Đặc sắc Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ Núi Sam
Vào lúc 19 giờ 30 phút, tối nay (ngày 28/5, nhằm ngày 21/4 âm lịch), tại Trung tâm Thương mại Vĩnh Đông (phường Núi Sam, TP. Châu Đốc) diễn ra Lễ khai hội Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ Núi Sam và kỷ niệm 10 năm lễ hội được đưa vào danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia (2014 - 2024). Đây là một trong những lễ hội đặc sắc, có nhiều nét văn hóa độc đáo và cổ kính, là sản phẩm văn hóa- du lịch tâm linh được tổ chức thường niên.
Lễ hội trăm năm
Hàng năm, cứ đến tháng 4 (âm lịch), đông đảo du khách trong và ngoài nước nô nức về An Giang hành hương, chiêm bái và tham dự Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ Núi Sam (TP. Châu Đốc). Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ Núi Sam diễn ra từ ngày 22 - 27/4 (âm lịch), thu hút đông đảo du khách hành hương, dâng lễ và chiêm ngưỡng cảnh sắc thiên nhiên của vùng đất An Giang. Năm 2001, lễ hội được công nhận là lễ hội cấp quốc gia.
Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ Núi Sam giữ một vai trò đặc biệt quan trọng trong đời sống văn hóa tinh thần của người dân TP. Châu Đốc. Lễ hội chứa đựng những giá trị lịch sử - văn hóa đặc trưng trong dòng chảy văn hóa Nam Bộ. Bản sắc văn hóa trong lễ hội được duy trì, thực hành, trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, có tính lan tỏa mạnh mẽ trong đời sống văn hóa tâm linh.
“Lễ hội chứa đựng giá trị nhân văn sâu sắc, khát vọng của cộng đồng hướng đến những điều tốt đẹp trong cuộc sống. Lễ hội còn mang tính cộng đồng cao, thể hiện sự sáng tạo và được lưu truyền qua nhiều thế hệ. Năm 2014, Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Hiện nay, Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ Núi Sam được Thủ tướng Chính phủ đồng ý đệ trình UNESCO xem xét đưa lễ hội vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại. Qua đó, cho thấy Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ Núi Sam chứa đựng giá trị lịch sử, văn hóa to lớn và đóng vai trò quan trọng trong đời sống tâm linh của cộng đồng” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước cho biết.
Trước đây, Lễ hội Vía bà Chúa Xứ Núi Sam chỉ diễn ra hơn một ngày và chủ yếu có một số lễ thức đơn giản. Từ năm 2002 đến nay, lễ hội được nâng tầm lên lễ hội quốc gia. Các nghi lễ trong Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ Núi Sam, gồm: Lễ phục hiện rước tượng Bà; lễ tắm Bà; lễ thỉnh sắc thần; lễ túc yết; lễ xây chầu; lễ chánh tế; lễ hồi sắc. Trong số các nghi thức này, lễ phục hiện rước tượng Bà được khôi phục năm 2002 và trở thành một trong 7 nghi thức chính.
Giàu bản sắc văn hóa
Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ Núi Sam là sản phẩm của quá trình giao lưu văn hóa của các dân tộc Kinh, Hoa, Khmer và Chăm tại tỉnh An Giang nói chung và TP. Châu Đốc nói riêng. Lễ hội được xem như sự phản chiếu sinh động của truyền thống, bản sắc văn hóa, sự tiếp biến văn hóa giữa các cộng đồng. Đây còn là biểu tượng tinh thần đoàn kết của cư dân phương Nam, kết nối cộng đồng làng xã được hun đúc qua thời gian từ thời khẩn hoang đến hiện nay.
Tính kết nối cộng đồng thể hiện qua việc cùng hướng đến một đối tượng linh thiêng là Bà Chúa Xứ, các bậc tiền hiền, hậu hiền, cùng tham gia các trò diễn, trò chơi dân gian, sẻ chia món ăn… Từ đó, tinh thần đoàn kết ngày càng thắt chặt hơn trong khi ngày thường họ không có dịp để bày tỏ.
Lễ hội còn là quá trình sân khấu hóa đời sống xã hội, mô phỏng, tái hiện sinh động các nhân vật, sự kiện lịch sử đã diễn ra trong quá khứ dưới hình thức lễ tế, diễn xướng dân gian. Giá trị giáo dục của Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ Núi Sam được thể hiện trong tính hướng về cội nguồn.
