Đặc sắc lễ cưới của người Jrai Chor vùng thung lũng Ayun Pa

Vừa qua, tôi có dịp về Ayun Pa (Gia Lai) tham dự lễ cưới của cô dâu Ksor H'Hiệp (buôn Krăi, xã Ia Rbol) và chú rể Kpă Pam Vương (buôn Ama Dương, phường Đoàn Kết). Một lễ cưới thật ấn tượng vì tổ chức đúng kiểu truyền thống của người Jrai Chor.

Trước khi tổ chức lễ cưới, đôi vợ chồng trẻ cùng gia đình đã tiến hành một số thủ tục truyền thống. Người Jrai ở Ayun Pa theo chế độ mẫu hệ, đàn ông sau khi lấy vợ sẽ về ở bên nhà vợ. Vì vậy, nhà gái phải chủ động trong việc ngỏ lời và phải chịu mọi phí tổn cho việc tổ chức hôn lễ. Đầu tiên, người làm mối của nhà gái sẽ đến nhà trai hỏi ý kiến. Nếu đồng ý làm rể, nhà trai sẽ hẹn ngày cho nhà gái sang làm lễ hỏi. Tham dự lễ hỏi gồm cha mẹ, cô dì, chú bác, anh em họ hàng. Nhà gái mang cho nhà trai 1 mâm cơm gà, 1 con dao nhỏ (với ý nghĩa để việc sinh nở được tốt đẹp) và 1 con dê để gia đình nhà trai tiếp đãi họ hàng, bạn bè, dân làng. Hai bên gặp nhau, giới thiệu họ hàng rồi trao đổi, thống nhất chọn ngày cưới. Tại lễ này, người mai mối sẽ cùng người thân động viên chàng rể đến nơi ở mới cần có những ứng xử đúng mực để vun đắp, xây dựng gia đình hạnh phúc. Sau đó, cô gái trao vòng đồng, bạc, cườm có giá trị cho chàng trai làm tin. Sau lễ này, chàng trai có thể về nhà gái ở luôn.

Nghi lễ trao vòng tay trong lễ cưới truyền thống. Ảnh: internet

Nghi lễ trao vòng tay trong lễ cưới truyền thống. Ảnh: internet

Đến ngày cưới, nhà gái tổ chức lễ rước rể về làm đám cưới. Từ sáng sớm, gia đình nhà cô dâu Ksor H'Hiệp đã có mặt tại nhà chú rể Kpă Pam Vương. Theo bàn bạc, đúng 8 giờ, nhà trai phải có mặt ở nhà gái. Già làng Ksor Brí đại diện họ nhà gái dẫn đoàn nhà trai lên nhà sàn, trao cho mỗi người 1 chiếc vòng đồng mang ý nghĩa thắt chặt nghĩa tình họ hàng rồi giới thiệu các thành viên dòng họ đôi bên. Trong lúc đó, những người phụ giúp bắt đầu mang ghè rượu ra giữa nhà. Đây là những ghè rượu được nhà gái làm từ nhiều tháng trước để chuẩn bị cho lễ cưới.

Đầu tiên là lễ cúng tổ tiên (thường cúng 1 ghè rượu, 1 con gà). Ông mai đọc lời khấn báo cho tổ tiên biết hôm nay gia đình tổ chức lễ cưới, cầu xin tổ tiên giúp đỡ, ban cho mọi người sức khỏe dồi dào, cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Tiếp đó, ông mai thực hiện lễ thành vợ chồng (hay còn gọi là lễ đổi vòng hoặc lễ thành thân). Lễ vật là 2 ghè rượu, 1 con heo (gồm đầu heo,1 đùi, gan, thịt) và 1 con gà nướng để cúng xin thần linh cho phép con gái của gia đình lấy chồng, phù hộ cho đôi trẻ hạnh phúc, có nhiều sức khỏe, nhiều con cái, nhiều của cải. Sau đó, ông mai dặn dò cô dâu, chú rể về cách ứng xử trong gia đình khi về sống chung nhà, trao đổi về gia cảnh, tính cách, những phẩm chất và cả một số tính xấu của đôi bên để hiểu và thông cảm. Nếu ai phạm lỗi, ly hôn thì phải chịu phạt theo luật tục. Rồi ông mối nhà gái lấy chiếc vòng đồng trong bát đưa cho cô dâu Ksor H'Hiệp đeo vào tay chú rể Kpă Pam Vương; chú rể cũng đeo lại vòng cho cô dâu. Thực hiện lễ đổi vòng xong, đôi vợ chồng trẻ cùng uống rượu, ăn thịt gà. Từ nay, họ chính thức là vợ chồng.

