Đặc sắc đêm hội cồng chiêng của núi rừng 'Đất Võ'

Tối 16-12, tại quảng trường trước Công viên Tượng đài Nguyễn Sinh Sắc - Nguyễn Tất Thành (TP Quy Nhơn, Bình Định), UBND tỉnh này đã tổ chức khai mạc liên hoan văn hóa cồng chiêng các dân tộc thiểu số tỉnh lần thứ II với chủ đề 'Âm vang nhịp điệu núi rừng'.

Tham gia liên hoan có các đồng chí lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh cùng đại diện các sở, ban ngành, địa phương tỉnh và đông đảo người dân, học sinh, sinh viên...

 Các đoàn biểu diễn cồng chiêng, múa, hát dân tộc miền núi Bình Định ra mắt tại khai mạc

Các đoàn biểu diễn cồng chiêng, múa, hát dân tộc miền núi Bình Định ra mắt tại khai mạc

Liên hoan có 7 đoàn văn hóa các dân tộc miền núi, với 250 nghệ nhân, diễn viên. Trong đó, có 6 đoàn thuộc các huyện, gồm: Vĩnh Thạnh, Vân Canh, An Lão, Tây Sơn, Phù Cát, Hoài Ân.

Nét mới của liên hoan lần này có sự tham gia của đoàn biểu diễn thứ 7, thuộc trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh Bình Định, lần đầu tiên đăng ký. Đoàn có 45 học sinh, người trẻ thuộc các dân tộc thiểu số miền núi, tham gia trình diễn nghệ thuật cồng chiêng và múa xoan.

 Các đồng chí lãnh đạo tỉnh Bình Định trao cờ, hoa cho các đoàn biểu diễn

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh Bình Định trao cờ, hoa cho các đoàn biểu diễn

Chương trình diễn ra xen lẫn những cơn mưa phùn nhỏ nên không khí có phần đặc biệt, nhiều tiết mục biểu diễn cồng chiêng, múa, hát của người dân tộc miền núi trở nên đậm đà bản sắc hơn. Giữa mưa phùn, hàng trăm người dân, cán bộ địa phương, học sinh, sinh viên, người trẻ đã đổ về để xem các tiết mục đặc sắc của núi rừng.

Tại liên hoan, ông Phạm Anh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định đã phát biểu, ôn lại những giá trị lịch sử, văn hóa truyền thống quý báu của các dân tộc thiểu số miền núi ở tỉnh Bình Định. Hiện, toàn tỉnh có 39 dân tộc thiểu số, trong đó chủ yếu là dân tộc Chăm, Bana, H’rê với lối sống và phong tục tập quán có nhiều sắc thái độc đáo, đa dạng, làm nên nét đặc trưng riêng đậm chất nhân văn và thượng võ của văn hóa Bình Định.

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cũng thông tin thêm về sự quan tâm, đầu tư trong bảo tồn và phát triển các bản sắc văn hóa dân tộc miền núi mà tỉnh đang chú trọng. Trước đây tỉnh cũng dành kinh phí đầu tư mua sắm, trang bị các nhạc cụ cồng chiêng cho các thôn, làng đồng bào dân tộc thiểu số để đến nay hầu hết các bản làng đều có nhạc cụ để biểu diễn, sinh hoạt, lễ hội…

 Lãnh đạo tỉnh Bình Định trao cờ lưu niệm cho các đoàn biểu diễn

Lãnh đạo tỉnh Bình Định trao cờ lưu niệm cho các đoàn biểu diễn

Liên hoan văn hóa cồng chiêng là dịp để các diễn viên, nghệ nhân cồng chiêng gặp gỡ, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm trong việc phục hồi, truyền dạy và phát huy các bản sắc của mình.

Liên hoan cũng tạo điều kiện để người miền ngược giao lưu, trình diễn các bản sắc văn hóa, nghệ thuật cho những người dân miền xuôi, đồng bằng miền biển thưởng thức, gợi lên không khí, tinh thần đoàn kết sâu sắc giữa các vùng miền.

 Cồng chiêng kết hợp với các điệu múa của núi rừng trong đêm khai mạc

Cồng chiêng kết hợp với các điệu múa của núi rừng trong đêm khai mạc

Dịp này, ban tổ chức công bố quyết định thành lập hội đồng thẩm định nghệ thuật và tổ thư ký cho liên hoan lần thứ II.

 Các em học sinh, người trẻ ở dân tộc Ba Na trình diễn các làn điệu giữa tiếng cồng chiêng truyền thống

Các em học sinh, người trẻ ở dân tộc Ba Na trình diễn các làn điệu giữa tiếng cồng chiêng truyền thống

 Hàng trăm bạn trẻ, học sinh, sinh viên đội mưa phùn đến thưởng thức các tiết mục văn hóa miền núi

Hàng trăm bạn trẻ, học sinh, sinh viên đội mưa phùn đến thưởng thức các tiết mục văn hóa miền núi

>>>Một số hình ảnh tại liên hoan:

NGỌC OAI

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/dac-sac-dem-hoi-cong-chieng-cua-nui-rung-dat-vo-post718691.html