Tại lễ hội còn có nghi thức rước linh vị của ông Thoại Ngọc Hầu và 2 vị phu nhân, vì theo truyền thuyết họ là những người có công trấn giữ biên cương, mang lại bình yên cho dân làng Vĩnh Tế (phường Núi Sam hiện nay) và là những người góp công lớn trong việc xây dựng miếu Bà.
Điều đó nhắc nhở mọi người về đạo lý, truyền thống cha ông, về lịch sử của làng, của cộng đồng. Người dân đến với lễ hội với lòng thành kính tổ tiên và các bậc tiền nhân, nhắc nhở mọi người nhớ đến bổn phận và trách nhiệm của mình với ông bà, tổ tiên, những người xả thân vì quê hương, đất nước.
“Đến với Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ Núi Sam, Nhân dân và du khách sẽ được thưởng thức và hòa mình vào không gian văn hóa tâm linh độc đáo của các nghi lễ truyền thống, thể hiện sự tôn kính với Bà Chúa Xứ và các bậc tiền nhân có công khai mở vùng đất Châu Đốc, cầu mong mưa thuận, gió hòa, mùa màng tươi tốt, làm ăn hưng thịnh, muôn dân được an lành, ấm no, hạnh phúc” - Chủ tịch UBND TP. Châu Đốc Võ Chí Trung bày tỏ.
Nhiều hoạt động hấp dẫn
Năm nay, Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ Núi Sam kỷ niệm 10 năm lễ hội được đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia (2014 - 2024) với nhiều hoạt động phong phú, hấp dẫn, như: Chương trình may áo Bà (ngày 22/5), Tuần lễ văn hóa - văn nghệ (từ ngày 23 - 26/5), triển lãm ảnh nghệ thuật (từ ngày 24 - 28/5), hội thi thả đèn hoa đăng (tối 27/5), lễ khai hội (tối 28/5), lễ phục hiện rước tượng Bà (chiều 29/5), lễ tắm Bà (rạng sáng 31/5)…
Tại chương trình lễ khai hội có 2 phần, gồm: Phần 1 là nghi thức khai hội và phần 2 là chương trình nghệ thuật đặc sắc, chủ đề “Đất thiêng vạn lộc II” với sự tham gia biểu diễn của các ca sĩ đến từ TP. Hồ Chí Minh (Phương Thanh, Siu Black, Quang Hà…).
Đặc biệt, tại phần 1 có nghi thức đánh trống khai hội và trình diễn drone light (máy bay không người lái) lần đầu tiên xuất hiện tại An Giang. Tại màn trình diễn dronelight, khán giả sẽ được xem màn trình diễn rực rỡ sắc màu qua các tạo hình, như: Cổng chào Khu du lịch cấp quốc gia núi Sam, tượng Bà Chúa Xứ Núi Sam, ông Thoại Ngọc Hầu, chợ Châu Đốc cùng các danh lam, thắng cảnh vùng Thất Sơn… được tái hiện sống động, thắp sáng trên bầu trời TP. Châu Đốc.
Để lễ khai hội và Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ Núi Sam năm 2024 thành công tốt đẹp, tại cuộc họp rà soát công tác chuẩn bị tổ chức lễ hội, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy An Giang Lê Hồng Quang đề nghị, các thành viên Ban Tổ chức lễ hội, các sở, ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan cần tiếp tục bám sát kế hoạch, nhiệm vụ, phối hợp chặt chẽ, nỗ lực thực hiện, chuẩn bị tốt nhất các điều kiện để Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ Núi Sam năm 2024 và các sự kiện quan trọng khác diễn ra thành công, đảm bảo trang trọng, tạo không khí vui tươi, phấn khởi; tạo ấn tượng tốt, thể hiện sự trân trọng, mến khách của tỉnh An Giang. Thông qua lễ hội nhằm phát huy giá trị văn hóa và đời sống tinh thần của Nhân dân, góp phần quảng bá du lịch và tạo dựng hình ảnh của địa phương.
Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/dac-sac-le-hoi-via-ba-chua-xu-nui-sam-a396493.html