Tiếp theo là lễ cúng quà cho cha mẹ nhà trai nhằm tỏ lòng biết ơn công lao sinh thành, dưỡng dục con trai khôn lớn, trưởng thành để hôm nay nhà gái có được người con hiếu thảo, cô gái được người chồng tốt. Lễ vật cho mẹ thường có giá trị hơn cho cha. Trong lễ cưới, quà của cô dâu Ksor H'Hiệp dành cho mẹ chồng là 1 con bò và 1 ghè rượu, còn quà cho cha chồng là 1 ghè rượu.

Xong các lễ thức, bố mẹ nhà gái, bố mẹ nhà trai lần lượt mời rượu họ hàng hai bên, khách mời và dân làng. Người đến dự đám cưới có gì mừng nấy, như một bì gạo tẻ 1-3 kg, vài bịch rượu trắng, 1 ghè rượu nhỏ/vừa, tiền mừng từ 30.000 đồng đến 100.000 đồng.

Thịt bò, heo, gà được đàn ông trong làng và các chị em chế biến thành nhiều món ngon như thịt xắt cục nướng xiên, thịt bóp mật, xương hầm củ quả, xương thịt nấu cháo, thịt nướng lá chuối, thịt luộc, thịt xắt mỏng trộn với rau diếp cá và miến sợi, thịt kho mặn để ăn cùng cơm trắng... Thức chấm là món muối sả ớt, chanh được kỳ công giã và trộn, tạo nên hương vị thơm ngon khác lạ. Thức ăn được dọn lên các bàn tròn thuê về kê trong sân hoặc chỉ cần đặt trên những chiếc mẹt tre nứa trải lá nơi những gốc cây có bóng mát trong khuôn viên sân vườn nhà cô dâu. Họ hàng, khách xa gần về mừng cưới cứ ăn uống vui say đến khuya. Ai say mệt thì về hoặc có thể ngủ lại nhà gia chủ.

Sau lễ cưới 3 ngày, cô dâu Ksor H'Hiệp cùng chú rể Kpă Pam Vương sẽ trở về nhà trai, mang theo 1 túm cơm, 1 con gà nướng và 1 con dê đực để cảm ơn bố mẹ chồng. Họ sẽ ở nhà trai ít nhất 1 ngày đêm. Cô dâu làm các công việc nhà: giã gạo, xúc cua, bắt cá, hái rau, gùi nước, nấu cơm, lấy củi, quay sợi, dệt vải... Sau đó, vợ chồng xin phép bố mẹ đưa nhau về lại nhà vợ. Lúc này, các lễ thức trong hôn lễ mới kết thúc. Từ đây, chú rể ở cùng gia đình cô dâu, lo việc ruộng rẫy cùng gia đình bên vợ.

Ông Lại Quang Minh-Giám đốc Trung tâm Văn hóa-Thông tin và Thể thao thị xã Ayun Pa: “Mấy năm gần đây, do tác động của nhiều yếu tố mà người Jrai đang có xu hướng tổ chức lễ cưới theo hình thức đãi tiệc tại nhà hàng hay dựng rạp giống như người Kinh. Đôi khi lễ cưới trở thành gánh nặng cho nhà gái hoặc cho chính người được mời. Không những thế, lễ cưới kiểu mới còn làm mất đi bản sắc văn hóa truyền thống của người Jrai. Chính vì vậy, việc tuyên truyền, vận động người Jrai lưu giữ và phát huy tinh hoa văn hóa của dân tộc mình, trong đó có lễ cưới truyền thống, là rất thiết thực. Hiện nay, nhiều người Jrai ở thị xã Ayun Pa vẫn duy trì lễ cưới truyền thống có sự rút ngắn thời gian thực hiện lễ thức (chỉ khoảng 1 ngày 1 đêm) cho phù hợp với cuộc sống mới”.

HOÀNG THANH HƯƠNG

Nguồn Gia Lai: http://baogialai.com.vn/channel/12382/201909/dac-sac-le-cuoi-cua-nguoi-jrai-chor-vung-thung-lung-ayun-pa-5651460/