Đặc sắc Lễ hội 'Vang mãi tiếng chày trên sóc Bom Bo' ở Bình Phước
Tối 10/11, tại Khu bảo tồn văn hóa dân tộc S'tiêng sóc Bom Bo (huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước) đã diễn ra Lễ bế mạc Lễ hội 'Vang mãi tiếng chày trên sóc Bom Bo' năm 2024.
Có mặt tại đây, phóng viên ghi nhận từ khoảng 15h chiều 10/11 đã có hàng chục ngàn người dân từ nhiều nơi đổ về Khu bảo tồn văn hóa dân tộc S’tiêng sóc Bom Bo để xem chương trình nghệ thuật tại Lễ hội “Vang mãi tiếng chày trên sóc Bom Bo”.
Người dân nơi đây phấn khởi cho biết, lần đầu tiên ở đây tổ chức chương trình lớn và đông người đến như vậy. Con đường dẫn vào Khu bảo tồn văn hóa dân tộc S’tiêng kẹt xe hàng kilomet, CSGT và Công an địa phương phối hợp với các lực lượng chức năng căng mình điều tiết.
Anh Bùi Đình Ngừng ở tổ 1, ấp 7, xã Bom Bo, huyện Bù Đăng cho biết: “Tôi ở đây đã 30 năm rồi, nay mới thấy chương trình lớn và đông như vậy. Có thể nói đây là lần đầu tiên con đường này kẹt xe. Gia đình tôi nghỉ làm việc để đến đây xem chương trình từ sớm”.
Còn anh Lê Hồng Huê, du khách đến từ TP Hồ Chí Minh cho biết: “Ngay khi biết thông tin có sự kiện ở sóc Bom Bo, tôi và một số người bạn lên đây từ hôm qua. Qua chứng kiến một số hoạt động của lễ hội từ hôm qua đến nay, tôi thấy rất ý nghĩa, đa dạng và phong phú”.
Lễ hội diễn ra từ ngày 8 - 10/11, chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng Bù Đăng (14/12/1974 14/12/2024). Chuỗi các hoạt động trong lễ hội như: Chương trình nghệ thuật “Giã gạo chày tay - Nuôi quân đánh giặc” công phu, hoành tráng với sự tham gia của các ca sỹ, nghệ sỹ đến từ Hà Nội và TP Hồ Chí Minh cùng hàng trăm diễn viên tái hiện lại hình ảnh giã gạo nuôi quân, đánh giặc giữ nước của đồng bào dân tộc S’tiêng…
Trong không gian của khu bảo tồn, người dân và du khách tham quan được thưởng thức tiếng nhạc ngân vang của đàn đá do các nghệ nhận người S’tiêng biểu diễn. Tiếng nhạc đàn đá hòa cùng với điệu nhảy của các nghệ nhân đã để lại nhiều ấn tượng sâu sắc cho du khách.
Lễ hội đã đón nhận Kỷ lục Quốc gia bộ Cồng chiêng chế tác bằng đồng đỏ và thiếc để biểu diễn lớn nhất Việt Nam, Bộ đàn đá lớn nhất Việt Nam của Tổ chức Kỷ lục Quốc Gia Việt Nam.
Phát biểu bế mạc lễ hội, đồng chí Vũ Văn Mười, Chủ tịch UBND huyện Bù Đăng cho biết, lễ hội chính là sự tri ân và tôn vinh những giá trị văn hóa, đồng thời khẳng định quyết tâm gìn giữ và phát huy những giá trị truyền thống đặc sắc của đồng bào S’tiêng và các dân tộc khác trên địa bàn huyện. Thông qua các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể thao truyền thống, Lễ hội mang đến cho du khách và bà con cơ hội trải nghiệm và cảm nhận nét đẹp đa dạng của nền văn hóa dân tộc. Đây cũng là dịp để giới thiệu, quảng bá về tiềm năng văn hóa, du lịch của huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước đến bạn bè trong và ngoài tỉnh.