến đàm phán không tiến triển. Hãng tin Tasnim khẳng định: “Điều ngăn cản các cuộc đàm phán đạt kết quả là việc Mỹ khăng khăng giữ văn bản dự thảo mà nước này đề xuất tại Vienna theo hướng loại bỏ bất kỳ sự bảo đảm nào về lợi ích kinh tế của Iran”.
Trong khi đó, hãng thông tấn quốc gia Iran IRNA cũng dẫn lời Ngoại trưởng Hossein Amir-Abdollahian cho rằng: “Nếu phía Mỹ có ý định nghiêm túc và thực tế, thì một thỏa thuận là điều hoàn toàn có thể đạt được ở giai đoạn này và trong vòng đàm phán này”.
Cuộc đàm phán nhằm khôi phục JCPOA được bắt đầu từ tháng 4/2021 tại Vienna nhưng đã rơi vào bế tắc kể từ tháng 3/2022, do Iran và Mỹ có nhiều quan điểm khác biệt. Iran đã đưa ra một số điều kiện, trong đó việc yêu cầu Washington dỡ bỏ tất cả các lệnh trừng phạt liên quan thỏa thuận này, đồng thời đưa Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) ra khỏi danh sách tổ chức khủng bố. Tuy nhiên, Washington từ chối các yêu cầu của Tehran và đàm phán rơi vào đình trệ.