Tối 20/10, tỉnh Hà Tĩnh phối hợp với Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 110 năm Ngày sinh đồng chí Lý Tự Trọng – người đoàn viên thanh niên cộng sản đầu tiên (20/10/1914 – 20/10/2024). Trong khuôn khổ lễ kỷ niệm, đại biểu tham dự đã được thưởng thức chương trình nghệ thuật “Lý Tự Trọng - Người đoàn viên thanh niên cộng sản đầu tiên”.
Chương trình nghệ thuật do Sở VH- TT&DL Hà Tĩnh chỉ đạo nội dung; Tổng đạo diễn, chỉ đạo nghệ thuật: NSƯT Ngọc Cẩm; Đạo diễn sân khấu và tác giả kịch bản: NSND Nguyễn An Ninh; âm nhạc: Nhạc sỹ Quốc Dũng; biên đạo múa: Nghệ sĩ Hải Trọng, Phương Thảo, Văn Hiếu...
Chân dung về cuộc đời, sự nghiệp cách mạng của đồng chí Lý Tự Trọng được tái hiện qua chương trình nghệ thuật “Lý Tự Trọng - Người đoàn viên thanh niên cộng sản đầu tiên”. Chương trình gồm 3 chương: Tuổi nhỏ hoài bão lớn, Đường cách mạng và Sáng mãi tên anh.
Chương trình đã khắc họa rõ nét Hà Tĩnh - miền quê có truyền thống văn hóa, truyền thống đấu tranh cách mạng, vùng địa linh, nhân kiệt đã sinh ra bao bậc hiền tài trong đó có anh hùng Lý Tự Trọng.
Lý Tự Trọng tên thật là Lê Hữu Trọng, sinh ngày 20/10/1914. Là con trai của cụ Lê Hữu Khoan (tức Lê Hữu Đạt), mẹ là Nguyễn Thị Sờm, quê ở làng Việt Xuyên, nay là xã Việt Tiến, huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh). Anh sinh tại Bản Mạy, tỉnh Nakhon Phanom, Vương quốc Thái Lan trong gia đình có truyền thống yêu nước.
Năm 1925, Lê Hữu Trọng là một trong 8 thiếu nhi Việt Kiều được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc lựa chọn sang Trung Quốc để học tập, đào tạo.
Anh được đổi tên thành Lý Tự Trọng; được các nhà cách mạng tiền bối, các đồng chí của Đảng Cộng sản các nước trực tiếp giảng dạy và tham gia nhóm “Thiếu niên tiền phong Việt Nam”.
Sau một thời gian học tập và hoạt động ở nước ngoài, anh Lý Tự Trọng được cử về nước hoạt động. Về Sài Gòn, đổi tên thành Nguyễn Huy. Trong thời gian này, anh đến các công xưởng, trường học vận động, tuyên truyền nhằm chuẩn bị cho việc thành lập tổ chức Đoàn Thanh niên Cộng sản trong nước.
Ngày 8/2/1931, Xứ ủy Nam Kỳ tổ chức cuộc mít tinh nhân kỷ niệm một năm ngày khởi nghĩa Yên Bái, để bảo vệ đồng chí của mình, Lý Tự Trọng rút súng bắn chết tên mật thám nhưng sau đó anh bị bắt.
Chúng đưa anh về khám lớn, dùng mọi cực hình đánh đập dã man.
Tại phiên tòa thượng thẩm xét xử, anh Lý Tự Trọng đã có câu nói bất hủ: “Con đường của thanh niên chỉ là con đường cách mạng, không thể có con đường nào khác”.
Trước xà lim máy chém, Lý Tự Trọng bình tĩnh, miệng hô lớn: “Đảng Cộng sản Đông Dương muôn năm!”, “Việt Nam, Việt Nam độc lập muôn năm!”, “Cách mạng Việt Nam thành công muôn năm!”.
Ngày 21/11/1931, Lý Tự Trọng anh dũng hy sinh nhưng câu nói bất hủ của anh là lời hiệu triệu, thúc giục lớp lớp thanh niên chiến đấu với mọi kẻ thù xâm lược, thắp lên ngọn lửa độc lập tự do cho dân tộc Việt Nam.
Noi gương anh, lớp lớp thanh niên đất Việt như: Trần Văn Ơn, Bế Văn Đàn, Phan Đình Giót, Võ Thị Sáu, Nguyễn Văn Trỗi, Nguyễn Viết Xuân...
...và biết bao trai hùng nữ kiệt đã không tiếc máu xương, cống hiến tuổi xuân và anh dũng hy sinh để làm nên "Đất Nước".
Tuổi trẻ hôm nay tự hào hát về anh… Đất nước quê hương khắc ghi người anh hùng nghĩa liệt. Anh mang thẻ đoàn viên số 1- Người đoàn viên thanh niên cộng sản đầu tiên.
Dưới ngọn cờ vinh quang của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, lớp lớp thanh niên Việt Nam luôn giữ trọn niềm tin sắt son với Đảng. Trân trọng, tự hào quá khứ vinh quang, vững tin hiện tại, mạnh mẽ tương lai, tiên phong, xung kích, sáng tạo, tình nguyện, mang hoài bão lớn tiếp tục cống hiến tuổi xuân cho quê hương, đất nước.
Đất nước, quê hương đang bước vào thời kỳ mới, tấm gương người anh hùng trẻ tuổi Lý Tự Trọng đang tiếp thêm sức mạnh, khát vọng hoài bão để thanh niên hôm nay làm chủ tri thức, bảo vệ những những giá trị cao đẹp, viết tiếp trang sử mới, góp phần quan trọng vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN.
Đình Nhất - Phúc Quang