Đặc sắc Lễ hội đua thuyền tứ linh ở đảo Lý Sơn
Lễ hội đua thuyền tứ linh là nét văn hóa truyền thống dân gian mang đậm bản sắc của cư dân huyện đảo Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi). Người dân Lý Sơn tổ chức lễ hội nhằm tưởng nhớ cội nguồn tổ tiên, các vị tiền hiền buổi đầu khai sinh đất đảo và đội hùng binh Hoàng Sa đã có công bảo vệ biên cương Tổ quốc cũng như cầu cho mưa thuận gió hòa, làng xóm yên bình, mùa màng tươi tốt.
1. “Mùng bốn có hội đua ghe/ Cho đến mùng bảy bắt phe dồi bòng”. Đó là câu ca lưu truyền từ bao đời nay của cư dân huyện đảo Lý Sơn về Lễ hội đua thuyền tứ linh diễn ra từ ngày mùng bốn đến mùng bảy Tết Nguyên đán hằng năm.
Lễ hội đua thuyền tứ linh được tổ chức lần đầu tiên vào năm 1827 khi các tộc họ từ đất liền ra khai khẩn mở mang đất đảo. Gọi là đua thuyền tứ linh, bởi lẽ các thuyền đua được trang trí hình dáng tượng trưng và mang tên con vật trong bộ tứ linh theo quan niệm trong tín ngưỡng truyền thống của người Việt, đó là Long, Lân, Quy, Phụng. Đây là sinh hoạt văn hóa tinh thần kết hợp nghi lễ với vui chơi dân gian có quy mô lớn nhất, thu hút người dân tham gia đông nhất trên huyện đảo Lý Sơn. Dù trải qua gần 200 năm, Lễ hội đua thuyền tứ linh vẫn được bảo tồn, gìn giữ và phát huy đến tận ngày nay.
Trải qua gần 200 năm, Lễ hội đua thuyền tứ linh ở Lý Sơn vẫn được gìn giữ, phát huy.
Hội đua thuyền tứ linh ở Lý Sơn theo truyền thống gồm 2 cuộc đua, diễn ra tại hai làng An Hải và An Vĩnh. Mỗi hội thường có 8 thuyền đua. Các thuyền này thường được đặt ở các lăng, miếu, đình làng để thờ cúng. Trước khi tham gia đua, tối hôm trước hoặc sáng sớm hôm sau, mỗi đội thuyền đều tổ chức cúng tế thần linh theo những nghi thức riêng. Trên đường đến trường đua, các thuyền phải quay đầu vào bờ để lạy thần linh, gọi là “xin phép”. Trường đua thuyền trên đảo Lý Sơn là trên biển gần bờ, gần các lăng, miếu, đình làng. Một cuộc đua gồm 4 vòng đôi (tức 8 vòng chiếc), tổng chiều dài khoảng hơn 4 hải lý. Thành viên của các đội đua thuyền là những trai tráng giỏi nghề biển. Mỗi đội đua có 21 - 24 người, tuổi từ 18 - 55, trong đó có một tổng lái, một tổng khoan (lo việc tát nước), một đập then và các tay đua. Mỗi thuyền đua đều có đồng phục riêng cho các tay đua.
Ông Võ Minh (ngụ huyện Lý Sơn) cho biết, thông qua Lễ hội đua thuyền tứ linh, người dân trên đảo Lý Sơn mong muốn được bình yên, nông nghiệp cũng như ngư nghiệp bội thu, đắc tài đại lợi. Ngoài cầu mong sự bình an, tốt lành trong năm mới, lễ hội còn mang giá trị truyền thống văn hóa nối kết từ quá khứ đến hiện tại, xuyên suốt hàng trăm năm qua trên mảnh đất tiền tiêu của Tổ quốc.
“Lễ hội còn mang ý nghĩa tri ân công đức các vị tiền hiền buổi đầu khai sinh đất đảo và những tiền nhân đã ra đi bảo vệ từng tấc đất quê hương. Họ là những Cai đội, Chánh suất đội, Thủy quân ở đảo Lý Sơn được sung vào đội hùng binh Hoàng Sa ra đi làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa”, ông Minh chia sẻ. Theo ông Bùi Tá Thanh (Trưởng ban Khánh tiết đình làng An Vĩnh), trước đây, việc tổ chức Lễ hội đua thuyền tứ linh là để thi thố tài năng điều khiển thuyền đua trên biển nhằm tuyển chọn những trai tráng khỏe mạnh, giỏi bơi lội, sung vào đội hùng binh Hoàng Sa, thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc. Ngày nay, vận động viên tham gia đua thuyền tứ linh cũng được tuyển chọn từ những ngư dân giỏi nghề đi biển ở ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa. Lễ hội này đã ăn sâu vào tâm thức của cư dân đất đảo, thể hiện khát vọng chinh phục biển khơi, nơi mà cha ông đã không tiếc thân mình để cắm mốc, dựng bia chủ quyền thiêng liêng của đất nước.
Giải thích phần nghi lễ và phần hội của lễ hội đặc sắc này, ông Nguyễn Đăng Vũ (nguyên Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Ngãi), người có gần 30 năm nghiên cứu văn hóa Lý Sơn đúc kết, với nghi thức cúng tế trang nghiêm trước, trong và sau cuộc đua thuyền thì đây là tín ngưỡng hầu thần, nghinh thần. Cuộc đua là màn diễn xướng dân gian mang tính chất nghi lễ cầu thần linh phù hộ cho những cuộc ra khơi và cuộc sống yên bình. Chính yếu tố tín ngưỡng này đã làm nên sức mạnh của cộng đồng và người Lý Sơn luôn đoàn kết, thẳng tiến ra khơi khai thác thủy sản, chinh phục biển khơi. Đó cũng chính là tầm vóc và ý nghĩa to lớn của Lễ hội đua thuyền tứ linh.
