Đặc sắc di sản văn hóa đồng bào dân tộc Mông

Ở huyện Than Uyên, người Mông có số dân đông thứ 3, sau người Thái, người Kinh. Những năm qua, đồng bào dân tộc Mông nơi đây vẫn luôn gìn giữ, bảo tồn những giá trị đặc sắc di sản văn hóa; góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho người dân, tạo điểm nhấn để thu hút du khách đến với địa phương

Huyện Than Uyên có trên 1.400 hộ dân tộc Mông với hơn 8.500 nhân khẩu, sinh sống tập trung tại 21 bản thuộc 8 xã: Tà Mung, Phúc Than, Tà Hừa, Khoen On, Pha Mu, Mường Cang, Mường Than, Ta Gia. Trải qua dòng chảy thời gian, người Mông ở Than Uyên luôn tự hào về nét đẹp trong văn hóa truyền thống của dân tộc từ tín ngưỡng, chữ viết, âm nhạc, văn nghệ đến trang phục, ẩm thực, kiến trúc nhà ở…

Một trong những di sản văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc Mông đó chính là lễ hội “Gầu Tào”, thường được bà con các bản tổ chức vào dịp Tết Nguyên đán hàng năm để tạ ơn trời đất đã ban phước lành cho dân bản được ấm no, hạnh phúc, bình an, may mắn; vợ chồng có con, đôi lứa có cặp yêu nhau thủy chung; mùa màng bội thu, thóc ngô đầy sàn, gia súc, gia cầm đầy chuồng… Lễ hội có 2 phần, phần lễ với nghi thức cúng cây nêu, phần hội có nhiều hoạt động vui chơi trò chơi dân gian, hát ống, thi giã bánh giầy…

Sau phần lễ là phần hội tưng bừng nhộn nhịp, các chàng trai người Mông say sưa vừa thổi khèn vừa múa; những cô gái xúng xính trong bộ váy vui ca hát, múa sênh tiền. Các cặp đôi hát ống giao duyên. Người già, trung tuổi thì trò chuyện, chia sẻ với nhau về cuộc sống gia đình; cách làm kinh tế, truyền dạy cho thế hệ trẻ tiếp tục gìn giữ văn hóa dân tộc. Ở một góc khác, bà con vui ném pao; thanh niên chơi tù lu, đẩy gậy, nhảy dây pao…

Vào mỗi dịp lễ, tết, không chỉ thưởng thức phần lễ hội “Gầu tào” độc đáo mà du khách còn được tìm hiểu không gian văn hóa dân tộc Mông với kiến trúc nhà ở; xem trình diễn nghề thủ công truyền thống, nghệ thuật trình diễn dân gian; chơi các trò chơi dân gian. Trải nghiệm nét sinh hoạt thường ngày tại nhà truyền thống của dân tộc Mông như: xay ngô, khắc hoa văn lên vải bằng sáp ong, dệt vải, thổi khèn, giã bánh giầy. Hóa thân thành những cô gái, chàng trai người Mông trong bộ trang phục truyền thống…

Xác định “văn hóa là nền tảng tinh thần, động lực thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội ở địa phương”, cùng với sự nỗ lực của người dân, cấp ủy, chính quyền các cấp huyện Than Uyên luôn quan tâm đầu tư nguồn lực phát triển văn hóa các dân tộc, trong đó có dân tộc Mông. Bà Lương Thị Tý - Trưởng phòng Văn hóa thông tin huyện Than Uyên cho biết: Để giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc Mông được bảo tồn và phát huy, trở thành điểm nhấn thu hút khách du lịch trên địa bàn, chúng tôi tăng cường tuyên truyền, vận động nhân dân gìn giữ những nét đẹp văn hóa; đầu tư xây dựng không gian văn hóa dân tộc Mông tại sân vận động. Thường xuyên đưa các đội văn nghệ, đội khèn tham gia hội thi, biểu diễn tại các sự kiện lớn của tỉnh, huyện; giao lưu văn hóa văn nghệ với các tỉnh bạn. Tổ chức các lễ hội “Gầu tào”, chợ phiên Nậm Pắt tại xã Tà Mung, đã thu hút hàng nghìn lượt du khách và nhân dân từ khắp mọi miền Tổ quốc đến trải nghiệm văn hóa dân tộc Mông.

Điều này minh chứng sức hút của di sản văn hóa đồng bào dân tộc Mông với khách du lịch; quả ngọt cho sự cố gắng không ngừng của người dân luôn kiên trì, bền bỉ gìn giữ, bảo tồn và phát triển giá trị văn hóa đặc sắc trở thành sản phẩm du lịch hấp dẫn ở Than Uyên. Đồng thời là động lực để các dân tộc khác trên địa bàn huyện Than Uyên nói riêng, tỉnh Lai Châu nói chung tiếp tục sự nghiệp phát triển văn hóa theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng: “Phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc”.

Đinh Đông - Ngọc Duy

Nguồn Lai Châu: https://baolaichau.vn/v%C4%83n-h%C3%B3a/%C4%91%E1%BA%B7c-s%E1%BA%AFc-di-s%E1%BA%A3n-v%C4%83n-h%C3%B3a-%C4%91%E1%BB%93ng-b%C3%A0o-d%C3%A2n-t%E1%BB%99c-m%C3%B4ng