Đặc phái viên Tổng thống Mỹ: Phát triển năng lượng sạch làm tăng hấp lực của Việt Nam
Đặc phái viên của Tổng thống Mỹ về khí hậu, ông John Kerry chia sẻ về sự hỗ trợ của Mỹ với Việt Nam trong quá trình chuyển đổi năng lượng.
Trao đổi với báo chí nhân chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam, ông Kerry cho biết đã đi dọc sông Sài Gòn và thăm tỉnh Bến Tre - những khu vực chịu ảnh hưởng lớn của biến đổi khí hậu như nước biển dâng.
Thiếu đồng bộ
“Hiện nay chúng ta nỗ lực triển khai các biện pháp thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao sức chống chịu. Trước mắt, cần phát triển hạ tầng để thích ứng và duy trì chuỗi cung ứng.
Tôi đến thăm Bến Tre, nơi có nhà máy điện gió được xây dựng để cung cấp nguồn năng lượng tái tạo. Tuy nhiên lại thiếu đường dây truyền tải. Nghĩa là không đồng bộ. Ninh Thuận, Bình Thuận, Bến Tre… có rất nhiều dự án điện gió, điện mặt trời nhưng chưa được tận dụng triệt để do chưa có hệ thống truyền tải tốt”, ông nói.
Đặc phái viên của Tổng thống Mỹ về khí hậu nhấn mạnh, cần giảm dần điện than, chuyển sang sử dụng năng lượng sạch. Đó là giải pháp ứng phó biến đổi khí hậu, làm sao cung cấp đủ cho các gia đình, cho giao thông và các ngành công nghiệp cần đến điện năng với các nguồn điện sạch…
“Không chỉ có mỗi tôi tới đây để nói về điều này. Tổng thống Biden cũng đưa ra các chương trình tích cực và muôn vàn nhà khoa học trên toàn thế giới cũng khẳng định, đây là những gì chúng ta phải làm để giảm thiểu tác động có hại của biến đổi khí hậu. Thăm Bến Tre hay đi dọc sông Sài Gòn, tôi đã thấy rõ những rủi ro, tác động tiêu cực nếu không chuyển dịch nhanh chóng từ năng lượng hóa thạch sang năng lượng sạch”, ông nói.
Việt Nam tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu năm 2021 (COP26) đã cam kết đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Mỹ đang nỗ lực thực hiện các bước đi để giúp Việt Nam có thể chuyển đổi năng lượng và thực hiện cam kết.
“Trong cuộc gặp lãnh đạo Chính phủ và bộ, ngành Việt Nam, chúng tôi sẽ trình bày những cách thức hỗ trợ của Mỹ. Đầu tiên là hỗ trợ về tài chính để có thể áp dụng công nghệ mới. Mỹ cũng giúp Việt Nam có thể huy động được các nguồn tài chính quốc tế, chuyển giao công nghệ quốc tế để hiện thực hóa các cam kết, đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng”, Đặc phái viên Kerry chia sẻ.
Giải quyết vấn đề giá cả năng lượng sạch
Trước thực tế Việt Nam đang phát triển khá nhiều dự án điện gió, điện mặt trời nhưng giá thành vẫn ở mức cao, gây khó khăn cho người sử dụng, Đặc phái viên của Tổng thống Mỹ cho rằng, phải có nhiều điện gió, điện mặt trời hơn, dần dần giá thành sẽ giảm xuống.
Theo ông, nhiệt điện không hề rẻ, lại làm tăng nhiệt độ trái đất, tăng độ axit hóa đại dương và phát thải khí nhà kính. Mưa axit sẽ tạo ra hàm lượng axit cao hơn trong đại dương, hủy hoại làm trắng san hô, ảnh hưởng đến môi sinh tại các dòng sông, hồ chứa…
Ông Kerry khẳng định, trên thế giới, điện gió, điện mặt trời đang phát triển rất rầm rộ. Chắc chắn sau này nguồn điện tái tạo này sẽ rẻ hơn nhiệt điện. Việt Nam sẽ được hưởng lợi từ quá trình đó.
Trả lời câu hỏi hiện nay một số nước châu Âu đang tái khởi động nhà máy nhiệt điện, đặc phái viên John Kerry phân tích, châu lục này có rất nhiều nhà máy điện gió, nhưng vẫn bị ảnh hưởng bởi khủng hoảng Nga - Ukraine. Nhưng đây chỉ là ảnh hưởng tạm thời và ngắn hạn.
“Tôi xin nhấn mạnh từ tạm thời, bởi vì nó không thể kéo dài. Các quốc gia châu Âu, ví dụ như Đức với các nhà máy luyện nhôm, thép, nhà máy xi măng, sản xuất ô tô… rất nhiều doanh nghiệp lớn có tới 80% điện năng sử dụng là năng lượng tái tạo. Nghĩa là trong tương lai họ sẽ không phụ thuộc vào năng lượng hóa thạch nữa”, ông nói.
