Đặc sắc ẩm thực Tây Nguyên
Từ những sản vật có sẵn trong tự nhiên, qua đôi bàn tay chế biến của các nghệ nhân các dân tộc gốc Tây Nguyên trên đất Lâm Đồng, những món ăn đậm vị núi rừng đã được tạo ra, làm nên nét văn hóa ẩm thực độc đáo chỉ có ở Tây Nguyên.
Nghệ nhân Ma Blim, ở huyện Đơn Dương, cho rằng: “Điểm đặc biệt làm nên sự độc đáo của ẩm thực Tây Nguyên chính là cách tẩm ướp gia vị (gia vị tươi từ các loại cây rừng), cùng cách chế biến món ăn (nướng trực tiếp trên đống than đỏ, hoặc nấu trong ống nứa). Nhờ cách thức này, các món ăn ở đây luôn giữ được vị tươi, vị ngọt, vị thơm chuẩn”. Nghệ nhân K’Thế đến từ huyện Lâm Hà nói thêm: “Ẩm thực Tây Nguyên là sự kết hợp tinh tế giữa các loại thảo dược (gia vị cũng là thảo dược) và thực phẩm tươi. Thực khách có thể cảm nhận điều đó khi thưởng thức các món ăn của người Tây Nguyên. Ẩm thực Tây Nguyên càng trở nên đặc hiệu, nếu thưởng thức nó trong không gian rẫy đồi - không gian sống của người bản địa Tây Nguyên - lúc ấy những tinh túy của ẩm thực nơi đây mới tỏa chân thực nhất”.
Theo nghệ nhân K’Thế, ngoài yếu tố đảm bảo đầy đủ các chất dinh dưỡng, bất cứ bữa ăn nào của người bản địa Tây Nguyên cũng đều đủ 7 vị: cay, chát, bùi, chua, đắng, nồng và thơm. Tham gia Hội thi Ẩm thực tại Ngày hội Văn hóa - Thể thao vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Lâm Đồng lần VII - năm 2024 do Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) tỉnh Lâm Đồng phối hợp với UBND huyện Bảo Lâm tổ chức, Đoàn nghệ nhân huyện Lâm Hà lựa chọn trưng bày, giới thiệu các món ăn truyền thống của người K’Ho (nhóm Srê, ở tổ dân phố Bồ Liêng, thị trấn Nam Ban, huyện Lâm Hà) gồm cà đắng da trâu, gà nướng, cơm nấu trong ống nứa, rau dớn xào, cá suối nướng, thịt trâu xông khói nướng, rượu cần... “Đây là những món ăn có từ thời của cụ ông, cụ bà người K’Ho, gắn với đời sống lao động trên rẫy”, nghệ nhân K’Thế cho biết.
Theo quy định của Ban Tổ chức, mỗi đội dự thi được tự do lựa chọn nguyên liệu thực phẩm, cũng như cách thức chế biến và bày biện mâm cỗ. Mỗi đoàn nghệ nhân cử ra một người thuyết trình, giới thiệu sơ lược về các món ăn của đoàn mình: quy trình chế biến, ý nghĩa của từng món ăn, món ăn xuất hiện trong đời sống thường ngày hay chỉ xuất hiện trong những dịp lễ lớn... Sau đó, Hội đồng Nghệ thuật sẽ thẩm tra, đánh giá, chấm điểm từng món ăn của 12 đoàn nghệ nhân tham dự. Theo ông Hoàng Mạnh Tiến- Giám đốc Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật tỉnh Lâm Đồng, Chủ tịch Hội đồng Nghệ thuật của Ngày hội Văn hóa - Thể thao vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Lâm Đồng lần VII - năm 2024, hội thi ẩm thực là một trong những hoạt động nằm trong chuỗi các sự kiện tại Ngày hội Văn hóa - Thể thao vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Lâm Đồng lần VII - năm 2024. “Các món ăn rất đa dạng, mang đậm bản sắc, hương vị riêng từng dân tộc, từng địa phương”, ông Hoàng Mạnh Tiến nói.
Qua thẩm tra, đánh giá, chấm điểm từng gian trưng bày ẩm thực của từng đoàn nghệ nhân, Hội đồng Nghệ thuật đã trình Ban Tổ chức trao giải Nhất Hội thi Ẩm thực cho Đoàn nghệ nhân huyện Đam Rông, giải Nhì là Đoàn nghệ nhân huyện Đơn Dương và Đoàn nghệ nhân TP Đà Lạt, giải Ba gồm 3 đoàn nghệ nhân: Bảo Lộc, Đạ Tẻh, Cát Tiên. Ngoài ra, Ban Tổ chức còn trao 6 giải Khuyến khích cho các đoàn nghệ nhân, bao gồm: Đoàn nghệ nhân huyện Bảo Lâm, Đoàn nghệ nhân huyện Di Linh, Đoàn nghệ nhân huyện Đạ Huoai, Đoàn nghệ nhân huyện Đức Trọng, Đoàn nghệ nhân huyện Lâm Hà và Đoàn nghệ nhân huyện Lạc Dương.
Theo Ban Tổ chức, hội thi ẩm thực cũng là dịp để quảng bá những nét ẩm thực truyền thống của các dân tộc bản địa Tây Nguyên trên đất Lâm Đồng đến cộng đồng, du khách gần xa, góp phần thu hút du khách đến Lâm Đồng trải nghiệm.
Nguồn Lâm Đồng: https://baolamdong.vn/doi-song/202412/dac-sac-am-thuc-tay-nguyen-d55365e/