2. Lễ hội đua thuyền tứ linh ở Lý Sơn không chỉ hấp dẫn bởi sự kịch tính, khí thế thi đua giữa các đội thuyền, mà còn thu hút bởi những trang trí tinh xảo của mỗi thuyền đua, nhất là phần đầu và đuôi tứ linh của thuyền. Người dân nơi đây cho rằng, thuyền trang trí càng đẹp càng mang lại may mắn, hứng khởi cho đội đua nên người được giao vẽ và trang trí thuyền đua phải là các nghệ nhân có tay nghề cao để có thể thổi hồn vào linh vật.
Thuyền Long trong Lễ hội đua thuyền tứ linh ở Lý Sơn.
Nghệ nhân Bùi Thanh Hên - người đã hơn 30 năm gắn bó với nghề vẽ thuyền đua tứ linh, cũng là người được cho là trang trí đầu, đuôi thuyền tứ linh đẹp nhất hiện nay ở Lý Sơn cho biết, cái khó nhất của công việc này là phải biết vận dụng các chi tiết, màu sắc mang tính đặc trưng của tứ linh để thổi hồn của từng linh vật cho mỗi chiếc thuyền đua. Hơn nữa, mỗi lần làm là mỗi lần đòi hỏi sự sáng tạo để sản phẩm sau không lặp lại sản phẩm trước, vì vậy người thực hiện luôn phải đổi mới, linh hoạt.
Theo ông Hên, trước đây, đầu và đuôi thuyền đua tứ linh thường làm bằng gỗ, khi các thuyền va đập dễ bị cong, vênh, thậm chí sứt, vỡ. Chính ông đã sáng tạo thay gỗ bằng mút để chuyên làm các bộ đầu, đuôi thuyền. Ðặc tính của mút là nhẹ, mềm, có độ dai, do vậy khi các thuyền va chạm, các chi tiết trang trí khó bị hỏng hơn, nhờ đó mà độ bền cao hơn. Nhưng cái khó là mỗi tấm mút chỉ dày 5 phân nên để tạo thành khối phải mất nhiều thời gian để ghép các tấm lại sao cho thật khít, từ đó mới có thể đẽo, gọt, tạo hình theo ý muốn. Nếu không thạo nghề, phải mất 2 - 3 tháng mới xong một bộ đầu, đuôi. Như ông Hên, dù là người lão luyện cũng mất tới một tháng để hoàn thiện, cộng thêm khoảng một tuần trang trí cho thuyền.
Để làm và trang trí nên một chiếc thuyền đua tứ linh không phải là điều mà ai cũng có thể làm được. Quan sát từng chi tiết, họa tiết trên thuyền mới thấy sự công phu, tài hoa của thợ vẽ. Những nét vẽ tỉ mỉ, uyển chuyển, phối hợp ăn ý giữa pha trộn các sắc màu đã làm nên “thần thái” cho chiếc thuyền. Không chỉ vậy còn tạo nên sự độc đáo trong văn hóa đời sống của người dân đảo Lý Sơn qua Lễ hội đua thuyền tứ linh, góp phần gìn giữ nét đẹp truyền thống bao đời của người dân miền biển đảo.
Bà Phạm Thị Hương (Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn) cho biết: “Tinh thần đoàn kết là những gì chúng ta thấy ở Lễ hội đua thuyền tứ linh. Ở đó, không chỉ tranh tài mà trai tráng Lý Sơn thể hiện ý chí biển khơi, thể hiện sự tài giỏi của con cháu hùng binh Hoàng Sa. Tháng 9/2020, Lễ hội đua thuyền tứ linh đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia. Thời gian tới, huyện sẽ phối hợp với ngành văn hóa soạn thảo, tổng hợp những tài liệu lịch sử về Lý Sơn, đặc biệt là hai di sản văn hóa phi vật thể quốc gia có liên quan mật thiết với nhau là Lễ hội đua thuyền tứ linh và Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa. Từ đó, tuyên truyền rộng rãi ở trong, ngoài nước để lễ hội đặc biệt này sống mãi trong cộng đồng và ngày một phát triển”.
Những năm qua, Lý Sơn là điểm đến hấp dẫn của khách du lịch trong và ngoài nước. Vì thế, di sản Lễ hội đua thuyền tứ linh cũng là một sản phẩm du lịch độc đáo cần được khai thác trong thời gian tới.
Trong cuốn sách “Văn hóa dân gian của cư dân ven biển Quảng Ngãi”, tác giả Nguyễn Đăng Vũ cho rằng, Lễ hội đua thuyền tứ linh trên đảo Lý Sơn là dịp ôn lại truyền thống, noi gương ý chí của ông cha trong buổi đầu sinh thành ra cộng đồng cư dân trên hòn đảo nhỏ bé này, với không biết bao nhiêu khó khăn, gian khổ; ôn lại truyền thống cha ông họ đã nương theo gió nồm ra quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa tìm kiếm sản vật, dựng bia, cắm mốc chủ quyền...
Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/ly-luan/dac-sac-le-hoi-dua-thuyen-tu-linh-o-dao-ly-son-i645821/