Ông Kerry nhấn mạnh, vẫn có các nhà máy nhiệt điện nhưng chỉ chiếm tỷ trọng tối thiểu và mang tính chất dự phòng khi có sự cố với các nhà máy năng lượng tái tạo. Không nên coi nhiệt điện là các dự án lâu dài, phải có khung thời gian để chuyển dịch năng lượng và các nhà máy không nên tồn tại quá khung thời gian này.
Đây là cuộc cách mạng về kinh tế, về năng lượng giống như cách mạng công nghiệp đã diễn ra mạnh mẽ trước đây. Mỹ đưa ra kế hoạch cấm bán xe động cơ đốt trong từ 2035. Việt Nam cần nhiều nhà máy điện gió, điện mặt trời hơn nữa, cần nhanh chóng có hệ thống truyền tải đủ công suất tích hợp các nhà máy năng lượng tái tạo, không độc quyền mà khuyến khích cạnh tranh để tăng tốc phát triển năng lượng sạch.
Mỹ, Việt Nam cùng nhiều nước trên thế giới cần có những bước tiến nhanh hơn, cùng hỗ trợ, thống nhất về cách thức hợp tác.
Chuyển đổi không phải một sớm một chiều
Theo Đặc phái viên của Tổng thống Mỹ, nhân loại đang đối mặt với cuộc khủng hoảng khí hậu toàn cầu, và khủng hoảng ấy đến từ chính mỗi người. Mỗi người, mỗi gia đình cần thay đổi cách thức sử dụng nhiên liệu.
“Quá trình chuyển đổi năng lượng sẽ phải mất vài thế hệ. Chúng ta cần tính toán dựa trên nghiên cứu của các nhà khoa học, như vậy cần phải nhanh chóng thay đổi nguồn nguyên liệu, giảm phát thải, đây là những hạng mục lớn cần làm ngay lập tức. Ford và General Motors đang chi hàng trăm tỷ USD để sản xuất xe điện. Tại châu Âu, Mỹ, ô tô đốt trong thường có thời hạn sử dụng 10-12 năm và nhiều nước cũng đặt kế hoạch chuyển sang xe điện. Đến năm 2050, chúng ta sẽ nỗ lực để mức phát thải ròng có thể bằng 0”, ông cho biết.
Ông Kerry thể hiện quan điểm rằng, Việt Nam cần có sự minh bạch về pháp lý, quy định giảm thiểu tối đa các thủ tục bởi rất nhiều doanh nghiệp sẵn sàng đến và đấu thầu. Nhà đầu tư cần biết rõ lộ trình với đồng tiền mà họ đầu tư như thế nào. “Minh bạch, pháp lý, quy định, trách nhiệm giải trình và đẩy nhanh quá trình ra quyết định”, ông nhấn mạnh.
Theo ông, Việt Nam khi có nguồn năng lượng sạch phát triển sẽ thu hút thêm vốn đầu tư nước ngoài. Nhiều doanh nghiệp đa quốc gia lớn như Amazon hay Samsung đã cam kết ở cấp độ toàn cầu để ứng phó với biến đổi khí hậu, vì vậy họ tìm kiếm năng lượng sạch. FDI đang đổ rất nhiều vào những thị trường có nguồn cung cấp năng lượng sạch và doanh nghiệp cần sự hỗ trợ của chính phủ để khai mở những nguồn năng lượng mới.
Có mặt cùng ông Kerry trong buổi gặp gỡ báo chí, ông Jake Levine, giám đốc phụ trách khí hậu của tập đoàn tài chính phát triển quốc tế Mỹ (DFC) cho biết, DFC đang thúc đẩy nguồn đầu tư của khối kinh tế tư nhân, nghĩa là làm việc với các doanh nghiệp để đẩy mạnh chuỗi cung ứng về năng lượng sạch như các trạm điện gió, điện mặt trời, dự án pin lưu trữ năng lượng…
Trao đổi với phóng viên, ông Kerry bày tỏ hy vọng Tổng thống Biden sẽ thăm Việt Nam trong nhiệm kỳ này.
Chiều 5/9, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tiếp Đặc phái viên của Tổng thống Mỹ. Ông Kerry tái khẳng định, Mỹ nhất quán coi trọng quan hệ Đối tác toàn diện với Việt Nam, ủng hộ Việt Nam đóng vai trò chủ động, thực chất tại khu vực và trong ứng phó với các vấn đề quốc tế, trong đó có biến đổi khí hậu.
Thủ tướng Phạm Minh Chính bày tỏ mong muốn Mỹ tiếp tục ủng hộ Việt Nam trong quá trình đàm phán thiết lập quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng, hỗ trợ Việt Nam về công nghệ và tài chính, bên cạnh việc phát triển nguồn nhân lực, hoàn thiện thể chế và chia sẻ kinh nghiệm. Thủ tướng mong muốn ông Kerry, với tư cách là người bạn lâu năm của Việt Nam, tiếp tục ủng hộ hỗ trợ tăng cường khả năng chống chịu cho các cộng đồng dễ bị tổn thương tại đồng bằng sông Cửu Long.