Đặc sắc lễ hội Cầu ngư
Ngày 1/2, ngư dân làng chài xã Bình Thạnh, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi tổ chức lễ hội Cầu ngư và giỗ thần Nam Hải cùng hát bả trạo. Đây là nét văn hóa tín ngưỡng đặc sắc của ngư dân miền biển, nhằm cầu mong mưa gió thuận hòa, mùa biển bội thu.
Ban lễ thực hiện các nghi lễ cúng, dâng hương, cầu an. Sau đó, đội thuyền hát bả trạo và đoàn nghi lễ sẽ nghinh thần, rước thần Nam Hải.
Hành trình nghinh thần đi từ Lăng vạn Hải Ninh dọc bờ biển Sa Cần đến điểm tổ chức lễ cầu ngư tại Cảng cá Sa Cần, cuối cùng rước lên thuyền của ngư dân. Ban lễ cầu ngư lên thuyền để tế lễ. Sau khi thỉnh thần trở về từ biển sẽ đưa vào Lăng vạn Hải Ninh, thực hiện cúng lễ cáo giỗ, báo cáo với thần những việc sẽ làm trong năm và xin thần Nam Hải những điều tốt lành trong năm mới.
Lễ hội cũng hội tụ các loại hình biểu diễn nghệ thuật truyền thống hát bả trạo. Đội hình bả trạo gồm 18 người trong đó có 3 người đóng vai trò chỉ huy là các ông tổng mũi, tổng thương và tổng lái, còn lại các con trạo (tay chèo), sắp xếp như một chiếc thuyền rồng.
Sau lễ Cầu ngư và giỗ thần Nam Hải, ngư dân đến lăng thờ thắp hương trước khi xuất bến, cầu mong chuyến biển gặp nhiều thuận lợi.
Ông Lê Tấn Khánh - Phó Chủ tịch UBND xã Bình Thạnh cho biết, toàn xã có 111 tàu cá tham gia khai thác trên biển. Lễ hội này là nét văn hóa của ngư dân ven biển, được tổ chức hằng năm nhằm cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa ra khơi trúng nhiều mẻ tôm cá.
Lăng vạn Hải Ninh được xây dựng từ năm 1813, đến năm 1995 được tu sửa và từ đó đến nay các hoạt động thờ cúng cá Ông, lễ hội Cầu ngư, hát bả trạo được khôi phục và duy trì cho đến ngày nay.
Cũng trong ngày 1/2, lễ hội Cầu ngư làng Thai Dương Hạ (xã Hải Dương, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế) diễn ra, thu hút đông đảo người dân tham dự.
Đã thành thông lệ, cứ tam niên đáo lệ (tức 3 năm 1 lần), người dân làng Thai Dương Hạ long trọng tổ chức lễ hội Cầu ngư với nhiều hoạt động như phát khăn đỏ, nghinh Thần hoàng quanh làng, hát bộ,...
Lễ hội Cầu ngư được tổ chức để dân làng tưởng nhớ vị thành hoàng của làng là ông Trương Quý Công (biệt danh của Trương Thiều), người gốc Thanh Hóa có công dạy cho dân nghèo đánh cá và buôn bán ghe mành.
Lễ hội được chia làm 2 phần gồm phần lễ và hội. Đối với phần lễ gồm Lễ Cung nghinh ngài Thần hoàng và tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ như múa lân, biểu diễn ca Huế; lễ Cầu an, tất cả các chủ thuyền mặc áo dài đen, quần trắng, đầu chít khăn đỏ chỉnh tề lần lượt vào làm lễ.
Về phần hội gồm nhiều trò diễn hài hước, phóng khoáng tái hiện toàn bộ cuộc sống của người dân địa phương. Tại sân đình, người dân diễn trò bủa lưới, trò quệ, bủa lưới nậu lưới…
Lễ hội Cầu ngư là dịp để nhớ đến công ơn của các bậc tiền nhân khai canh của làng, cầu cho năm mới mưa thuận gió hòa, mọi người sức khỏe để chuẩn bị cho mùa vụ sắp đến. Đây còn là dịp để những người con xa quê được chiêm ngưỡng nét văn hóa truyền thống và nhớ về nguồn cội.
Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/dac-sac-le-hoi-cau-ngu-5708674.html